Xuất thân danh giá lại tài giỏi như Hoàng tế Philip vẫn dùng hơn 7 thập kỉ để "phò tá" vợ: Còn các ông chồng 4.0 sao chỉ biết "khua môi" làm đẹp mặt mình?

VV,
Chia sẻ

Liệu có bao nhiêu người đàn ông đủ bản lĩnh, tình yêu đủ lớn và tư tưởng đủ bao dung, độ lượng nghĩ đến lợi ích chung của cả gia đình, xã hội, đất nước hơn là sĩ diện bản thân như Philip?

Sự kiện Hoàng tế Philip - chồng của Nữ hoàng Elizabeth II qua đời dường như là cú sốc lớn đối với cung điện Buckingham.

Cũng như Victoria và Albert đã đi vào lịch sử như một cặp đôi Hoàng gia không thể tách rời, tình yêu của Philip và Elizabeth là tình yêu tuyệt vời qua bao thời đại. Nhưng điều kì diệu là nền tảng của tình yêu ấy là những điều tưởng như nghịch lý không thể hòa hợp.

Người đàn ông đứng sau thành công của vợ, đưa cả 2 trở thành "tượng đài" của đất nước

1 cô Lilibet ((biệt danh của Nữ hoàng) nhút nhát, dịu dàng lại nên duyên cùng chàng hải quân Philip mạnh mẽ, kiên định cả về tính cách và lý tưởng. Nếu nói về thân thế, cả 2 đều là dòng dõi Hoàng gia nhưng vì tình yêu, Philip sẵn sàng từ bỏ nhiều thứ để chứng minh nhận định: "Lilibet là thứ duy nhất trên thế giới này hoàn toàn có thật đối với tôi".

a - Ảnh 1.

Trước khi lễ đính hôn được công bố, Philip từ bỏ tước vị Hy Lạp của mình và trở thành công dân Anh, lấy họ theo tên Anh giáo của mẹ, Mountbatten.

Vào ngày trước lễ cưới, Vua George VI ban cho Philip tước vị Hoàng gia - Hoàng tế Philip. Tới buổi sáng hôm ấy, ông được phong làm Công tước xứ Edinburgh, Bá tước vùng Merioneth và Nam tước Greenwich vùng Greenwich.

Đám cưới diễn ra vào ngày 20/11/1947 tại Thánh đường Westminster. Đó là sự kiện, như lời Winston Churchill nói, "ánh chớp sắc màu" trong một nước Anh u ám thời hậu chiến.

Philip trở lại với sự nghiệp hải quân, nhận nhiệm vụ tới Malta, nơi hai vợ chồng ông đã sống như những gia đình quân nhân khác.

Đầu năm 1952, khi hai vợ chồng đang nghỉ tại Kenya thì có tin Vua George băng hà. Philip khi đó phải đảm nhận việc báo cho vợ tin bà nay đã trở thành Nữ hoàng.

Một người bạn sau này kể lại rằng Philip cảm giác như có "một nửa thế giới" đè xuống người ông.

Philip không phải là người hay nuối tiếc nhưng về sau này ông nói ông cảm thấy đáng tiếc vì ông đã không thể tiếp tục sự nghiệp hải quân. Các đồng nghiệp nhận xét, lẽ ra với khả năng của Philip, ông có thể lên tới vị trí Tư lệnh Hải quân.

Thay vào đó, Philip phải tạo ra một vai trò mới cho mình và việc Elizabeth lên ngôi báu lại là trọng trách nặng nề với Philip.

Lễ đăng quang đến gần và một Chiếu chỉ Hoàng gia tuyên rằng Philip phải ưu tiên việc tháp tùng Nữ hoàng trong mọi lúc mọi nơi nhưng sẽ không bao giờ có vị trí chính thức trong hiến pháp.

Xuất thân danh giá lại tài giỏi như Hoàng thân Philip vẫn dùng hơn 7 thập kỉ để "phò tá" cho vợ cớ sao các ông chồng 4.0 chỉ biết "khua môi múa mép" làm đẹp mặt mình? - Ảnh 2.

Thư kí của Hoàng tế Philip - Sir Miles từng chia sẻ: "Theo một góc nhìn nào đó, cuộc sống của ngài ấy rất đơn giản... Đó là sự ủng hộ 100% dành cho Nữ hoàng. Các hoạt động của Philip hoàn toàn dựa trên lịch trình của Nữ hoàng.

Vì vậy, ngài ấy sẽ không xem trước lịch trình của mình cho đến khi lịch trình của Nữ hoàng đã được quyết định".

Từ những chuyến du lịch vòng quanh thế giới đầu tiên của họ cho đến khi ở tuổi 90, Philip luôn ở bên cạnh khi Nữ hoàng xuất hiện trước công chúng.

Trong những thập kỷ sau khi kết hôn với Nữ hoàng, Công tước xứ Edinburgh đã thực hiện hơn 22.000 hoạt động một mình, 637 chuyến thăm nước ngoài, thực hiện ước tính 5.493 bài phát biểu và làm người bảo trợ cho gần 800 tổ chức (theo trang web hoàng gia Anh). Tháng 5/2017, Hoàng gia Anh thông báo hoàng thân 95 tuổi vĩnh viễn ngừng các nhiệm vụ Hoàng gia kể từ mùa thu.

Khi kỷ niệm đám cưới vàng vào năm 1997, Nữ hoàng Elizabeth từng chia sẻ về Hoàng tế Philip rằng: "Rất đơn giản, anh ấy là sức mạnh của tôi và ở lại suốt những năm qua. Tôi và cả gia đình anh ấy, đất nước này và nhiều nước khác, nợ anh ấy một món nợ lớn hơn những gì anh ấy có thể nói hoặc chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được".

Đàn ông nào cũng có thể làm "trợ lý" của vợ nếu muốn là "nợ" của đời nhau

Chúng ta thường chỉ nhìn thấy bề nổi và thành quả của 1 người mà không hiểu họ đã phải cố gắng, hi sinh hay trải qua những gì để có được. Cũng như cặp vợ chồng đứng đầu nước Anh, nhưng sống với trách nhiệm và nghĩa vụ nặng nề ấy liệu họ có thoải mái như những thứ danh giá được gọi bằng tên?

Nhiều người nói, thời gian Philip và Lilibet bên nhau ở Malta là một trong những tháng năm hạnh phúc nhất trong cuộc đời Nữ hoàng.

Hầu như không có nhiệm vụ Hoàng gia, bà là nàng Lilibet của Philip, có thể sống cuộc sống của một người vợ hải quân, tự lái xe quanh đảo và tự sắp xếp mọi thứ không bị ràng buộc bởi giao thức.

Xuất thân danh giá lại tài giỏi như Hoàng thân Philip vẫn dùng hơn 7 thập kỉ để "phò tá" cho vợ cớ sao các ông chồng 4.0 chỉ biết "khua môi múa mép" làm đẹp mặt mình? - Ảnh 3.

Vậy nên cặp đôi đã chọn Malta để đánh dấu kỷ niệm ngày cưới kim cương vào năm 2007.

Người đàn ông vững chãi, kiên định và gai góc trong quân đội ấy cuối cùng lại chấp nhận làm "trợ lý" của vợ mình, không 1 phút so bì, mặc cảm hay phân vân.

Người ta thường thấy đứng đằng sau thành công của đàn ông là sự tần tảo của người phụ nữ, người vợ đồng hành cùng chồng nhưng với Philip thì ngược lại.

Chắc hẳn, trong cuộc sống hôn nhân, có những gia đình rơi vào hoàn cảnh: Lương vợ hơn lương chồng, nhà ngoại danh giá hơn nhà nội hay đơn giản chỉ là vợ có tiếng nói ngoài xã hội hơn đã là cả 1 vấn đề to lớn. Các anh biến nó thành rào cản để các anh tự ti, đá thúng đụng nia, thậm chí là "gầm gừ" với vợ mình chỉ vì cô ấy giỏi. Ngồi sau xe vợ đèo còn thấy khó khăn đến "muốn khóc" chứ nói gì việc làm hậu phương vững chắc cho vợ tỏa sáng.

Liệu có bao nhiêu người đàn ông đủ bản lĩnh, tình yêu đủ lớn và tư tưởng đủ bao dung, độ lượng nghĩ đến lợi ích chung của cả gia đình, xã hội, đất nước hơn là sĩ diện bản thân như Philip?

Xuất thân danh giá lại tài giỏi như Hoàng thân Philip vẫn dùng hơn 7 thập kỉ để "phò tá" cho vợ cớ sao các ông chồng 4.0 chỉ biết "khua môi múa mép" làm đẹp mặt mình? - Ảnh 4.

Tại sao Hoàng tế Philip không hề có chút chạnh lòng hoặc cảm thấy lép vế trước vợ? Tại sao Nữ hoàng Elizabeth II không coi thường hay xem nhẹ những đóng góp của chồng hoặc nghĩ đó là điều hiển nhiên? 1 bên muốn công khai khen ngợi đối phương, 1 bên lại chỉ thích được hỗ trợ trong thầm lặng. Họ vẫn nắm tay, sánh bước, chỉ 1 cái nhoẻn cười là đủ hiểu trọng trách với cuộc đời và vị trí trong lòng nhau.

1 bàn tay vỗ không thành tiếng, cũng như hôn nhân muốn hạnh phúc, lâu bền cần sự vun đắp, xây dựng của cả 2 vợ chồng. Đến gia đình Hoàng gia người ta còn bỏ được sĩ diện cá nhân, cái tôi vốn to tát sang 1 bên để cùng yêu 1 cách chân thành và trọn vẹn nhất thì tại sao đàn ông các anh lại không thể?

Đừng thương vợ bằng miệng, yêu vợ bằng lời múa mép khua môi, hãy dùng hành động. Không 1 tình yêu nào đáng tôn trọng và trân quý bằng 1 tình yêu hiện thực, không một cuộc hôn nhân nào tồn tại mãi nếu chỉ 1 bên giữ 1 bên phá. Bởi chỉ khi chúng ta dẹp bỏ những ích kỉ cá nhân, những tính toán vụ lợi, cùng nhau xây đắp thì mới có kết quả tốt đẹp.

Chia sẻ