Vừa ăn cơm xong bé gái liền hỏi "má vui không ạ?", người mẹ giật mình nhận ra đã dạy con sai cách
Chỉ qua một câu hỏi ngây thơ của con, người mẹ tinh ý liền nhận ra bấy lâu nay phương pháp dạy con của chị đã sai.
Mọi người thường nói "nuôi con đã khó, dạy con còn khó hơn". Quả thật là như vậy! Trẻ con giống như tờ giấy trắng. Nếu không dạy con đúng đắn thì đứa trẻ sau này lớn lên sẽ có nhiều suy nghĩ và hành động lệch lạc so với mong muốn của chúng ta.
Tata 2 tuổi, là một đứa bé ngoan nhưng có phần hơi nhút nhát. Một hôm, khi cả nhà vừa ăn cơm xong, Tata vội chạy ra chỗ mẹ và hỏi: "Mẹ có vui không ạ?". Em nhìn mẹ bằng ánh mắt dò xét, giống như bản thân mắc lỗi sai và đang sợ mẹ trách phạt.
Chị Lý - mẹ của Tata nhớ lại, trong bữa ăn, cô bé rất ngoan, không hề quậy phá mâm cơm. Vậy tại sao con phải sợ sệt và hỏi mẹ như vậy? Rồi chị lại tiếp tục theo dõi hành vi của con mình. Quả nhiên Tata có nhiều điểm bất thường. Con liên tục hỏi người lớn có vui không? Thậm chí 2 mẹ con vừa ngủ dậy, con cũng khép nép hỏi mẹ câu tương tự.
Chị Lý chợt nhận ra rằng, bấy lâu nay cách chị dạy Tata đã làm lệch lạc hành vi của con. Mỗi lần con làm gì sai, chị đều nói: "Con không được làm thế này. Mẹ không vui đâu nhé". Ngay cả khi con ngã đau và khóc, hoặc khi con ốm rồi quấy quả, chị cũng nói câu tương tự như vậy: "Nín đi, con khóc nhiều, mẹ không vừa lòng tý nào".
Hàng ngày, Tata hoạt động rất nhiều. Có những thứ con biết, có những điều dại dột... Nhưng thay vì chỉ cho con thấy được cái sai, chị Lý chỉ nói: "Mẹ không thích con làm vậy, con đang khiến mẹ không vui đấy, đừng để mẹ giận, mẹ cáu rồi đấy nhé...". Dần dần Tata làm việc gì cũng sợ người khác không thích. Từ một đứa bé năng động, hoạt bát, bây giờ cô bé có phần nhút nhát hơn. Con không theo ý mình, không có chính kiến. Những tâm sự, con dần giấu vào trong lòng. Khoảng cách giữa con và mẹ ngày một xa.
Sống trên đời, nếu dành hết tâm trí mình để quan sát thái độ người khác, từ đó nương theo mà hành xử, chiều lòng họ, thì sẽ rất mệt. Có một câu nói thế này: "Thất bại ở đời chính là cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người".
Người mẹ trên chợt thấy mình có lỗi rất nhiều. Hóa ra những lời nói bình thường của chị trong lúc dạy con lại khiến đứa trẻ bị khủng hoảng tâm lý. Con rơi vào tình trạng tự trách bản thân không tốt, hay là mình khiến người khác không thích... Cuối cùng chị Lý ôm con vào lòng, nhìn con bằng ánh mắt trìu mến. Chị nói với bé: "Tata, con không cần phải luôn hỏi người khác có vui hay không. Điều quan trọng nhất là bản thân con phải cảm thấy hạnh phúc".
Cha mẹ dạy con thế nào để đúng cách?
1. Kiềm chế thể hiện cái tôi của bản thân
Nhiều bố mẹ nghĩ rằng "Mình sinh ra con, con làm gì cũng phải theo ý mình. Con hư là mình không vui rồi. Thương cho roi cho vọt...". Suy nghĩ như vậy là sai hoàn toàn.
Đối với một đứa trẻ, chắc chắn chúng không thể có suy nghĩ như người lớn được. Các con chưa nhận thức được hoàn toàn hành vi của mình là đang làm đúng, hay đang làm sai. Việc của cha mẹ, người thân là chỉ bảo cho chúng thấy được cái sai. Đồng thời khuyến khích những điều đúng đắn. Việc làm của các con ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân các con, chứ không phải để làm vừa lòng người khác.
2. Trò chuyện cùng con
Ngày nay, đi bất cứ đâu chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh ba mẹ cho con nghịch 1 thứ gì đó, để giữ con ngồi yên không quấy phá. Sau đó họ dán mắt vào lướt điện thoại, làm việc riêng... Khi con không chịu ngồi ngoan nữa, bắt đầu quấy khóc thì phụ huynh lại đe nẹt, thậm chí là đánh chúng... chỉ vì làm bố mẹ không hài lòng.
Điều này trở thành nguyên nhân của các trường hợp chậm nói, ngại giao tiếp thậm chí là tự kỷ trẻ em càng gia tăng. Khi không ngồi xuống nói chuyện cùng con, người lớn sẽ chẳng bao giờ hiểu được suy nghĩ của chúng. Và sẽ càng tai hại hơn khi cha mẹ áp đặt suy nghĩ của mình và ép con làm theo.
3. Tạo cơ hội cho con thể hiện bản thân cũng là cách dạy con
Có rất nhiều cách khuyến khích các con. Ví dụ như cổ vũ chúng hát 1 bài cho cả nhà nghe, nhờ con dạy em nhỏ. Hoặc bố mẹ "giả ngốc" để nhờ con hướng dẫn làm 1 việc gì đó... Những việc này tuy đơn giản nhưng cũng là cách để con tự tin hơn.
Khi con và mình không cùng quan điểm, hãy ngồi xuống và nghe con nói ra suy nghĩ của mình. Khi các con nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ, chúng sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân.
5. Không ép buộc con
Hãy để con thoải mái nhất trong ngôi nhà của mình. Đừng quá ép buộc chúng làm điều này, điều kia chỉ vì chúng ta muốn. Nhiều khi các con cũng có lý lẽ và suy nghĩ của riêng mình.
6. Tôn trọng nhưng vẫn cần kỷ cương
Đặt ra kỷ luật và nguyên tắc ứng xử trong gia đình để con không vi phạm những lễ giáo căn bản. Tuy nhiên, nghiêm khắc khác với độc tài. Đừng để con nghĩ rằng bố mẹ quá lớn tuổi và khác biệt thế hệ nên không thể nào hiểu mình. Từ đó con có thể trở nên sống khép kín và tự ý quyết định cuộc sống của bản thân mà không chia sẻ cùng gia đình.