Vụ bà mẹ “ác nhất đồng bằng nam bộ”: Đánh đập con là vi phạm pháp luật

Theo Minh Anh/Trí thức trẻ,
Chia sẻ

Hành vi đánh đập con của bà mẹ “ác nhất đồng bằng Nam Bộ” này là "trái với đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc đồng thời là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính pháp - Đoàn luật sư Hà Nội nhận định.

Vừa qua, một clip có độ dài khoảng 4 phút được đăng tải với tiêu đề "bà mẹ đánh con ác nhất đồng bằng Nam Bộ", nội dung đoạn clip đề cập đến việc một bà mẹ đánh con một cách không thương tiếc, không chỉ dùng tay đánh con, bà mẹ trong clip còn dùng cán chổi đánh lên cơ thể mặc dù cháu bé khoảng 4-5 tuổi này khóc thét lên trong sợ hãi và đau đớn.


Trao đổi với chúng tôi về hành động của bà mẹ trong clip trên, cô Huỳnh Thị Hoài Như, Giảng viên bộ môn Tâm thần, Đại học Y dược TP HCM cho rằng hành động của bà mẹ trong clip là hành động bạo lực con, việc làm này sẽ làm cho trẻ lo sợ, bất an. Hơn nữa, hành động bạo lực này lại xuất phát từ chính những người nhà, người trong gia đình như cha mẹ thì sẽ làm cho đau khổ ở trẻ nhân lên nhiều lần.

Trẻ không biết mình có được thương hay không được thương khi một người rất gần gũi với mình lại đánh mình, làm cho mình đau.

Cô Huỳnh Thị Hoài Như cho hay: “Việc đánh con không phải là cách dạy con”. Có nhiều cách để tập luyện cho trẻ, hướng dẫn cho trẻ tuân thủ luật lệ. Việc làm đau trẻ, làm trẻ khiếp sợ hoàn toàn không nên được áp dụng trong cách dạy con của các bậc cha mẹ.

Qua đây, cô Huỳnh Thị Hoài Như cũng chia sẻ về cách dạy trẻ dưới góc độ tâm lý: “Bố mẹ sẽ phải tạo ra những luật lệ cho trẻ, khi bố mẹ muốn trẻ thực hiện điều gì thì phải giao kèo trước với trẻ rồi hướng dẫn cho trẻ biết “ vì sao con được phép làm điều đó và vì sao con không được phép làm điều đó”.

Các bậc cha mẹ phải nói chuyện với trẻ, giải thích cho trẻ hiểu điều chúng muốn làm có mặt tốt mặt xấu như thế nào, từ đó trẻ sẽ dần nhận thức được việc mình làm là đúng hay sai. Trẻ con sẽ rất bực tức và ấm ức khi người lớn không cho chúng làm điều chúng thích nhưng mình sẽ tìm cách làm cho nó phù hợp, đánh trống lảng với trẻ vào một việc khác hoặc bộc lộ một thái độ cương quyết để trẻ biết rằng mình không được phép làm việc này.

Ngoài ra, cha mẹ phải nhất quán với nhau trong cách dạy con, việc cha nói một kiểu mẹ nói một kiểu, người này hoặc người kia bênh vực con thì sẽ dễ khiến trẻ đòi hỏi được làm theo ý muốn của bản thân.

Cũng theo cô Hoài Như, để trẻ tuân thủ những quy tắc, luật lệ, các bậc cha mẹ phải làm thường xuyên hàng ngày để tạo cho trẻ thói quen.

Vụ bà mẹ “ác nhất đồng bằng nam bộ”: Đánh đập con là vi phạm pháp luật
Bà mẹ liên tục la hét và dùng cán chổi để đánh đập con mình (Ảnh cắt từ clip).

Trao đổi với chúng tôi về hành động đánh đập con bằng cán chổi như trong clip, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính pháp - Đoàn luật sư Hà Nội cho hay: “Có thể nói rằng, hành vi của bà mẹ trong clip nói trên là đáng lên án, phê phán. Hành vi đánh đập con của bà mẹ này là trái với đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc đồng thời là hành vi vi phạm pháp luật”.

Theo vị luật sư này: “Quyền trẻ em là một trong những nhóm quyền cơ bản, thiêng liêng của quyền con người. Là giá trị cao quý của nhân loại. Điều này được khẳng định ngay tại “Lời mở đầu” của Công ước quốc tế về quyền trẻ em 1989 như sau: “ Ghi nhớ rằng, do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, trẻ em cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt…”.

Việt Nam là một trong những thành viên tích cực trong các hoạt động Nhân quyền, đặc biệt là quyền Trẻ em. Công ước Quốc tế về quyền trẻ em ra đời năm 1989, hai năm sau – Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á, và là nước thứ hai trên thế giới chính thức phê chuẩn và tham gia Công ước này vào ngày 20/2/1990. Với tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn, hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em vẫn luôn là mối quan tâm và là trách nhiệm chính của gia đình, nhà trường và của toàn xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay hơn bao giờ hết vấn đề bảo vệ quyền trẻ em lại đặt ra cần thiết đến thế. Trẻ em gửi nhà trẻ - bị bạo hành ngược đãi ở nhà trẻ; trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội – bị ngược đãi tại chính các trung tâm này. Và có lẽ, đau lòng hơn là các em bị chính cha mẹ mình ngược đãi, đánh đập. Mà ví dụ điển hình là vụ clip “bà mẹ đánh con ác nhất đồng bằng Nam Bộ” kể trên.

Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho hay, việc xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn, uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm. Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần là hành vi vi phạm quyền trẻ em (khoản 6, Điều 7, Chương 1, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định).

Khi thực hiện hành vi vi phạm quyền trẻ em, tùy vào tính chất, mức độ, và hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính (áp dụng hình phạt tiền từ 500.000 đồng đến 10.000.000 đồng), hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại Điều 151, Bộ luật hình sự.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần.


Chia sẻ