Vì sao người đồng tính nam dễ mắc bệnh đậu mùa khỉ?

TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Chia sẻ

Trong các báo cáo phân tích dữ liệu về bệnh đậu mùa khỉ cho thấy có đến hơn 90% ca mắc ở người đồng tính nam. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần hiểu rõ để có thể định hướng tốt hơn trong việc phòng dịch hiệu quả, tránh tư duy kỳ thị người đồng giới một cách cực đoan.

Người đồng tính nam có tỉ lệ mắc đậu mùa khỉ cao

Dịch đậu mùa khỉ vốn là một căn bệnh xuất hiện từ trước đây ở một số nước châu Phi. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, bệnh bắt đầu lan các châu lục khác, đặc biệt là các nước châu Âu. Hồi đầu tháng 6 trên thế giới mới phát hiện khoảng 1000 ca bệnh đậu mùa khỉ, đến nay thì con số đã lên hơn 22 ngàn ca và có mặt ở 79 quốc gia.

Gần đây một báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành "The New England Journal of Medicine" đã khảo sát 528 ca đậu mùa khỉ được chẩn đoán từ ngày 27/4 đến ngày 24/6/2022, tại 43 địa điểm ở 16 quốc gia (thuộc châu Âu, châu Mỹ, Tây Thái Bình Dương và Đông Địa Trung Hải) cho thấy 98% người trong đó là đồng tính nam (gay) hoặc nam có quan hệ tình dục với cả hai giới (bisexual men).

Tương tự, trên trang web của Cơ quan phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến ngày 25/7/2022, dựa trên 1.383 ca đậu mùa khỉ mà họ xác định được giới tính (dựa trên khai sinh) thì có 99.1% là nam. Dựa trên các thông tin về quan hệ tình dục của các nam bệnh nhân này thì có đến 99% là có quan hệ tình dục giữa nam với nam.

Các số liệu này cho thấy bệnh đậu mùa khỉ đang ảnh hưởng phần lớn nhóm người đồng tính nam. Nhưng chúng ta nên hiểu thế nào cho chính xác?

 - Ảnh 1.

Các tổn thương điển hình của đậu mùa khỉ.

Nguyên nhân

Chúng ta nên biết rằng đường lây lan của virus đậu mùa khỉ qua các tổn thương trên da khi tiếp xúc với dịch cơ thể, các giọt nước đường hô hấp và các vật dụng bị nhiễm virus như chăn ga gối đệm… Do vậy, việc một người tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh đang có biểu hiện mà có các tương tác qua các con đường trên thì nguy cơ lây nhiễm cũng có thể xảy ra.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên biết rằng, nếu so sánh với virus SARS-CoV-2 thì virus đậu mùa khỉ có khả năng lây kém hơn rất nhiều. Còn so với virus HIV thì virus đậu mùa khỉ có khả năng lây mạnh hơn, qua nhiều đường hơn chứ không chỉ qua đường máu và các dịch trong quan hệ tình dục.

Việc quan hệ đồng giới của những người nam (thông qua hậu môn) thường được cho là thô bạo hơn, dễ tạo tổn thương da hơn nên tạo điều kiện cho virus đậu mùa khỉ dễ lây lan hơn. Điều này có thể giải thích tại sao nhóm người này đang trở thành tâm điểm của dịch bệnh hiện nay.

Ngoài ra, các khảo sát còn cho thấy hầu hết các ca bệnh có nguồn gốc từ các lễ hội người đồng giới và các quan hệ tình dục nam- nam với nhiều bạn tình.

Nhưng người đồng tính nam không phải là nguyên nhân gây ra dịch đậu mùa khỉ

Hiện nay, có một số quan điểm, thành kiến "kỳ thị" những người đồng tính nam trong xã hội, cho rằng họ là nguyên nhân gây nên căn bệnh này. Hoặc căn bệnh này là đặc trưng của nhóm người này là không đúng. Vì virus đậu mùa khỉ không chừa ai cả, không phải là virus "chỉ lây qua đường tình dục" hoặc "chỉ lây trong người đồng tính nam" mà nó có thể lây cho bất cứ ai nếu người đó tiếp xúc trực tiếp (mặt đối mặt hoặc động chạm) với người đang biểu hiện bệnh đậu mùa khỉ.

 - Ảnh 2.

Virus đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm cho bất kỳ ai khi có tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.

Nhóm người đồng tính nam (phần lớn ở châu Âu, châu Mỹ) đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong dịch đậu mùa khỉ có thể là do thói quen sinh hoạt tình dục vốn đã dễ lây lan hơn. Nếu sự kỳ thị xảy ra thì những người bị nhiễm bệnh sẽ sợ hãi, nhất là những người đồng tính vì ít nhiều đã bị ảnh hưởng bởi những định kiến xã hội trước đó. Từ đó sẽ dẫn đến xu hướng che giấu và không đến các cơ sở y tế để thăm khám bệnh, dẫn đến hệ lụy là việc lây truyền sẽ không bị phát hiện - gây hại cho cá nhân đó hoặc tập thể người đồng tình, do chúng ta không "tìm dấu" được bệnh trong cộng đồng, khó khăn ngăn chặn dịch phát triển.

Phòng bệnh đậu mùa khỉ bằng cách nào?

Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chúng ta nên cảnh giác bệnh đậu mùa khỉ khi có các triệu chứng sau:

- Phát ban với mụn nước trên mặt, bàn tay, bàn chân, mắt, miệng và/hoặc bộ phận sinh dục

- Sốt

- Sưng hạch bạch huyết

- Nhức đầu

- Đau cơ

- Cảm thấy mệt mỏi, hết sức.

Chúng ta không nên đến gần người đang có triệu chứng đậu mùa khỉ nếu không có quần áo/trang bị bảo vệ. Ngược lại, nếu chúng ta nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ thì cần bảo vệ người khác bằng cách: Cách ly, tránh tiếp xúc tối đa với người khác, đeo khẩu trang, lau sạch các bề mặt đã sờ hoặc chạm.

Bệnh đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh (không có triệu chứng) khoảng từ 1-2 tuần. Sau khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh sẽ trải qua các giai đoạn đến khi khỏi bệnh khoảng 2-4 tuần. Chỉ đến khi các vết thương (phát ban với mụn nước) trên da đóng vảy và rụng thì người mắc đậu mùa khỉ sẽ không còn lây nhiễm nữa.

Hiện nay chúng ta cũng đã có vaccine dự phòng đậu mùa khỉ, khuyến cáo cho những ai có nguy cơ phơi nhiễm và rủi ro cao mắc bệnh này

Cơ quan quản lý Thuốc và Thưc phẩm Mỹ (FDA) đã chấp thuận 2 loại vaccine là Jynneos (Imvamune/Imvanex) và ACAM2000. Tuy vậy, cần cẩn thận với những bệnh nhân có bệnh nền hay hệ miễn dịch yếu và không phải ai cũng nên chích vaccine này.

Chúng ta cũng đã có thuốc kháng virus Tpoxx điều trị đậu mùa khỉ. Đây là thuốc đặc trị dùng để chữa cho bệnh nhân đang bị nhiễm đậu mùa khỉ. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế quá trình tạo vỏ của virus mới khi nhân đôi.

Hiện nay, chưa có ca đậu mùa khỉ nào phát hiện ở Việt Nam, đó là một tin tốt. Tuy nhiên, trong một thế giới mở như hiện nay, sự di chuyển của con người khắp nơi việc chuẩn bị để chống dịch là điều mà chúng ta cần làm ngay. Chúng ta cũng cần có các thông tin đầy đủ, chính xác… để tránh những hoang mang không đáng có trong cộng đồng.

Chia sẻ