WHO: Trẻ uống sữa công thức có nguy cơ béo phì cao hơn so với trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn

HỒNG HẠNH ,
Chia sẻ

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 30.000 trẻ em ở 16 quốc gia châu Âu trong một thời gian dài. Kết quả cho thấy những đứa trẻ được bú mẹ hoàn toàn ít gặp các vấn đề liên quan đến cân nặng khi lớn lên.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), những em bé uống sữa công thức có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn 25% so với những đứa trẻ bú mẹ.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 30.000 trẻ em ở 16 quốc gia châu Âu trong một thời gian dài. Kết quả cho thấy những đứa trẻ được bú mẹ hoàn toàn ít gặp các vấn đề liên quan đến cân nặng khi lớn lên, trong khi những em bé được nuôi kết hợp vừa sữa mẹ vừa sữa công thức có nguy cơ béo phì là 12%, và những đứa trẻ bú sữa công thức từ khi lọt lòng có nguy cơ béo phì lên đến 25%.

WHO: Trẻ uống sữa công thức có nguy cơ béo phì cao hơn 25% so với trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn - Ảnh 1.

Những đứa trẻ được bú mẹ hoàn toàn ít gặp các vấn đề liên quan đến cân nặng khi lớn lên (Ảnh minh họa).

Nói về lý do vì sao sữa công thức lại khiến trẻ tăng cân nhiều hơn, các chuyên gia nghiên cứu đã giải thích là do sữa bò có hàm lượng protein cao hơn nên đã kích hoạt sự phát triển của các tế bào mỡ. Kể từ đó, WHO đã kêu gọi các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ.

Tiến sĩ Joao Breda - người đứng đầu văn phòng đại diện ở châu Âu của WHO về phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không truyền nhiễm, cho biết các chính phủ phải làm nhiều hơn để thúc đẩy việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. "Cho con bú sữa mẹ có tác dụng bảo vệ trẻ thực sự mạnh mẽ. Bằng chứng bảo vệ đó chính là nghiên cứu này. Lợi ích này nên được phổ biến rộng rãi đến mọi người", Tiến sĩ Joao nói.

Ngoài ra, bà Sue Ashmore – Giám đốc chương trình Sáng kiến Thân thiện với Trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) ở Anh, cũng đồng ý rằng nuôi con bằng sữa mẹ là cách phòng vệ đầu tiên chống lại bệnh béo phì. Bà chia sẻ: "Tại Anh, tỉ lệ cho con bú sữa mẹ thuộc hàng thấp nhất thế giới, chỉ có 2/10 người mẹ chấp nhận nuôi con bằng sữa của mình, và chỉ có 1% các bà mẹ là nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu mà không kèm sữa công thức".

Vì sao nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu đời?

WHO: Trẻ uống sữa công thức có nguy cơ béo phì cao hơn 25% so với trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn - Ảnh 2.

Trong chiến dịch Start4Life của mình, cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh đã nêu ra những lợi ích mà trẻ sẽ nhận được khi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu năm. Đó là sữa mẹ sẽ bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng, cân bằng dinh dưỡng cũng như giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, bệnh bạch cầu và dị ứng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tuyên bố rằng những đứa trẻ được bú sữa mẹ ít có khả năng mắc bệnh tiểu đường hay béo phì khi lớn lên. Còn các bà mẹ sẽ giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng, loãng xương, bệnh tiểu đường và tim mạch.

Vì những lợi ích này, WHO đã khuyến cáo các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, sau đó cho trẻ ăn dặm kèm với bú mẹ cho đến khi trẻ được 2 tuổi.

Nguồn: Unicef, WHO, Independent

Chia sẻ