WHO cảnh báo khẩn cấp về dịch Ebola

Theo Tuổi Trẻ ,
Chia sẻ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch Ebola có thể sẽ nghiêm trọng hơn trong vài tháng tới và kêu gọi viện trợ quốc tế để giúp đỡ các nước đang có dịch Ebola ở châu Phi.

WHO cảnh báo khẩn cấp về dịch Ebola 1
Các tình nguyện viên châu Phi diễn tập mai táng người tử vong do nhiễm Ebola tại thành phố Kailahnn - Ảnh: Reuters

“Rất có thể mọi việc sẽ trở nên xấu đi” - Reuters dẫn lời ông Keiji Fukuda, giám đốc cơ quan an ninh y tế của WHO, trong họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ). Cuộc họp khẩn của ủy ban WHO trong hai ngày 6 và 7-8 tại Geneva đã “thống nhất tuyệt đối” về việc đánh giá tình hình, thông cáo từ cuộc họp nêu rõ.

Cùng lúc, tổng giám đốc WHO - bà Margaret Chan - kêu gọi quốc tế giúp đỡ nhiều hơn các nước bị ảnh hưởng ở châu Phi vì “bản thân các nước này không thể đương đầu nổi” và bà cũng kêu gọi thế giới cảnh giác cao độ với dịch Ebola.

Vượt tầm kiểm soát

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng lúc cảnh báo đại dịch Ebola ở Tây Phi “có quy mô lớn chưa từng thấy từ trước đến nay”. Tiến sĩ Tom Frieden, giám đốc CDC, cho biết số lượng người nhiễm virút Ebola ở Tây Phi đã vượt qua tổng số người mắc bệnh ở tất cả các đợt bùng phát dịch trước đây.

Theo WHO, hiện đã có ít nhất 932 người chết vì nhiễm Ebola và hơn 1.700 người khác nhiễm bệnh kể từ khi dịch bệnh này bùng phát ở Guinea hồi đầu năm 2014.

Tiến sĩ Tom Frieden cho rằng gần như chắc chắn dịch Ebola sẽ lan đến Mỹ và các nước khác qua con đường du lịch. Nhưng nhiều khả năng dịch ở bên ngoài châu Phi sẽ có quy mô nhỏ và dễ kiểm soát hơn.

Tuy nhiên Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) cảnh báo virút chết người này hiện nay đang “vượt ngoài tầm kiểm soát”, với hơn 60 điểm có dịch. Virút Ebola đã có dấu hiệu lan sang Đông Phi.

Giới y tế tại sân bay quốc tế Entebbe của Uganda đã cách ly một hành khách trên một chuyến bay đến từ nam Sudan ngay khi người này có dấu hiệu sốt. Giới chức y tế của quốc gia Tây Phi Benin cũng đang cho cách ly hai bệnh nhân có những triệu chứng giống nhiễm Ebola.

Các quốc gia như Liberia, Guinea và Sierra Leone đã ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch bệnh Ebola. Binh lính ở tỉnh Grand Caoe Mount của Liberia đã phong tỏa mọi con đường nhằm giới hạn người dân đến thủ đô Monrovia.

Ở Sierra Leone, hơn 800 binh lính đã được triển khai để canh gác ở những bệnh viện có bệnh nhân nhiễm Ebola điều trị.

Chuyên gia Ken Isaacs thuộc Tổ chức Y tế SIM cho biết ở Liberia và một số nước Tây Phi, hàng trăm người chết vì Ebola vẫn còn nằm trên đường phố. Các nước châu Phi kêu gọi Mỹ cung cấp loại thuốc thử nghiệm ZMapp để chống Ebola.

Tại Nigeria, giới bác sĩ trong các bệnh viện công đã đình công một tháng do quan ngại sự lây lan của virút Ebola. Dịch bệnh nhiệt đới này cũng đã cướp đi sinh mạng hai người và làm năm người khác nhiễm bệnh ở thủ đô Lagos.

Các nước dựng rào phòng ngừa

Theo Reuters, bộ y tế ở các quốc gia châu Á đang tăng cường mọi biện pháp ngăn chặn dịch Ebola bùng phát ở châu lục này. Nhiều nước sử dụng camera đo thân nhiệt và bố trí bác sĩ ở các sân bay để kiểm tra thân nhiệt hành khách đến và đi ở các sân bay.

Hầu hết các quốc gia này đều khuyến cáo người dân không nên đến các vùng đang có dịch.

Giới chức y tế Thái Lan cho biết họ đang theo dõi 21 du khách đến từ Sierra Leone, Liberia và Guinea nhưng không có ý định cách ly những du khách này.

“Họ tự do đi lại nhưng chúng tôi thường xuyên kiểm tra tình trạng của họ” - Reuters dẫn lời ông Opart Karnkawinpong, một quan chức kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế Thái Lan.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết họ cũng áp dụng biện pháp tương tự Thái Lan, quốc gia này có 45.000 dân đang sinh sống và làm việc ở bốn nước Tây Phi nằm trong vùng dịch.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng khẳng định Bộ Y tế nước này sẵn sàng đưa người nghi nhiễm Ebola đến những bệnh viện đặc biệt để cách ly.

Các nước Úc, Trung Quốc cũng đã có những bước phòng chống cần thiết nhằm ngăn chặn dịch Ebola lan rộng.

VN chủ động ngăn ngừa dịch Ebola

Ngày 8-8, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tăng cường giám sát khách nhập cảnh có thời gian đi qua, ăn ở tại vùng dịch, đặc biệt là tại Liberia, Guinea, Sierra Leone, Togo, Nigeria, Ghana.

Bà Ngọc cũng yêu cầu các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn vùng cách ly, khoanh vùng dập dịch từ những ca bệnh đầu tiên. Đồng thời huy động lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm có liên quan đến động vật Ebola như linh dương, khỉ châu Phi, theo dõi tình hình lây nhiễm Ebola trên gia súc...

Các cơ sở lưu trú, du lịch cập nhật lượng khách đến và đi, chú ý khách từ vùng dịch để có giám sát kịp thời nếu có trường hợp nghi mắc bệnh.

* Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP.HCM có nguy cơ bị virút Ebola xâm nhập vì đây là thành phố lớn, hằng ngày tiếp nhận một lượng du khách lớn từ các nước đến. TP.HCM hiện chưa có ca bệnh, nên nhiệm vụ trọng tâm của TP nói chung và ngành y tế nói riêng là theo sát thông tin, diễn biến của dịch bệnh.

Hiện nay tại TP.HCM không có chuyến bay thẳng tới những nước đang có bệnh do virút Ebola, do vậy chỉ kiểm soát những du khách trước đó đã tới các nước này, qua một nước khác sau đó mới tới VN.

Từ ngày 15-8, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế sẽ triển khai tờ khai y tế đối với những người đến từ nước có dịch.

* Trong khi đó Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các cảng vụ hàng không, cảng hàng không quốc tế và các hãng hàng không thực hiện các biện pháp phòng chống.

Cục Hàng không yêu cầu các đơn vị trên phối hợp chặt chẽ với kiểm dịch y tế quốc tế thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh lây nhiễm qua đường hàng không; giám sát chặt chẽ hành khách đi máy bay từ vùng có dịch (bốn nước: Guinea, Liberia, Nigeria, Sierra Leone) vào Việt Nam, phát hiện kịp thời những trường hợp nghi vấn để cách ly theo dõi gửi bệnh viện điều trị.

Phối hợp chặt chẽ với y tế trên địa bàn sân bay và kiểm dịch y tế quốc tế để kịp thời xử lý khi có dịch xảy ra.


Chia sẻ