Vùng đất bí ẩn Sì Lờ Lầu, nơi phụ nữ nhổ gần trụi tóc và chỉ gội đầu mỗi năm một lần vào đúng dịp Tết

Min,
Chia sẻ

Gần đến Tết, họ mới tháo lọn tóc khô cứng ra và gội đầu bằng một loại nước thảo dược. Cứ thế, mỗi năm hoạt động này chỉ được diễn ra 1 lần.

Sì Lờ Lầu có lẽ là vùng đất xa xôi, hiểm trở nhất của tỉnh Lai Châu, giáp với biên giới Trung Quốc. Và bởi vì tính chất đó nên vùng đất này vẫn còn tồn tại nhiều bí ẩn mà chúng ta vẫn không sao biết hết. Trong đó, tục lệ nhổ tóc và suốt cả năm chỉ gội đầu đúng một lần vào dịp giáp Tết của người Dao đỏ - dân tộc bản địa nơi đây, là đặc biệt thú vị nhưng cũng không kém phần kỳ lạ.

Vùng đất bí ẩn Sì Lờ Lầu, nơi phụ nữ nhổ gần trụi tóc và chỉ gội đầu mỗi năm một lần vào đúng dịp Tết - Ảnh 1.

(Ảnh: Dragonfire)

Nguồn gốc của tập tục nhổ tóc kỳ lạ của một dân tộc ở miền biên viễn

Theo những người già của dân tộc Dao đỏ nơi đây, thì cái tên Sì Lờ Lầu không đơn giản là một tên riêng của một xã nhỏ thuộc tỉnh Lai Châu mà nó còn có nghĩa là "12 tầng dốc". Bởi từ thành phố Lai Châu muốn đến được Sì Lờ Lầu phải qua 12 ngọn núi trùng điệp hiểm trở. Tách biệt như thế nên đó cũng là lý do khiến người Dao đỏ luôn luôn gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình mà gần như không hề bị pha trộn hay mai một, dù ngoài kia có phát triển đến cỡ nào.

Quay trở lại phong tục nhổ tóc và gội đầu kỳ lạ của phụ nữ nơi đây. Theo các già làng người Dao đỏ, tục lệ này đã có từ nhiều đời trước. Theo đó, đã có một câu chuyện bắt nguồn từ lâu được cho là lý do cốt lõi hình thành nên tập tục này, đó là vào ngày xưa ở một gia đình, lúc quây quần chuẩn bị cơm, một nàng dâu mới đứng xới cơm cho cả nhà.

Vùng đất bí ẩn Sì Lờ Lầu, nơi phụ nữ nhổ gần trụi tóc và chỉ gội đầu mỗi năm một lần vào đúng dịp Tết - Ảnh 2.

(Ảnh: Nguyên Bình)

Chẳng may một sợi tóc dài của nàng dâu này rơi vào bát cơm của bố chồng. Ông ấy liền giận dữ chửi mắng con dâu mình, đòi đuổi ra khỏi nhà. Thế là từ đó, tục nhổ tóc mới hình thành để tránh những chuyện tương tự xảy ra. Mặc khác, nhổ hết tóc còn giúp phụ nữ Dao đỏ đỡ vướng víu khi đi lên nương và tận diệt được nạn ngứa da đầu vì chấy rận hoành hành.

Phải nhổ tóc mới đúng chuẩn mực vẻ đẹp và 1 năm chỉ gội đầu 1 lần

Bất kể bé gái Dao đỏ nào sinh ra cũng sẽ được cha mẹ dạy bảo rằng sau này lớn lên, lấy chồng thì bắt buộc phải nhổ tóc. Đau cũng phải nhổ, vì con gái với mái đầu gần như trọc hoàn toàn, chỉ chừa một chóp tóc trên đỉnh đầu mới đúng chuẩn vẻ đẹp nữ tính tại vùng đất hiểm trở này.

Vùng đất bí ẩn Sì Lờ Lầu, nơi phụ nữ nhổ gần trụi tóc và chỉ gội đầu mỗi năm một lần vào đúng dịp Tết - Ảnh 3.

(Ảnh: Hà Ngọc Ngân)

Nhổ tóc còn là một cách chứng minh sự thật lòng đối với chồng tại nơi đây. Theo đó, ngày xưa tại đây còn có tập tục bắt vợ, nếu cô gái bị bắt không ưng thuận có thể bỏ về, còn nếu ưng thuận thì ở lại nhà chồng 2-3 ngày, suốt thời gian đó phải nhổ tóc như một cam kết thật lòng. Lúc này mới chính thức được nhà chồng công nhận.

Chóp tóc còn lại đó thì phải giữ nguyên, một năm mới được gọi một lần vào khi trước Tết, như một cách làm đẹp tương tự như việc chúng ta mua quần áo mới dịp Tết vậy. Vậy tại sao phụ nữ Dao đỏ lại quyết định nhổ hết mà chừa lại một chỏm tóc ở đỉnh đầu? Câu trả lời nằm trong quan niệm tín ngưỡng của họ. Người Dao đỏ cho rằng đỉnh đầu là nơi trú ngụ của linh hồn con người, mà linh hồn lại là thứ kết nối với sinh mệnh và sức khỏe, vậy nên để lại chỏm tóc ở đỉnh đầu giúp phụ nữ Dao đỏ phòng tránh bệnh tật, bảo vệ cơ thể.

Vùng đất bí ẩn Sì Lờ Lầu, nơi phụ nữ nhổ gần trụi tóc và chỉ gội đầu mỗi năm một lần vào đúng dịp Tết - Ảnh 4.

(Ảnh: Dương Ngọc Ánh)

Cầu kỳ việc nhổ tóc, bảo quản tóc và quá trình giữ tóc 1 năm mới được gội 1 lần vào dịp Tết

Tập tục kỳ lạ này thoạt nghe có vẻ thực hiện dễ dàng nhưng thật ra lại cầu kỳ. Cầu kỳ ở chỗ là người Dao đỏ cho rằng việc cạo tóc là không đẹp nên họ phải nhổ, nhổ từng cọng một, nhổ luôn cả chân mày. "Đồ nghề" nhổ tóc của họ là một cái lông nhím khô, một bộ khung và một cái cờ để cắm lên đầu, công dụng của chúng thì không ai nắm rõ. Chỉ biết, công cụ nhổ tóc chính là một sợi chỉ, họ sẽ quấn sợi chỉ này đến chân tóc rồi sau đó giật đi để nhổ. Nghe là thấy nể độ chịu đau của chị em dân tộc Dao đỏ.

Vùng đất bí ẩn Sì Lờ Lầu, nơi phụ nữ nhổ gần trụi tóc và chỉ gội đầu mỗi năm một lần vào đúng dịp Tết - Ảnh 5.

(Ảnh: Quốc Cường)

Đặc biệt hơn nữa, là nếu không may trong bảng có một cô gái nào chết trẻ, chưa có chồng thì người thân phải nhổ tóc cho cô gái trước khi nhập quan. Vì người Dao đỏ quan niệm nếu không nhổ tóc thì cô gái sẽ không siêu thoát và kiếp sau sẽ không được làm người. Cũng có người do ốm đau, tóc dài chưa nhổ được, khi chết sẽ được người thân nhổ tóc như bao phụ nữ còn sống khác.

Sau khi nhổ xong, còn lại một chóp tóc, họ sẽ tiếp tục thực hiện công tác bảo quản chóp tóc này bằng sáp ong. Công đoạn này cũng rất gian nan. Họ sẽ nấu chảy sáp ong sau đó nhúng lược vào và chải lên chóp tóc. Vừa chải họ còn phải phết tóc thành từng lọn nhỏ từ trên xuống dưới. Trải qua vài tiếng chải phết đó, khi tóc đã khô lại, họ tiếp tục vấn vào thành một lọn ở đỉnh đầu. Công cuộc bảo quản lọn tóc đến đây là xong.

Vùng đất bí ẩn Sì Lờ Lầu, nơi phụ nữ nhổ gần trụi tóc và chỉ gội đầu mỗi năm một lần vào đúng dịp Tết - Ảnh 6.

(Ảnh: Trịnh Nhật Minh)

Nhưng nếu việc nhổ tóc được lặp đi lặp lại hàng tháng để tránh chuyện tóc mọc quá nhanh thì riêng chóp tóc đã được bảo quản bằng sáp ong kia chỉ được gội một năm một lần vào dịp cận Tết. Trong suốt một năm đó, nếu nhỡ không may làm tóc bẩn, họ chỉ được phép làm sạch bằng vỏ bưởi hoặc chanh, còn nếu ngứa thì gãi đầu bằng lông nhím. Đến khi độ này mỗi năm họ mới tháo lọn tóc khô cứng đó ra và gội bằng một loại nước thảo dược, rồi tiếp tục chải phết bằng sáp ong, cứ thế mà bảo quản năm này qua năm khác.

Tuy đây là một nét bản sắc văn hóa rất đặc biệt của người Dao đỏ, nhưng hiện tại tập tục này đang được các thế hệ sau chối bỏ vì quá đau khi nhổ tóc và quá ngứa da đầu. Vì vậy, hiện tại chỉ còn một số ít phụ nữ lão làng và trung niên của dân tộc Dao đỏ là duy trì tập tục như cách để lưu giữ phong tục của tổ tiên, ở vùng đất biên viễn xa xôi Sì Lờ Lầu này.

(Nguồn: Viện nghiên cứu văn hóa dân gian)

Chia sẻ