Xót thương cô gái xinh đẹp mắc bệnh lạ, khuôn mặt bị ăn mòn cả mắt và miệng

Mộc Cát,
Chia sẻ

Có nỗi đau nào bằng việc chứng kiến đứa con gái ngoan hiền, xinh đẹp do mình mang nặng đẻ đau phút chốc trở nên tiều tuỵ, hốc hác, khuôn mặt bị huỷ hoại nặng nề.

Đến ấp 2, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) một ngày trời âm u, chúng tôi hỏi nhà cô Hai Rìu (tức bà Nguyễn Thị Thanh Dương, 49 tuổi). Một người hàng xóm chỉ vào con hẻm nhỏ, bảo cứ đến chỗ đối diện mấy hàng rào sắt cũ hỏi nhà có đứa con gái bệnh lạ thì ai cũng biết. Mất thêm ba phút chạy xe máy, trước mặt chúng tôi là cánh cổng lớn khoá chặt, dù bên trong văng vẳng tiếng nhạc lời kinh. Mấy tháng nay, cảnh tượng ấy vẫn diễn ra đều đặn, dù không ai muốn thế.

15
Ngôi nhà của vợ chồng Hai Rìu khoá chặt cửa, dù con gái họ ở bên trong.
Tưởng là viêm xoang. Ngờ đâu…

Ở nhà bên cạnh, chị Phạm Ngọc Lý (45 tuổi) ngẹn ngào nói: “Mỗi lần đi bán, anh chị hai buộc lòng phải làm vậy, vì sợ con gái nghĩ quẩn lại làm chuyện dại dột. Tội nghiệp bé Nhung, mới tí tuổi đầu mà trời nỡ sao đày đoạ. Tôi là mợ ba mà còn thắt từng đoạn ruột, huống chi là người làm cha làm mẹ”.

Lát sau, chú Trần Văn Hồng (51 tuổi, cha chị Nhung) trở về. Mỗi ngày từ 4 giờ sáng, ông phải thức dậy để chạy ra ngoài lộ bán bún. Trên cơ thể gầy guộc của ông xuất hiện mấy vết băng bó. Hơn một tuần trước đang đi ngoài đường, ông bị một thanh niên say rượu tông phải rồi bỏ chạy. Hậu quả là người đàn ông bị gãy mấy cái xương sườn. Lê đôi chân khập khiễng, ông vừa mở cửa bằng đôi tay nặng trịch, vừa chua chát: “Bị vậy đã nhằm nhò gì so với nỗi đau mà con Nhung ngày ngày gánh chịu”.

1
Ông Hồng trở về nhà sau một ngày bán buôn cực khổ.

2
Vụ tai nạn giao thông mấy ngày trước làm chân ông bị thương.

Vợ chồng ông Hồng có hai đứa con, chị Trần Thị Yến Nhung (28 tuổi) là con gái út. Thấy đứa con gái càng lớn càng ngoan hiền học giỏi, hai ông bà lại càng hết mực cưng chiều. Học hết cấp ba, chị Nhung thi đậu vào Đại học Ngân hàng TP.HCM. Mấy năm trời miệt mài đèn sách, tưởng sắp sửa vinh quy khi chỉ còn ba tháng là kết thúc kỳ thực tập, tai hoạ bỗng bất ngờ ập xuống.

Ông Hồng kể tiếp: “Nghe nó than bị sốt, có mủ trong cổ họng, má nó mới dẫn đi khám. Bác sĩ chuẩn đoán bị viêm xoang, chỉ định mổ nhưng không hết. Lần thứ hai xuống bệnh viện, bác sĩ cũng nói phải phẫu thuật, nhưng lượng bạch cầu trong máu quá cao nên không thể thực hiện. Thấy con bé rất sợ đi khám, lại dị ứng với thuốc tây, vợ chồng tôi mới quyết định để nó ở nhà điều trị bằng đông y. Suốt bốn năm điều trị, mũi con bé cứ càng lúc càng sưng vù. Hồi tháng ba, mũi nó bắt đầu bốc mùi hôi rồi lở loét ra…”

6
Bệnh tật biến cô nữ sinh xinh xắn...

7

11
...trở thành một người ốm yếu, tiều tuỵ không nhận ra.

Nói đến đây, ông Hồng như nấc nghẹn. Ông bảo lúc ấy hai vợ chồng hoảng quá mới đem con xuống bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Cầm giấy chuẩn đoán chị Nhung bị ung thư da phải điều trị bằng hoá chất, hai người như ngây dại. Không tin vào kết quả này, họ lại đem con đi đến những bệnh viện khác nhưng không tìm ra nguyên nhân. Thời gian càng kéo dài, và trong vỏn vẹn 6 tháng, từ một vết thủng nhỏ trên mặt, toàn bộ chiếc mũi cùng hàm trên phần miệng của chị Nhung đã bị huỷ hoại nặng nề.

“Nhung hứa không quậy phá đâu, mẹ cứ đi làm đi”

Tiếng xe máy ồ ồ vang lên ngoài đầu ngõ. Dù đã hẹn gặp trước nhưng khi thấy chúng tôi từ xa, bà Dương (mẹ chị Nhung) vẫn không cầm được nước mắt. Lật đật dựng xe, bà chạy ngay vào nhà, lấy bức ảnh chân dung chị Nhung mang ra, ngồi khóc nức nở. Trên tay người mẹ là một khuôn mặt cô gái xinh xắn, đầy đặn với mái tóc buông dài. Có ai ngờ được bệnh tật đã khiến cô nữ sinh Đại học Ngân hàng xinh đẹp lại rơi vào hoàn cảnh cay đắng như hiện tại.

3
Từ ngày con gái bệnh, bà Dương không còn đi bán bún với chồng thường xuyên mà phải nhiều thời gian ở nhà chăm sóc con.

Khi bà Dương đỡ chị Nhung từ trong phòng ra, một mùi tanh tưởi xộc lên khắp ngôi nhà. Đứa con gầy còm, run run tựa vào người mẹ, chốc chốc lại phát ra tiếng kêu đau đớn. Thấy chúng tôi có phần hoảng loạn, bà Dương lại thổn thức: “Mấy cô dì nó đến thăm cũng sợ hãi giống vậy. Họ nói tối ngủ gặp ác mộng, nên lâu rồi không ghé nữa..”.

16

5
Nỗi đau đớn của người mẹ khi ôm trên tay tấm ảnh chụp lúc con còn khoẻ mạnh.

Từ ngày khuôn mặt bị biến dạng, chị Nhung cũng nửa mê nửa tỉnh. Mặc cảm chuyện xấu xí, cô thường nhân lúc cha mẹ vắng nhà leo rào trốn đi. Có hôm 11 giờ đêm không thấy con, hai vợ chồng hớt hải đi tìm, đến nửa đêm thì được những người chạy ba gác phát hiện chở về giúp. Lần khác, cô con gái lại nói muốn hóng gió, bảo mẹ dẫn ra cầu Hoá An hít thở khí trời, bà Dương lại giọt ngắn giọt dài, vì biết đó chỉ là cái cớ để con tìm cách buông xuôi số phận.

9
Người mẹ dùng khăn lau vết thương cho chị Nhung.

14
Và lấy bông gòn tẩm cồn vệ sinh đường hô hấp cho đứa con gái bé bỏng.

Bốn năm con bệnh, từ một gia đình có của ăn của để, vợ chồng ông Hồng, bà Dương lâm vào cảnh túng thiếu nặng nề. Mỗi ngày chỉ kiếm được 200.000 đồng tiền bán bún nhưng ông bà đã đổ vào căn bệnh của con trên dưới 500 triệu đồng. Niềm hi vọng còn lại của hai người, cậu con trai cả lại suốt ngày rượu chè, bỏ bê gia đình. “Nó may mắn được lành lặn lại không biết quý trọng cuộc sống. Trong khi em gái nó…”.

Câu nói chợt bỏ lửng khi chị Nhung có dấu hiệu khó thở, hắt xì liên tục. Nhúng cồn vào bông gòn, người mẹ đưa tay xộc thẳng vào vùng thối rửa mà không một chút nghĩ suy. Mấy tuần nay chị Nhung đã yếu dần nên không còn sức leo rào nữa. Miệng bị huỷ hoại nặng nề, chị cũng gần như không ăn, chỉ uống nước và sữa cầm hơi. Thấy mẹ chịu khổ vì mình, chị cố nén cơn đau, nhẹ nhàng cất lời: “Mẹ đừng buồn, Nhung sẽ ngoan. Nhung hứa không quậy phá đâu. Mẹ cứ đi làm đi”.

8
Dù con có mang hình hài thế nào, bà Dương vẫn dìu con đến suốt đoạn đường đời.

Cái không khí nặng nề ấy cứ bám víu chúng tôi mãi khi đã rời con hẻm nhỏ ra lộ lớn. Lời nói của người em dâu bà Dương - chị Phạm Ngọc Lý vẫn còn văng vẳng: “Đói nghèo còn sớt chia cho nhau lon gạo, con cá được, chứ bệnh tật như vầy thì biết san sẻ nỗi đau cùng ai?”.

Chia sẻ