"Xẻ thịt" Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình: Nguy cơ thất thu 658 tỷ đồng ngân sách

Dương Lê,
Chia sẻ

Giai đoạn 2009-2018, Khu Liên hợp thể thao quốc gia đã ký tổng số 202 hợp đồng và 68 phụ lục hợp đồng cho thuê mặt bằng các khu đất với khoảng 42 doanh nghiệp. Thanh tra Chính phủ xác định, quá trình lãnh đạo đơn vị này cho thuê mặt bằng các khu đất đã GPMB đang chờ thực hiện dự án có một số vi phạm, sai phạm và có dấu hiệu bất thường...

Nguy cơ thất thu 658 tỷ đồng tiền ngân sách

Ngày 29/6, Phó tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) -Trần Ngọc Liêm đã ký thông báo kết luận thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia (Khu LHTTQG), thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2009 đến ngày 31/12/2018.

Cùng với việc chỉ ra những tồn tại, thiếu sót cần khắc phục, TTCP đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TTCP chuyển thông tin (tài liệu, hồ sơ, chứng cứ) cho Cơ quan CSĐT - Bộ Công an để làm rõ 2 nội dung có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, về quản lý sử dụng tài sản nhà nước, tài sản công, thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất nhưng chưa nộp NSNN số tiền lớn, gây thất thu ngân sách nhà nước.

'Xẻ thịt' Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình: Nguy cơ thất thu 658 tỷ đồng ngân sách - Ảnh 1.

Một lô đất được "xẻ thịt" cho thuê tại Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình vào năm 2108. Ảnh Như Ý

Nội dung thứ nhất là việc Khu LHTTQG cho thuê mặt bằng các khu đất đã giải phóng mặt bằng (GPMB) đang chờ thực hiện dự án. Nội dung thứ hai là việc Khu LHTTQG sử dụng đất thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư trạm phân phối gas với Công ty TNHH Tân An Bình trong khuôn viên Cung thể thao dưới nước.

Theo kết luận của TTCP, khu đất đã đền bù GPMB chờ thực hiện dự án có diện tích khoảng 23,41ha nằm trong diện tích 247 ha được Thủ tướng Chính phủ tạm giao cho Khu LHTTQG quản lý. Tuy nhiên, giai đoạn 2009-2018, đơn vị này đã ký tổng số 202 hợp đồng và 68 phụ lục hợp đồng cho thuê mặt bằng các khu đất với khoảng 42 doanh nghiệp.

TTCP cho rằng, việc Khu LHTTQG cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, văn phòng phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh có thời gian 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm nhưng bản chất là cho thuê dài hạn. Quá trình sử dụng đất (là tài sản nhà nước, tài sản công) để cho thuê mặt bằng có rất nhiều sai phạm, vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tài sản công, quản lý thuế.

“Quá trình lãnh đạo Khu LHTTQG cho thuê mặt bằng các khu đất đã GPMB đang chờ thực hiện dự án có một số vi phạm, sai phạm có dấu hiệu bất thường. Tổng số tiền thuê đất Khu LHTTQG phải nộp ngân sách nhà nước nhưng chưa nộp (tạm tính) khoảng 658 tỷ đồng. Số tiền này Khu LHTTQG không có khả năng nộp, có dấu hiệu gây thất thu tiền ngân sách Nhà nước.

Đáng chú ý, theo TTCP xác định, giai đoạn từ 2009 đến tháng 5/2014, Tổng cục TDTT là cơ quan chủ quản của Khu LHTTQG có dấu hiệu buông lỏng quản lý. Từ tháng 5/2014 - 2018, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quan, vừa là cơ quan quyết định việc cho thuê tài sản nhà nước, tài sản công nhưng lại có hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm trong công tác quản lý Khu LHTTQG.

Trong đó, bộ này đã ban hành một số văn bản thể hiện sự ủng hộ, chấp thuận chủ trương cho Khu LHTTQG khai thác quỹ đất nhưng trong văn bản không chỉ đạo, không yêu cầu Khu LHTTQG thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất, nghĩa vụ khi sử dụng đất đối với việc khai thác quỹ đất.

Dấu hiệu bất thường trong hợp tác đầu tư

Đặc biệt, TTCP đã đặt nghi vấn có dấu hiệu bất thường trong quá trình thực hiện hợp tác đầu tư xây dựng trạm phân phối Gas Khu LHTTQG giữa Ban Quản lý dự án Khu LHTTQG và Công ty TNHH Tân An Bình (hợp đồng ký năm 2003).

Cụ thể, TTCP chỉ rõ, Công ty TNHH Tân An Bình sử dụng 865 m2 đất nằm trong khuôn viên khu đất Cung thể Thao dưới nước nhưng trong hợp đồng hợp tác đầu tư không quy định nghĩa vụ tài chính về đất đối với công ty này.

Mặt khác, năm 2007, khu đất này được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất cho Khu LHTTQG. Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 thì diện tích đất 865 m2 (là tài sản nhà nước) không được phép sử dụng để hợp tác đầu tư nhưng Khu LHTTQG không thực hiện điều chỉnh hoặc chấm dứt hợp đồng theo quy định, cũng không báo cáo cơ quan cấp trên về việc hợp tác đầu tư trong thời gian dài (khoảng 15 năm).

TTCP khẳng định, quá trình sử dụng tài sản nhà nước để hợp tác đầu tư nêu trên đã vi phạm một số quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Việc sử dụng 865 m2 đất thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất nhưng Khu LHTTQG chưa nộp ngân sách nhà nước, số tiền thuê đất phải nộp tạm tính trong giai đoạn 2009-2018 (chưa tính tiền chậm nộp) khoảng 2 tỷ đồng, có dấu hiệu gây thất thu ngân sách.

Ngoài ra, TTCP cũng chỉ rõ, mặc dù Khu LHTTQG là đơn vị được giao quản lý hơn 94.000 m2 đất bãi đỗ xe (đất công), song không trực tiếp quản lý mà bàn giao cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, đến nay chưa phát sinh nghĩa vụ tài chính về đất đối với nhà nước.

Giám đốc Khu LHTTQG cho Công ty TNHH Thương mại và phát triển Xây dựng Thiên Sơn mượn 500 m2 đất để làm bãi rửa xe; cho Công ty CP Đầu tư TMDV Thành phố Xanh mượn khu nhà 12 gian không thu tiền là vi phạm Luật quản lý sử dụng tài sản công, gây thiệt hại ngân sách.

Cùng với việc kiến nghị chuyển hồ sơ 2 nội dung nêu trên sang Bộ Công an, TTCP cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm điểm, làm rõ và xử lý kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu (theo sự phân công), chuyên viên quản Khu LHTTQG của Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Bộ (theo từng thời kỳ) có liên quan đến các thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm…

TTCP cho biết, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý kiến nghị của TTCP tại kết luận thanh tra nêu trên.

Chia sẻ