Vì sao biến chủng Delta gây dịch Covid-19 nguy hiểm ở TP HCM ?

Nguyễn Thuận - Hải Yến,
Chia sẻ

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, lơ lửng trong không gian rất lâu mới rơi xuống bề mặt, nó còn làm giảm hiệu quả vắc-xin Covid-19.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 tại TP HCM, ông Nguyễn Trí Dũng đã đưa ra những phân tích cụ thể về mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta (chủng Ấn Độ) xuất hiện ở TP HCM trong đợt dịch này.

Chủng Delta lần đầu được phát hiện tại TP HCM từ điểm dịch 2 bệnh nhân ở Công ty TNHH Deloitte Việt Nam (quận 3), ngày 18-5. Lúc đó, mức độ lây lan chưa nhiều như ở Ấn Độ.

Khi phát hiện chuỗi lây nhiễm ở điểm nhóm hội thánh truyền giáo Phục Hưng, có 7 ca đầu tiên đều nhiễm chủng Delta, sau đó các ca bệnh mới phát hiện chủ yếu là người tiếp xúc gần như: trong gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm. Lúc này đã thấy được tốc độ lây lan nhanh và sự nguy hiểm của chủng Delta.

Vì sao biến chủng Delta gây dịch Covid-19 nguy hiểm ở TP HCM ? - Ảnh 1.

Kỹ thuật viên xử lý mẫu xét nghiệm trong quy trình xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Realtime-PCR. (Ảnh: Nguyễn Thuận)

Cụ thể như chuỗi lây nhiễm tại Công ty Thiên Tú FN, có đến 71 người nhiễm trong tổng số hơn 300 người, cùng làm việc chung một không gian kín, tức là lây gần 1/4 tổng số người trong công ty. Điều này cho thấy mức độ lây lan của biến chủng Delta rất nhanh.

"Một số trường hợp chỉ cần tiếp xúc 3 ngày sau đã có triệu chứng, chu kỳ lây nhiễm chỉ 3 ngày đã sang chu kỳ mới. Chủng Anh, có khoảng gần 80% không có triệu chứng, còn lần này 66% có triệu chứng. Chu kỳ lây nhiễm trong 3 ngày cộng với tỉ lệ xuất hiện triệu chứng cao, dẫn đến sự lây lan rất nhanh của chủng Delta" - ông Dũng nhận định.

Ngoài ra, do tỉ trọng của virus nhẹ hơn, lơ lửng trong không gian rất lâu mới rơi xuống bề mặt, khiến tốc độ lây nhiễm của biến chủng Delta nhanh. Biến chủng này cũng làm giảm hiệu quả của vắc-xin Covid-19.

Theo một số kết quả nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin ở giai đoạn 3 tại Anh và Brazil, khi đó chưa có chủng Delta, nếu tiêm mũi đầu tiên tỉ lệ chống virus khoảng 76%, khi tăng lên liều 2 đạt hiệu quả khoảng 82%. Nhưng với chủng Delta thì không chỉ AstraZenca mà nhiều loại vắc-xin khác tỉ lệ chống lây nhiễm giảm xuống. Nếu liều đầu tiên so với chủng Anh hiệu quả 51% thì với chủng Delta chỉ còn 33%, liều 2 thì với chủng Anh hiệu quả 93% thì chủng Delta còn 80%.

Mặc dù vậy, nhưng dựa trên thống kê trên thực tế, vắc-xin vẫn giúp người được tiêm không có diễn biến nặng, tỷ lệ nhiễm trùng không triệu chứng giảm còn khoảng 50-60%, tỉ lệ tử vong cũng được giảm xuống tối đa.

Ông Nguyễn Trí Dũng đánh giá, biến chủng Delta gần giống H1N1, nhưng triệu chứng nhẹ hơn, chủ yếu là sốt, mệt mỏi, mất vị giác, khứu giác, không ho nhiều như H1N1.

"Đến thời điểm này, để nhận định biến chủng Delta có gây bệnh nặng hơn các chủng khác hay không là chưa thể. Phải chờ thêm thời gian để đánh giá chính xác tác động của biến chủng này đến quần thể người Việt Nam ra sao, và còn dựa vào bệnh nền của người bị nhiễm" - ông Dũng nhấn mạnh.

Chia sẻ