"Bố ơi, con ước" và 23 câu chuyện đẫm nước mắt về bạo hành gia đình

Lê Bảo,
Chia sẻ

“Bố ơi con ước” là tập hợp 23 câu chuyện của 23 nam thanh niên sống trong các gia đình bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình tại Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Ninh được chính các em ghi lại sống động bằng hình ảnh.

23 bộ ảnh đưa người xem đến những cung bậc cảm xúc khác nhau của những đứa trẻ sớm bị thương tổn về tình cảm vì thiếu đi sự chăm sóc của người cha, thay vào đó là những trải nghiệm đau buồn về bạo lực.

Triển lãm “Bố ơi, con ước” giúp các em nói lên ước mơ của mình về một người cha mẫu mực, một gia đình hạnh phúc. Đó tưởng chừng như là những điều nhỏ bé chúng ta vẫn thường bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày nhưng với các em, 23 gương mặt đại diện cho rất nhiều đứa trẻ trong các gia đình bị ảnh hưởng bởi bạo lực tại Việt Nam, đó lại là giấc mơ rất khó chạm tới. Mỗi điều ước có thể khiến chúng ta, những người lớn thấy mình phải tự hoàn thiện hơn để không làm tổn thương con cái.

Triển lãm “Bố ơi con ước”, đồng thời là thông điệp gửi đến cộng đồng, là lời kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của ban ngành trong việc thực thi Luật Bình đẳng giới và Phòng chống Bạo lực gia đình, cũng như vận động sự tham gia của xã hội, giới truyền thông và các cơ quan có liên quan trong việc chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. 

Dưới đây là một số câu chuyện đẫm nước mắt mà chúng tôi ghi lại tại triển lãm "Bố ơi, con ước" tại Viện Goethe (số 56-58 Nguyễn Thái Học - Hà Nội) từ ngày 3-7/12/2014.

Chăn dê lấy tiền đi tìm bố

- Bố em đang ở đâu?
- Bố em đang ở miền núi cơ.
- Thông thường bao nhiêu lâu bố em lại về nhà một lần?
- Mấy chục năm rồi chưa về.
- Thế hiện tại em ở với ai?
- Em đang ở với mẹ, với chị, thi thoảng dượng em mới về, lần nào ông cũng chửi đánh mẹ con em.
- Chị em năm nay bao tuổi rồi?
- Chị em sinh năm 1994.
- Thế em sinh năm bao nhiêu?
- Em sinh năm 1998.
- Em gặp bố bao lần rồi?
- Em sinh ra chưa được gặp bố lần nào.
- Bộ ảnh em chụp về cái gì nhỉ?
- Em mong một gia đình đầm ấm, hạnh phúc và sớm tìm thấy bố.
- Ngoài việc đi học em có làm thêm gì không?
- Có ạ, em phải đi chăn dê thuê để dành tiền tìm bố.




"Hình ảnh mẹ đi làm tối sớm để nuôi em ăn học".


"Mẹ em đi làm về rồi rửa tay ở bờ ao".


"Ngoài việc học em phải đi chăn dê thuê".


Em Phạm Quang Nam (học sinh lớp 11 - trường THPT Trần Hưng Đạo - Hưng Yên) mặt buồn rượi nhìn lại những bức ảnh mình chụp về gia đình.

Ước mơ có bố ăn cơm cùng

- Bố đi công tác hay vắng nhà nên không hay ăn cơm cùng hai mẹ con à?
- Bố cứ đợi hai mẹ con ăn xong bố mới ăn. Bố không muốn ăn cùng hai mẹ con. Dạo này bố mẹ xung đột, cũng được mấy tháng rối do vụ mùa năm qua nhà em bị mất trắng, thất bát hết nên mất sạch. Bố chửi mẹ "loại mày ngu nên không biết làm", mẹ em bảo "cả làng chết chứ có phải riêng mình chết đâu" rồi bố tát mẹ, đánh mẹ nữa, lúc đó em không ở nhà, mẹ kể lại và mẹ khóc.









Những bức ảnh về bữa cơm vắng bố được chính người con trai ghi lại.

Câu chuyện về đôi dép và những chiếc gậy

- Em chụp về đôi dép và những chiếc gậy. Mỗi khi em làm gì có lỗi là bố cầm dép, cầm gậy đánh em.
- Bố chỉ đánh em thôi đúng không?
- Có lần bố đi uống rượu đòi mẹ đưa tiền để đi chơi, mẹ không có bố liền nhìn thấy tiền trong túi mẹ. Mẹ bảo tiền này để nộp học chứ không phải đi chơi. Bố lấy dép bố đánh, mẹ khóc rồi mẹ chạy xuống nhà bác. Hai anh em sợ quá, di chơi không dám về. Mỗi khi bố tỉnh rượu, bố lại bình thường như những người đàn ông khác.
Bình thường bố làm những việc như: Giặt, phơi quần áo, quét nhà, bố thường đánh mọi người như việc mọi người không làm theo ý bố. Có lần em bị điểm kém, bố kiểm tra rồi chửi, "Mẹ, tao cho mày đi học mà điểm kém như thế này à.." và đánh.
- Theo em, việc đánh có làm cho người ta tốt lên không?
- Em hiểu là khi đánh thì không thể làm cho người ta tốt hơn, bố nghĩ việc đánh sẽ làm cho người ta tốt lên. Em nghĩ chúng ta cần nhỏ nhẹ, khuyên răn. Mỗi lần em nhìn thấy bố đánh mẹ, em cảm thấy rất buồn và thương mẹ. Em muốn bố ít uống rượu hơn và làm giúp mẹ nhiều việc hơn bởi bây giờ bố không làm gì nữa. Thậm chí tiền uống rượu bố lấy của anh trai khi anh đi làm về, còn nếu không có tiền bố ra quán uống chịu rồi người ta lại bắt mẹ trả nợ. Nếu không trả, bố lại chửi mắng mẹ và đánh.










Những vật dụng và câu chuyện mà cậu bé H.N kể lại bằng hình ảnh.

Câu chuyện chiếc khăn quàng đỏ

Đây là một trong những câu chuyện gây ám ảnh, với hình ảnh chiếc khăn quàng đỏ gắn liền với những ngón đòn chưa thể xóa nhòa trong ký ức ...

- Hồi đó em mải chơi, em đã bỏ học và khi về thì bố biết, bố đánh, bố túm khăn quàng đỏ dúi đầu vào tường gần một chiếc bàn, chiếc bàn đổ và tay em bị trầy da. Lúc đó em chỉ biết chắp tay van xin "con xin bố, con lạy bố"... rồi từng giọt nước mắt em chảy ra. Bố đánh xong còn trói em vào một cái cột bằng chính chiếc khăn quàng đỏ. Lúc đó với em như trái đất đang sụp xuống đầu em, em định dùng khăn quảng đỏ thắt cổ tự tử...

Qua những bức ảnh này em muốn gửi đến những ông bố rằng nếu con có làm sai cái gì thì cũng không nên đánh đập, đuổi ra khỏi nhà hay có những biển pháp mạnh. Chúng em chỉ muốn là nếu chúng em sai thì bố mẹ chỉ ra cho chúng em biết, chứ không nên đánh đập hoặc mắng nhiếc...




Chiếc khăn đỏ, biểu tượng cho thời học sinh vui tươi, hạnh phúc  nhưng lại là sự gợi nhớ về những ký ức kinh hoàng của người cha một thời 

Triển lãm là một trong các hoạt động của Chiến dịch Quốc gia về Bình đẳng giới năm 2014, kêu gọi thế giới chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, được tài trợ bởi UNFPA, Atlantic Philanthropy và Đại sứ quán Canada tại Hà Nội.
Chia sẻ