Vì sao Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có phần tự luận?

Nghiêm Huê,
Chia sẻ

Năm 2023, các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực đều tổ chức thi trắc nghiệm, riêng kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn dành một tỷ lệ nhất định để thi tự luận đối với mỗi môn thi.

Ngày 2/2, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội đã tổ chức buổi thông tin về kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2023 .

Vì sao Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có phần tự luận? - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết có 8 môn thi gồm: Toán, Văn, Anh, Lịch sử, Địa lý, Hóa, Lý, Sinh. Đề thi mỗi môn có 2 phần, 1 phần trắc nghiệm, 1 phần tự luận.

Trong đó, môn Ngữ văn phần trắc nghiệm 30%, tự luận 70%. Các môn còn lại phần trắc nghiệm chiếm 70%. Do đó về hình thức, thí sinh sẽ không quá lạ lẫm.

GS Nguyễn Văn Minh khẳng định kiến thức đề thi nằm trong chương trình phổ thông. Tuy nhiên, mức độ nhận biết về cơ bản sẽ được nâng cao hơn.

Theo GS Minh lý giải, trừ môn Ngữ văn, các môn khác tỷ lệ thi trắc nghiệm chiếm 70% bởi học sinh ở phổ thông quen với việc thi trắc nghiệm. Tuy vậy, Trường vẫn dành 30% thi tự luận để đánh giá khả năng hiểu và trình bày được cho người khác hiểu của thí sinh. Đó là một trong những điều kiện ban đầu cần thiết đối với một người trong tương lai trở thành giáo viên.

Trước ma trận ôn thi đánh giá năng lực mọc lên khắp nơi như hiện nay, GS Nguyễn Văn Minh khẳng định thí sinh không cần học thêm, luyện thi vẫn hoàn toàn có thể hoàn thành tốt kỳ thi này nếu nắm vững chương trình học phổ thông.

GS Minh cho biết quy trình ra đề thi đánh giá năng lực được cho là "rào cản" đối với những cá nhân muốn tổ chức dạy thêm, học thêm. Vì Nhà trường tập trung độc lập các thầy cô tham gia ra đề; độc lập thẩm định đề để có ma trận đề; một đội ngũ khác trộn đề; sau đó đưa đi thực nghiệm tại hệ thống trường phổ thông trực thuộc; sau đó chuẩn hóa, đưa vào ngân hàng. Khi thi, sẽ lấy các tổ hợp ngẫu nhiên. Nên xác suất đề thi của một tác giả nào đó rất khó xảy ra.

"Giả sử một câu tất cả các thí sinh làm được, thì khi chuẩn hóa sẽ bị loại hay câu vượt ngưỡng cũng thế. Nên không có mẹo mực, không thể có một giáo viên ra đề nào có thể bao phủ được toàn bộ đề thi. Nếu có thông tin nào đó, cũng mong thí sinh không tin", GS Nguyễn Văn Minh nói.

Đồng thời cho biết ở kỳ thi này thí sinh sẽ được lựa chọn môn phù hợp. Kỳ thi chia 2 ca thi trong 1 ngày. Năm nay trường dự kiến tổ chức thi tại 2 điểm thi để tránh cho việc đi lại nhiều của các thí sinh. Trong đó, điểm chính tại Hà Nội. Nếu lượng thí sinh đăng ký ở Quy Nhơn đông sẽ tổ chức thi thêm ở Trường ĐH Quy Nhơn.

Trước câu hỏi của Tiền Phong về đội ngũ ra đề thi, GS Nguyễn Văn Minh chia sẻ trường có ưu điểm là có tất cả các ngành đào tạo. Rất nhiều thầy cô của trường nằm trong đội ngũ ra đề trong nhiều năm. Tổng chủ biên, chủ biên và xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cũng có nhiều giảng viên của trường tham gia. Giảng viên của Trường ra đề, chấm thi cho nhiều trường ở khu vực phía Bắc nên có kinh nghiệm, năng lực, tổ chức. GS Minh nhấn mạnh, mặc dù vậy sẽ không có chuyện giáo viên liên kết với các lò luyện để mở lớp ôn thi cho thí sinh bởi vì đội ngũ ra đề, thẩm định đề, lựa chọn đều độc lập. Các câu hỏi được thử nghiệm ở 2 Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội và THPT Nguyễn Tất Thành.

Chia sẻ