Vụ người phụ nữ tử vong sau khi nâng ngực ở TP.HCM: Bệnh viện 1A báo cáo gì?

Thiên Kim,
Chia sẻ

Phía Bệnh viện 1A cho rằng, nữ bệnh nhân tử vong sau khi nâng ngực có dấu hiệu ngưng tuần hoàn hô hấp trong quá trình phẫu thuật, đã được xử lý hồi sức tích cực theo đúng quy trình.

Bệnh viện 1A thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây đã có báo cáo gửi cơ quan quản lý, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về trường hợp bệnh nhân N.T.N.N. (33 tuổi, quê Đồng Tháp) tử vong khi phẫu thuật nâng ngực.

Bệnh viện 1A gửi báo cáo đến cơ quan quản lý về ca tử vong khi nâng ngực - Ảnh 1.

Nữ bệnh nhân tử vong sau khi thực hiện phẫu thuật nâng ngực.

Theo báo cáo này, chị N. bị thiểu sản ngực (ngực nhỏ) hai bên, có yêu cầu phẫu thuật tạo hình ngực và được bác sĩ Nguyễn Văn Thiết giới thiệu đến Bệnh viện 1A (còn gọi là Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM) khám thực hiện phẫu thuật.

Bệnh nhân được thăm khám, xét nghiệm tiền phẫu theo quy trình của bệnh viện. Phương pháp điều trị là phẫu thuật tạo hình ngực bằng túi gel; phương pháp vô cảm là gây mê nội khí quản.

Bác sĩ phẫu thuật là Nguyễn Văn Thiết, có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp bổ sung phạm vi khám chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, có hợp đồng lao động với Bệnh viện 1A.

Bác sĩ gây mê hồi sức là Võ Văn Tuấn, có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh chuyên khoa gây mê hồi sức, có hợp đồng lao động với Bệnh viện 1A.

Theo báo cáo của Bệnh viện 1A, bệnh nhân ngưng tuần hoàn hô hấp trong quá trình phẫu thuật, đã được xử trí hồi sức tích cực theo đúng quy trình. Hiện vụ việc đang đợi kết quả giám định pháp y của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình.

Trước đó, theo lời kể của người nhà nạn nhân, trước đó chị N. lên lịch phẫu thuật nâng ngực với một bác sĩ tên N.V.Th. vào ngày 18/3 tại Bệnh viện 1A. Sáng cùng ngày, chị gái của chị N. đã chuyển 40 triệu đồng ứng trước chi phí nâng ngực cho bác sĩ Th. Đến 11h30, ca phẫu thuật được tiến hành.

Khoảng 16 giờ cùng ngày, gia đình bất ngờ nhận tin chị N. đang trong tình trạng nguy kịch vì tụt huyết áp, suy hô hấp nặng. Khi đến nơi, họ thấy tay chân và da bệnh nhân đã tím tái. Dù phía bệnh viện cho biết có bác sĩ ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch qua cấp cứu, gia đình nghi ngờ bệnh nhân đã tử vong từ vài tiếng trước.

Cho rằng chị N. chết không rõ ràng, đến tối cùng ngày gia đình nạn nhân vẫn bám trụ trước căn phòng nơi nạn nhân nằm để yêu cầu bệnh viện giải thích rõ, tuy nhiên toàn bộ ekip phẫu thuật và ban giám đốc bệnh viện đều không có mặt. Điều gia đình bức xúc nhất là việc ngay cả bác sĩ Th. là người phẫu thuật chính cũng không biết bệnh nhân mất khi nào.

Chia sẻ