Giả vờ nhặt được ví - thêm một chiêu trò câu like trên mạng xã hội?

Theo Trí thức trẻ,
Chia sẻ

Mới đây, một thanh niên đăng tin trên Facebook nhặt được chiếc ví có tới 45 triệu đồng tiền mặt. Status này thu hút gần 700 lượt like và 50 người đã chia sẻ để mong sớm tìm thấy người rơi ví đen đủi.

Chủ nhân Facebook tên L.T.Đ post lên một diễn đàn thông báo nhặt được ví với nội dung:

Hôm nay, trong lúc đi chơi về mình nhặt được 1 cái ví ở ngã tư, có:

1 bằng lái xe tên Đ.V.T.

1 giấy đăng ký xe tên Đ.V.T.

1 CMND tên Đ.V.T.

3 thẻ ngân hàng

Trong ví còn có 3 triệu tiền mặt với vài chục lẻ

P/S: Ai làm rơi ví thì gọi vào số này để nhận lại nha: 063...

Ngay lập tức, đoạn status này nhận được sự quan tâm của cư dân mạng. Nhiều người thi nhau share và truyền đi thông tin về chiếc ví của nạn nhân nào đó không may đánh rơi, hi vọng người này sẽ sớm nhận lại được ví.

Bên cạnh đó, họ không quên khen ngợi lòng tốt của thanh niên có tên L.T.Đ trên, vì nhặt được ví rơi đã không "tạm thời đút túi" mà đăng lên mạng hy vọng trả lại người mất - một nghĩa cử đẹp trong cuộc sống.

Giả vờ nhặt được ví - thêm một chiêu trò câu like trên mạng xã hội? 1

Đoạn status đăng mất ví "trong tưởng tượng".

Ấy thế nhưng, chỉ sau vài chục lượt comment dưới bức ảnh thông báo nhặt được ví ấy, mọi người dần té ngửa khi phát hiện ra đây lại là một quả lừa không hơn không kém. Các nick bức xúc commen rằng, L.T.Đ bảo nhặt được ví nhưng suốt 8 tiếng post lên bao nhiêu người hỏi cũng chẳng thèm trả lời 1 câu nào về chiếc ví "nhặt được" ấy, thông tin "người đánh rơi ví" như chứng minh thư, bằng lái xe thì úp xuống. Và có người gọi vào số điện thoại L.T.Đ bảo người ta liên hệ kia còn bị... trừ 15.000 đồng trong tài khoản. Người khác thì bảo đây là trường hợp mất ví của một anh ở Huế, L.T.Đ tự lấy ảnh rồi đăng như kiểu mình nhặt được thật (!?).

Người viết bài cũng tò mò thử một lần cho biết, thì đầu dây bên kia là một cô gái giọng ú ớ nói "Không phải đâu". Gọi lại lần 2, giọng nam nghe có vẻ khó chịu "Nhầm máy rồi nhé!". Có lẽ số điện thoại này đã được thanh niên "đùa dai" kia mượn tạm. Và chiếc ví mà nick L.T.Đ đăng trên diễn đàn "như đúng rồi" ấy có lẽ là tài sản của chính cậu này, hoặc mượn ảnh người nào đó nhặt được ví, rồi đem ra làm trò đùa câu like cũng như đóng vai người tốt?

Khỏi phải nói, những người tham gia share và hỏi thông tin giúp tìm ra "người mất ví" tức giận thế nào. Họ thấy "phí" cho vài chục phút cảm thấy ấm lòng với hành động thể hiện lòng tốt của một thanh niên, cảm thấy bị lừa. Một người thốt lên chua chát "Đúng là bây giờ chẳng từ thủ đoạn nào để lừa nhau".

Không chỉ một lần, trước đó, câu chuyện một bạn nữ giả vờ đăng tin nhặt được ví, thật ra là đem ví của bạn lên mạng trêu nhau cũng khiến cư dân mạng một phen "hớ" nặng về cái gọi là "lòng tốt online".

Giả vờ nhặt được ví - thêm một chiêu trò câu like trên mạng xã hội? 2

Chiếc ví này cũng được đăng báo mất, nhưng thực ra chỉ là trò đùa của người đăng.

Nick P.A. đăng tin trên Hội Dọn nhà... rằng nhặt được chiếc ví màu hồng có rất nhiều giấy tờ quan trọng của bạn nữ tên N.H.P. và số tiền 11.600.000 đồng. "Ai biết bạn này thì nhắn liên hệ với mình qua số điện thoại 09048285.. để nhận lại giấy tờ và tiền".

Lập tức, đoạn status và thông tin xung quanh người mất ví được các mẹ share và ấn like đông như quân Nguyên. Rất nhiều người khen ngợi lòng tốt của nick P.A. khi "nhặt tới 11 triệu mà vẫn đăng tin trả lại", có người cảm động đến mức gọi bạn nữ này là "Có tấm lòng hỉ xả từ bi chưa từng thấy trong đời". Buồn cười ở chỗ, nhiều nick khác trên Facebook cũng copy bản gốc và đăng tin như thể mình nhặt được ví. Những "bản copy" ấy lại được cư dân mạng share tiếp và ai cũng nhận lại những lời khen về "lòng tốt" của người nhặt được ví.

Câu chuyện chiếc ví có hơn 11 triệu đồng ồn ào một hồi, bao nhiêu người đã tìm ra facebook "người mất ví" và sau khi pm thì mới ngã ngửa, hóa ra nick P.A. kia chỉ mang ví của bạn ra... đăng tin láo trên mạng xã hội để câu like, vì cô bạn vô tình để quên ví trong phòng. Vậy là chẳng có vụ mất ví nào hết, những "bản copy" vội vàng xóa status và cư dân mạng không khỏi kêu trời vì phong cách câu like thật quá bá đạo.

Giả vờ nhặt được ví - thêm một chiêu trò câu like trên mạng xã hội? 3

Một thanh niên có tên T. đăng status báo nhặt được ví có 45 triệu đồng tiền mặt

Mới đây, một thanh niên khác lại chơi trội hơn nữa khi đăng tin trên Facebook nhặt được chiếc ví tới 45 triệu tiền mặt. Status này thu hút gần 700 lượt like và 50 người đã chia sẻ để mong sớm tìm thấy người rơi ví đen đủi. Rất nhiều comment ở dưới khen ngợi người nhặt được ví: "1 like cho anh, hiếm có ai như anh đấy, người tốt như anh bây giờ hiếm lắm", "Chưa thấy ai tốt như anh này, cốt cách nhân văn thật thà. Share cho ai đó nhanh chóng tìm thấy ví rơi"...

Dưới đoạn status này, sau rất nhiều comment khen ngợi thanh niên thật thà tốt bụng không tham của rơi, thì "chủ nhân" của chiếc chứng minh thư và số tiền trong ví trên đã chính thức khẳng định "Thôi xóa đi, đây là tiền của mình". Hóa ra, đây chỉ là trò đùa không hơn không kém vì "thanh niên tốt bụng nhặt được ví" ngay từ đầu đã tag cả nhân vật trong chứng minh thư lên status rồi. Những ai lỡ chia sẻ mong tìm lại "chủ nhân chiếc ví" không khỏi bực mình vì "ăn quả lừa", cũng như đã vội khen ngợi lòng tốt của người khác.

Nếu như ngày trước, vạch áo hở ngực, vén váy hở chân thậm chí giả... chết, tự rạch tay, tự bôi đen mắt hay dùng phần mềm "ăn đấm" để được chú ý trên mạng thì bây giờ, những trò đó xem ra đã lỗi thời. Khi thấy đăng tin nhặt được đồ rơi, nhặt được ví có tiền và giấy tờ, phản xạ đầu tiên của nhiều người với lòng tốt, là cất công share thông tin cũng như hỏi han để sớm tìm ra người gặp nạn, người rơi đồ... Tuy nhiên, khi biết được tất cả chỉ là trò câu like, họ tỏ ra thất vọng thực sự và tự dặn mình rằng lần sau sẽ "chừa". Cứ thế, vô hình chung đem lại sự bất lợi với những ai gặp nạn thật sự, đang cần được giúp đỡ.

Và câu chuyện đặt lòng tin vào đâu giữa thế giới ảo ngày càng "ảo diệu" hơn, vẫn cứ là những bài học "mãi" không thừa...

Chia sẻ