Vì sao một số bệnh nhân ung thư tự khỏi mà không cần điều trị?

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Giáo sư Momna Hejmadi, nhà sinh vật học nghiên cứu về ung thư tại Đại học Bath (Anh) sẽ đưa ra những lý giải cho hiện tượng trên.

Rất nhiều người sống sót qua ung thư đã mô tả về việc bị rụng tóc như là một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất và đau buồn nhất của căn bệnh đáng sợ này. Dù hóa trị và xạ trị thường được xem là cứu cánh tốt nhất cho cơ hội thoát khỏi ung thư, tác dụng phụ của cách điều trị này rõ ràng đã để lại gánh nặng không nhỏ lên bệnh nhân.

Nhưng có một số ca mắc ung thư mà bệnh đột nhiên biến mất. Giáo sư Momna Hejmadi, nhà sinh vật học nghiên cứu về ung thư tại Đại học Bath, đã đưa ra những lý giải cho hiện tượng trên.

Thật khó để tin rằng một số bệnh nhân ung thư bỗng dưng khỏi bệnh một cách thần kỳ. Nhưng đúng là chuyện đó đã xảy ra. Hơn 1.000 trường hợp bệnh nhân ung thư được biết tới đã trải qua quá trình mà các khối u tự tiêu tan.

ung thu tu bien mat1
Một số bệnh nhân ung thư bỗng dưng khỏi bệnh một cách thần kỳ.

Theo sử sách ghi lại, trường hợp sớm nhất tự khỏi ung thư xảy ra vào cuối thế kỷ 13. Một khối u xương ở Peregrine Laziosi (vị thánh của các bệnh nhân ung thư) tự biến mất sau một trận ốm nặng do vi khuẩn. Vào cuối những năm 1800, nhà nghiên cứu về ung thư và bác sĩ phẫu thuật xương William Coley quan sát thấy, một trận sốt có thể khiến khối u suy giảm. Ông đã phát triển một loại vắc-xin vi khuẩn (Coley’s vaccine) và cho thấy hiệu quả trong việc giảm khối u ở nhiều bệnh nhân.

Các khối u được cho là tự biến mất, dù bệnh nhân không hề thực hiện liệu pháp điều trị này, thường xảy ra sau một bệnh nhiễm trùng (do vi khuẩn, virus, nấm hoặc thậm chí động vật nguyên sinh). Liệu điều này có nghĩa là chỉ cần kích thích hệ miễn dịch cũng sẽ giúp làm cho khối u thuyên giảm?

Hiện tượng này xảy ra thế nào?

Hơn 70 năm qua, rất nhiều ca ung thư được xác nhận có tình trạng khối u tự thuyên giảm, đặc biệt là ung thư tế bào hắc tố (ở da), ung thư biểu mô tế bào thận (ở thận), u nguyên bào thần kinh (tuyến thượng thận) và một số dạng ung thư máu.

Tuy nhiên, bất chấp những quan sát mang tính lịch sử về hiện tượng này, chúng ta vẫn không nắm được cơ chế của nó. Cũng rất khó để định lượng và nhiều ca ung thư tự khỏi có thể không được ghi lại trong các tạp chí nghiên cứu.

Một lý do có thể chấp nhận được là cơ thể kích hoạt một phản ứng miễn dịch chống lại một số kháng nguyên cụ thể hiển thị trên bề mặt tế bào khối u. Trên thực tế, một số khối u da (ung thư tế bào hắc tố) cho thấy số lượng đặc biệt lớn của các tế bào miễn dịch của cơ thể bên trong khối u.

ung thu tu bien mat2
Hơn 70 năm qua, rất nhiều ca ung thư được xác nhận có tình trạng khối u tự thuyên giảm, đặc biệt là ung thư tế bào hắc tố.

Trong một trường hợp thú vị khác, bệnh nhân bị ung thư thận trải qua phẫu thuật cắt bỏ một phần khối u. Kết quả là, phần còn lại của khối u xuất hiện dấu hiệu tự tiêu.

Nguyên nhân cơ bản nằm sau hiện tượng này là phản ứng miễn dịch nội tại sau phẫu thuật đủ để dừng sự phát triển của phần còn lại khối u. Nhưng khối u vốn rất nhiều loại, xét trên khía cạnh gen lẫn cách hoạt động của chúng nên kết quả là diễn tiến bệnh không ngừng nghỉ ở một số bệnh nhân nhưng lại là sự thuyên giảm tự phát ở một số khác.

Ngoài ra, khối u cùng một dạng (như ung thư vú) có thể bị biến đổi theo nhiều cách khác nhau. Điều này ảnh hưởng tới tỷ lệ tăng trưởng của khối u hay khả năng di căn sang các vị trí khác hoặc cách chúng phản ứng với liệu pháp điều trị. Tình trạng đột biến gen cũng được nhiều người công nhận là nguyên nhân gây ra hiện tượng tự suy giảm các khối u.

Tìm dấu vết từ ung thư thuở nhỏ

U nguyên bào thần kinh là một dạng ung thư xuất hiện ở trẻ nhỏ dù rất hiếm gặp. Nghiên cứu về bệnh này có thể giúp soi sáng cho câu hỏi những thay đổi về gen có thể tác động tới việc khối u tự mất như thế nào.

Khoảng 100 trẻ được chẩn đoán mắc u nguyên bào thần kinh hàng năm ở Anh. Nhưng diễn tiến bệnh rất khác nhau tùy theo độ tuổi của trẻ. Các khối u ở trẻ dưới 18 tháng có thể biến mất cùng hoặc không cùng bất cứ liệu pháp điều trị nào (nhóm 1). Nhưng trẻ lớn hơn 18 tháng tuổi cần liệu pháp điều trị tích cực vì chỉ có tỷ lệ sống sót 40-50% (nhóm 2).

ung thu tu bien mat3
Khoảng 100 trẻ được chẩn đoán mắc u nguyên bào thần kinh hàng năm ở Anh. 

Nghiên cứu cho thấy, u nguyên bào thần kinh nhóm 1 có một số gen đặc trưng so với nhóm 2. Ví dụ, những khối u này có số lượng một thụ thể tế bào (TrkA) – vốn có thể kích hoạt các tế bào ung thư tự tiêu diệt chính mình – rất cao. Ngược lại, u nguyên bào thần kinh nhóm 2 có số lượng lớn hơn một thụ thể tế bào khác (TrkB) – vốn có thể khiến các khối u này mạnh hơn.

Một lý giải khác khá hợp lý là u nguyên bào thần kinh nhóm 1 cho thấy mức độ hoạt động rất thấp của một enzyme có tên telomerase so với nhóm 2. Telomerase kiểm soát chiều dài các phần chuyên dụng của ADN – vốn có khả năng thúc đẩy tế bào phân chia liên tục. Ở u nguyên bào thần kinh nhóm 1, chúng rất ngắn và thiếu ổn định do độ hoạt động thấp của enzyme và do đó, dẫn tới việc tế bào bị tiêu diệt.

Những biến đổi về di truyền ngoại gen cũng không thể loại trừ. Biến đổi về di truyền ngoại gen không tác động tới chuỗi ADN của một tế bào nhưng có thể làm thay đổi hoạt động ủa rất nhiều protein bằng cách “gắn mác” (tag) các phần khác nhau của ADN. Vì vậy, các tế bào có cùng chuỗi ADN nhưng mác gắn khác nhau có thể hoạt động hoàn toàn khác và kết quả là một số khối u tự tiêu diệt chúng.

Một số nghiên cứu mới đây cho thấy, sự khác biệt rõ nét trong các gen được gắn mác ở u nguyên bào thần kinh nhóm 1 so với nhóm 2, mặc dù đây mới chỉ là những phát hiện sơ bộ.

Mặc dù cơ chế chính xác đằng sau sự tự tiêu của các khối u ung thư vẫn chưa được giải thích một cách chắc chắn, có khả năng rất cao là việc kích thích một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ phải đóng vai trò quan trọng ở những người có hồ sơ gen nhất định.

Một số nghiên cứu sâu hơn khám phá ra mối liên hệ giữa gen và việc kích thích một phản ứng miễn dịch sẽ giúp tìm ra câu trả lời cho việc làm thế nào để phân loại các khối u có khả năng tự tiêu. Bước tiếp theo là thiết kế các loại thuốc có thể kích thích hệ miễn dịch đặc biệt nhắm vào những khối u dựa trên cấu tạo gen của chúng. Phát triển các mẫu động vật bắt chước sự tự tiêu của các khối u ở người cũng là một công cụ vô giá trong việc nghiên cứu vấn đề này.

(Nguồn: Dailymail)
Chia sẻ