WHO chính thức cảnh báo: Nghiện chơi game là một chứng bệnh tâm thần

MT,
Chia sẻ

Mới đây tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa chính thức bổ sung chứng nghiện trò chơi điện tử là một bệnh lý trong danh sách cập nhật phân loại bệnh quốc tế (ICD). Theo WHO, nghiện game là một bệnh về tâm thần.

Nghiện chơi game là một chứng bệnh tâm thần

WHO đã nhất trí quan điểm coi chứng nghiện game là một bệnh lý chính thức được bổ sung vào danh mục 55.000 bệnh, các thương tích hoặc nguyên nhân gây tử vong, hay còn gọi là danh sách phân loại bệnh (ICD) được các bác sĩ, nhà nghiên cứu, công ty bảo hiểm sức khỏe sử dụng để tham khảo.

Năm 2018, chứng nghiện game được WHO xếp vào dạng rối loạn tâm thần khi các chuyên gia y tế đều đồng thuận về những nguy cơ gây nghiện nghiêm trọng do việc thường xuyên chơi các trò chơi điện tử. Rối loạn tâm thần do nghiện game là việc chơi game liên tục hoặc thường xuyên, gồm cả game kỹ thuật số hoặc video game, tới mức ưu tiên và coi trọng hơn tất cả các hoạt động khác. Ngoài ra, các triệu chứng khác cũng bao gồm "việc thường xuyên chơi game bất chấp những hậu quả tiêu cực.

WHO chính thức cảnh báo: Nghiện chơi game là một chứng bệnh tâm thần - Ảnh 1.

Đến nay, nghiện game được định nghĩa là "Không thể kiểm soát cảm xúc thèm muốn chơi game, liên tục coi việc chơi game là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, bất chấp mọi nhu cầu và hoạt động, sở thích hàng ngày khác".

Theo các chuyên gia, trẻ được xác định nghiện game hay mắc rối loạn chơi game khi thỏa mãn những tiêu chí sau:

Trẻ không điều khiển được bản thân khỏi game, ví dụ như chơi bất cứ ở đâu, địa điểm, chơi liên tục, chơi bất kể lúc nào.

Trẻ coi trọng việc chơi game hơn tất cả những việc khác trong cuộc sống.

Trẻ bất chấp hậu quả tiêu cực xảy đến, game vẫn trở thành thứ tiên quyết trong cuộc sống của trẻ. Giai đoạn lạm dụng game có thể kéo dài, mới xảy ra hoặc theo mùa, không có thời gian cố định. Để được xếp vào rối loạn chơi game, quá trình lạm dụng game và những tính năng của game phải kéo dài trong vòng ít nhất là 12 tháng, tuy nhiên vẫn có những trường hợp cá biệt phụ thuộc vào triệu chứng và mức độ trầm trọng của hậu quả do chứng rối loạn này gây ra."

Hậu quả chứng nghiện game ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng

Theo Ths Ngô Anh Vinh- khoa Sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi Trung ương hậu quả nặng nề nhất mà trẻ nghiện game phải gánh chịu có thể kể đến là rối loạn về tâm lý. Khi nghiện game, trẻ chơi liên tục bất kể giờ giấc nên cuộc sống hằng ngày bị ảnh hưởng.

Khi nghiện game, trẻ không còn hứng thú học tập và với những hoạt động như trước kia vẫn thích. Trẻ có thể mắc các chứng trầm cảm, lo âu, mất tự tin, dễ bị kích động, cảm giác có tội lỗi vì không kiểm soát được hành vi chơi game của mình.

WHO chính thức cảnh báo: Nghiện chơi game là một chứng bệnh tâm thần - Ảnh 2.

Bên cạnh đó trẻ nghiện game còn có một số biểu hiện khác như:

Rối loạn giấc ngủ: Nguyên nhân của tình trạng này là do não trẻ bị kích thích bởi những ám ảnh khi chơi game, đặc biệt là trò chơi bạo lực. Điều này rất có hại với sức khỏe và não bộ dẫn đến cơ thể dễ bị suy nhược, không tập trung. Tình trạng này nếu kéo dài thường xuyên sẽ gây suy giảm tế bào thần kinh, giảm trí nhớ dẫn đến làm tổn thương thần kinh.

Đau đầu: Do trẻ tập trung chơi và phải nhìn vào màn hình quá lâu.

Những rối loạn về mặt tâm lý: Trẻ nghiện game còn gánh chịu những hậu quả khôn lường về mặt tinh thần.Trẻ ít tham gia vào hoạt động xã hội, không giao tiếp với mọi người dẫn đến bị cô lập và cảm thấy cô đơn, mất bạn bè. Trẻ học giảm sút, chán học, bỏ học và thậm chí trẻ có thể bị lưu ban, bị đuổi học.Trẻ bỏ các công việc trong gia đình, thậm chí trẻ có thể lấy tiền học để chơi game thay vì nộp học phí cho nhà trường…

Ngoài ra, trẻ nghiện game dễ bị rối loạn tâm sinh lý, một phần do hưng phấn hoặc tiêu cực quá mức khi chơi game, một phần do bị ảnh hưởng bởi tính cách của các nhân vật trong game nên dễ dẫn đến các hành vi sai trái, bạo lực. Trẻ đam mê chơi trò chơi bạo lực thường bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh này và trở nên hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời.

Bên cạnh đó, trẻ còn có thể mắc phải chứng khô mắt, đỏ mắt, đau lưng, đau tay, đau cổ do phải ngồi quá lâu ở một tư thế.

Chia sẻ