Vị lương y 20 năm chữa bệnh hiểm nghèo miễn phí cho trẻ ở Sài Gòn

Hương Thu ,
Chia sẻ

Hơn 20 năm nay, từ khi đến với nghề y, thầy thuốc Nguyễn Văn Hòa Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đều tận tụy chữa bệnh miễn phí cho các bé bị bại não, nhược cơ…

Nơi người bệnh tìm đến lúc khốn cùng

Lương y Nguyễn Văn Hòa Bình (62 tuổi, trú chung cư La San, đường Chương Dương, P. Linh Chiểu, Q. Thủ Đức, TP.HCM) được nhiều người nghèo xem như “ông tiên” giữa đời thường. Mỗi ngày, tại căn nhà nhỏ của ông đều có nhiều người mẹ mang con nhỏ đến cùng giọt nước mắt lưng tròng.

Được biết, hơn 20 năm nay, ông đã làm vơi đi nước mắt khổ đau của nhiều bà mẹ. Họ kiệt quệ khi các bác sĩ trả về với những bệnh hiểm nghèo như não úng thủy, teo não, tai biến mạch máu não, nhược cơ, bại não… của con họ.

luongy
Lương y Nguyễn Văn Hòa Bình

Theo thầy Bình các trường hợp mà cha mẹ đưa các em tìm đến  thường là do gia đình không có khả năng chạy chữa theo chi phí ở bệnh viện hoặc do bệnh đã quá nặng không thể tiếp tục điều trị.

“Và khi ấy, họ lâm vào cảnh khốn cùng. Nhìn người ta vậy, mình lại càng phải cố gắng giúp đỡ hết sức có thể và càng không nỡ lấy tiền”, thầy thuốc Bình chia sẻ. Với chuyên môn chính là chữa trị các bệnh về khớp và nhất là chứng bại não của trẻ bằng các bài thuốc đông y, nhiều bé đã phục hồi khi được lương y Bình chạy chữa.

luongy4
Những trẻ bị bãi não, teo não, não úng thủy... khi được ông chữa trị đều hồi phục

Cả ngàn bé bệnh hiểm nghèo dưới bàn tay vị lương y 62 tuổi chữa trị đều có tiến triển khả quan. Như chị Lê Cẩm Hương (TP.HCM) có con 4 tuổi rưỡi bị móp não và chậm phát triển.

“Bé không ngồi được, lại hay lấy tay tự đập mạnh vào đầu vì bị những cơn đau thể xác hành hạ. Nghe danh thầy Bình nên tôi đưa bé đến đây. May mắn sau nửa năm uống thuốc giờ con tôi có thể tự ngồi chơi”, chị Hương chia sẻ.

Một trường hợp khác là chị Dương Thị Đào (Q.Thủ Đức). Chị Đào kể, chị rất hạnh phúc khi sinh con gái đầu lòng khỏe mạnh. Nào ngờ mới 6 tháng tuổi, con chị đã mắc bệnh teo não. Gia đình đưa cháu bé chữa trị hết bệnh viện này đến bệnh viện khác suốt 1 năm trời nhưng bệnh tình không khỏi nên chị đành đưa con về nhà.

“Thế rồi, mỗi lần nhìn con lên cơn co giật, mặt mũi  tím tái, chân tay co quắp tôi xót xa lắm. May lúc đó có người giới thiệu thầy Bình, tôi đem cháu đến với hy vọng mong manh. Nhưng sau một thời gian thì con gái giảm co giật hơn, giấc ngủ ổn định”, chị Đào bộc bạch.

Nếu không khám bệnh, bào chế thuốc thì thời gian rảnh, thầy Bình thường hay đến nhà các bệnh nhi thăm hỏi tình hình. Tại căn nhà trọ ở đường 11 (P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức), thầy Bình tươi cười đùa nghịch em Nguyễn Văn Danh (15 tuổi). Theo lời anh Nghiệp (39 tuổi) bố của Danh thì em sinh ra được 2 tuổi thì mẹ mất, cha bỏ đi. Khi năm 5 tuổi, Danh bị cơn sốt nặng rồi bị bại não, người co quắp lại, chân tay khó cử động.

luongy3

Em Danh có thể tự cử động được tay chân

“Tôi đưa Danh đi nhiều nơi, uống thuốc không đỡ, có khi châm cứu còn thấy nặng nề hơn. Nghĩ hết cách thì may mắn gặp thầy Bình. Đến nay đã 1 năm điều trị, dù vẫn phải năm 1 chỗ nhưng em nó có ý thức hơn, nói được nhiều từ, tay chân tự cử động được”, anh Nghiệp tâm sự.

Mượn tiền mua thuốc chữa bệnh

Từ năm 8 tuổi, lương y Hòa Bình đã theo người bác học hỏi về các cây thuốc, bài thuốc trị bệnh. Lớn hơn nữa, anh tiếp tục “tầm sư học đạo” để trao dồi tay nghề. “Ấy vậy mà tôi chỉ xem đây là nghề phụ. Hồi trai trẻ, tôi từng đi buôn bán ở chợ, viết báo… còn nghề thuốc thì chỉ ai nhờ mình giúp”, thầy Bình kể.

Với hơn 40 năm trong nghề, thầy Bình cũng đã chữa trị cho hơn 1000 bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo. Thầy Bình chia sẻ, với những bệnh nhi ông đều xem các bé như con cháu của mình.

Đa phần các bé đều có tiến triển tốt sau quá trình điều trị, tuy nhiên cũng có những trường hợp dù cố hết sức nhưng cũng chỉ có thể làm bệnh không tiếp tục xấu đi. “Trường hợp bé nào bị bại não, móp não, chậm phát triển… nếu đến từ lúc mới phát bệnh thì ít nhất nửa năm uống thuốc sẽ dần phục hồi. Nặng hơn thì khó chữa, phải mất 2- 5 năm nếu người bệnh kiên trì”, thầy Bình cho biết.

Và để có đủ tiền duy trì nghiệp lương y chữa trị miễn phí cho trẻ nhỏ, thầy Bình chọn cách “bù qua sớt lại”. Lương y giải thích: “Với người lớn, khi họ điều trị thì mình phải lấy phí chứ, chỉ trừ những trường hợp không có khả năng thì không lấy tiền. Họ đa phần bị các bệnh về khớp, uống thuốc của tôi đều lành bệnh. Số tiền ấy mình để dành mua thuốc về bào chế cho các bé”.

luongy2
Mỗi ngày, có nhiều người tìm đến ông chữa bệnh

Ngoài ra, ông còn chỉ dẫn những người bệnh hoặc thân nhân của họ ở các ba miền giúp mình hái cây thuốc, cách bảo quản. “Thuốc của trẻ nhi khi bào chế chỉ bằng 1/10 so với người lớn nên cũng đỡ tốn kém. Tuy nhiên, có những khi khó khăn tôi cũng phải mượn tiền mua thuốc, hiện giờ vẫn đang nợ hơn chục triệu tiền thuốc”, lương y chia sẻ.

Nhiều trường hợp người bị bệnh ở xa, thầy bình phải bỏ tiền túi gửi thuốc qua đường bưu điện định kỳ cho kịp ngày uống thuốc của bệnh nhân. “Mình gửi toàn gửi nhanh nên nhiều khi tiền cước bưu chính còn đắt hơn cả tiền thuốc gửi cho bệnh nhân nữa”, thầy Bình hóm hỉnh kể.

Hiện tại khi con cái ông đã ổn định cuộc sống, thầy Hòa Bình dành hầu hết thời gian làm để việc đạo cho đời. Niềm hạnh phúc của ông là được nhìn thấy nụ cười trong veo của những đứa trẻ bị số phận bỏ rơi.

Chia sẻ