Vào vùng đất của bộ tộc săn đầu người

,
Chia sẻ

Chiến lợi phẩm lớn nhất là những chiếc thủ cấp của đối phương. Chiến binh Dani nào thu được nhiều thủ cấp của đối phương nhất sẽ là người được kính trọng nhất.

Dân làng Anemogi ở sâu trong thung lũng Baliem – trung tâm đảo Irian Jaya.
Trong chuyến khám phá các hòn đảo Kalimantan, Java, Sulawesi… của Indonesia – đất nước vạn đảo năm trước, chúng tôi lần đầu tiên chạm mặt những con người đến từ vùng đất mang tên Irian Jaya. Đó là cảm giác hồi hộp pha lẫn ly kỳ, khi trước mắt chúng tôi là những con người với đôi mắt hoang dã và những hình vẽ chằng chịt trên cơ thể đầy kỳ bí, một nỗi ám ảnh mang tên Irian Jaya…

Vùng đất bị lãng quên…

Sau chuyến đi năm 2008, trở về Việt Nam, nỗi ám ảnh này luôn đeo đuổi những người làm báo chúng tôi. Khát khao tìm hiểu cuộc sống của các bộ tộc trên đảo Irian Jaya không ngừng thôi thúc chúng tôi tìm mọi cách để đến với vùng đất này và sống với những con người này…

Đảo Irian Jaya – còn có tên là Papua – Indonesia vốn là vùng đất bị chôn vùi trong bản đồ sinh tồn của loài người. Chỉ đến khi những người Âu châu đầu tiên đặt chân đến đây, khoảng thế kỷ 16, người ta mới bàng hoàng nhận ra, vẫn còn những con người sống tựa thuở hồng hoang.

Ngay cả thung lũng Baliem trung tâm đảo Irian Jaya cũng chỉ mới thật sự được khai phá vào cuối năm 1938 bởi người Hà Lan. Nó như một vùng đất bị lãng quên với sự phát triển không ngừng của thế giới hiện đại.

Đảo Irian Jaya do chính quyền Indonesia đặt vào năm 2002, nhưng trong cả chặng hành trình dài, chúng tôi vẫn thích gọi Papua dưới cái tên Irian Jaya hơn, đơn giản, Irian Jaya là danh từ mang đậm hơi thở của những thổ dân hoang dã Dani, Yali, Lani hay Korowai, Citak Mitak…

Sau gần một năm tìm kiếm và liên lạc với những người bạn trong “Nhóm khám phá – phiêu lưu Indonesia”, chúng tôi cũng vạch ra được lộ trình đến Irian Jaya, nhưng cả đoàn phải gửi tất cả hồ sơ giấy tờ từ một tháng trước ngày lên đường để làm giấy phép, Irian Jaya vẫn là vùng đất khép kín với thế giới.

Vị trí địa lý xa xôi, khó tiếp cận của đảo Irian Jaya đã làm cho các bộ tộc vẫn giữ được những thói quen và tập tục rất riêng của mình. Hầu hết đàn ông của các bộ tộc sử dụng Koteka – một dạng quả bầu phơi khô để che phần dương vật của mình, còn người phụ nữ thường ở trần, mặc loại váy đan từ những cây cỏ rất mềm nhưng dẻo dai. Họ cư trú trong những căn nhà tròn gọi là honai hay nhà trên cây và sống chủ yếu bằng nghề săn bắt và hái lượm.

Wamena – điểm kết nối “hai thế giới”

Mặc dù đã được những người bạn đồng hành cảnh báo trước về một chặng đường khó khăn, nhưng phải đến khi thực sự bắt đầu hành trình đến Irian Jaya, chúng tôi mới cảm nhận được điều đó. Từ TP.HCM, chúng tôi bay qua rất nhiều chặng: Singapore – Jakarta – Ujung Pandang (Makassar) – Biak – Jayapura – Wamena…, đó là hành trình bay dài nhất mà chúng tôi được biết trong khu vực Đông Nam Á – tất cả mất đúng 24 giờ đồng hồ di chuyển liên tục.
Trong nhà chờ sân bay Wamena cũng có những thổ dân Dani hoang dã. 
 
Cùng chúng tôi trong chuyến bay từ Jayapura đến Wamena là những thổ dân bản địa, chân trần, mặc độc bộ quần áo mỏng, đàn ông phụ nữ chỉ ngưng nhai trầu và rời điếu thuốc lá khi ra tận cửa máy bay. Hầu như không có bất cứ con đường bộ nào đến được Wamena, ngoài đường hàng không. Do đó, có thể nói Wamena chính là điểm kết nối hai thế giới: hiện đại và hoang dã. Cách duy nhất vận chuyển hàng hóa, lương thực, tiếp tế đến vùng đất này là bằng đường hàng không nên vật giá ở Wamena cao cấp 4 – 5 lần ở thủ đô Jakarta.

Wamena cũng là sân bay được xây dựng bằng trực thăng vận tải bởi người Hà Lan. Đây là sân bay thử thách với các phi công bởi xung quanh là những ngọn núi cao và chỉ có duy nhất một khe núi để máy bay hạ và cất cánh.

Chúng tôi khá bất ngờ khi người bạn đồng hành tên Rufus đón chúng tôi và bàn lịch trình khám phá bằng chiếc bản đồ vẽ bằng tay mô tả thung lũng Baliem. Rufus cho biết, ở Indonesia, không có bản đồ chi tiết khu vực Irian Jaya, vì việc đo đạc khảo sát đều bị hạn chế bởi địa hình nơi đây quá phức tạp.

Hành trình kéo dài gần một tháng của chúng tôi sắp đến chỉ dựa vào tấm bản đồ vẽ bằng tay và kinh nghiệm “xương máu” của nhóm thổ dân dẫn đường. Wamena gần như là trạm trung chuyển cho chúng tôi trước khi vào thế giới của các bộ tộc hoang dã.

Rufus cho biết, từ thị trấn, chúng tôi sẽ phải hành quân trong rừng già nguyên sinh suốt một tuần, chinh phục những ngọn núi dựng đứng ở độ cao 2.500m mới có thể đến được vùng cư trú của những bộ tộc Dani và Yali nguyên sơ. Tổng cộng hành trình lên đến gần 300km.

Chúng tôi đang đứng trước cửa ngõ của một thế giới khác, dãy núi Jayawijaya với đỉnh Trikora cao gần năm ngàn mét phía xa xa ẩn trong mây mù như một thách thức đang chờ đón những bước chân khám khá…

Trước khi bước chân vào hành trình đi tìm thế giới hoang dã, không một ai trong chúng tôi có thể tưởng tượng được chặng đường rừng lại dài thăm thẳm và kinh hoàng đến thế, nó như một màn tra tấn thể lực liên tục trong nhiều ngày… để được diện kiến với những bộ tộc săn đầu người…

Để có thể tồn tại trong rừng hàng tuần lễ, ở điều kiện cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài, chúng tôi phải thuê một nhóm người khuân vác, dẫn đường, phiên dịch. Hành trang của nhóm ngoài phương tiện tác nghiệp còn là thực phẩm, mì gói, gạo, nước… đủ dùng cho 15 người. Chúng tôi khởi hành về hướng đông, cặp theo con sông Baliem cuồn cuộn chảy dữ dội.

Đi trong mây

Ngày đầu tiên vắt sức chúng tôi bởi những con đường dốc dựng đứng. Người Dani qua bao thế hệ đã tạo ra những con đường mòn cheo leo bên sườn núi. Hành trình của đoàn thường xuyên bị cản trở bởi những cơn mưa rừng nhiệt đới. Đơn vị tính quãng đường chuyển từ kilômét sang tính bằng ngày.
Buổi lễ hiến tế heo đậm màu sắc tiền sử của bộ tộc Dani. 
 
Ngày đường thứ ba, sương mù giăng khắp khu vực Kawalo, cả đoàn gần như kiệt sức, ngay cả những thổ dân chuyên đi rừng cũng ngã bệnh. Rufus khuyên chúng tôi nên ở lại chờ bớt mưa, bởi mưa rừng có thể tạo lũ quét rất nguy hiểm, nhưng với mong muốn gặp những người Dani cứ kéo chúng tôi đứng lên, quyết tâm chinh phục những con dốc cao ngửa mặt.

Qua thiết bị đo độ cao, chúng tôi biết mình đang đi trong mây ở độ cao 2.500m của dãy Jayawijaya, địa hình rất khó khăn, phải bước qua những hòn đá đầy rêu khiến các thành viên trong đoàn không ít lần trượt ngã, có người té ngã đến vỡ cả máy ảnh, máy quay phim...

Đỉnh điểm của cuộc hành trình gian khó này là khi các phóng viên bị lạc nhau giữa cánh rừng hoang trong cơn mưa rừng tầm tã và bóng tối phủ kín. Với kinh nghiệm đi rừng xuất sắc, Rufus đã quay ngược trở lại suốt nhiều giờ liền để tìm kiếm những thành viên lạc rừng, và thật may mắn khi mọi người đều bình an.

Chúng tôi đặt chân đến được Pukam vào quá nửa đêm của ngày đường thứ năm hành trình xuyên rừng, vượt núi với toàn bộ hành lý đều bị ướt sũng và thân thể rã rời. Nơi đây, có một vài ngôi nhà honai của người Dani. Thế nhưng, Rufus đã làm mọi người mừng hụt: “Chúng ta tạm nghỉ qua đêm, ngày mai tiếp tục đi, bởi điểm đến là làng Wesalep của người Dani còn đến hai ngày luồn rừng nữa!” Và chúng tôi cứ đi trong cảm giác mụ mị cho đến khi một ngôi làng Dani hiện ra một cách hoang dã…

Diện kiến người Dani

Đó là làng Wesalep, nằm cách Wamena đúng một tuần đi bộ băng rừng, làng nằm lọt thỏm giữa những đỉnh núi thuộc dãy Jayawijaya có độ cao hơn 4.800m so với mặt nước biển (đỉnh núi cao đứng thứ hai ở Indonesia).

Trước mắt chúng tôi là những người đàn ông Dani bản địa vui vẻ, ùa ra chào đón chúng tôi, tay bắt, miệng không ngớt nói “wa, wa, wa…” như một câu chào mừng. Họ “mặc” trên mình chiếc koteka bằng quả bầu phơi khô. Đây là loại bầu dài mà chỉ người Dani có hạt giống. Đáy quả bầu được khoét một lỗ dùng để che dương vật, phía trên ngọn, người đàn ông cắm chiếc đuôi của loài chuột Irian Jaya mà anh ta săn được như một cách trang trí và chứng minh sự tài năng của mình. Quả bầu khô được giữ vững bằng những sợi dây mảnh cột ngang qua thắt lưng.
Phóng viên và tù trưởng Mariorus người Dani. 
 
Phụ nữ Dani đều ở trần, người đã có gia đình mặc chiếc váy truyền thống ngang hông, những cô gái trẻ mặc váy đan bằng cỏ dài gần đầu gối.

Cuộc sống hoang sơ đã có một chút “ánh sáng văn minh”, người Dani đã biết trồng khoai lang, khoai từ ngay trên mảnh đất quanh làng. Đàn ông và phụ nữ Dani rất thích hút thuốc. Chế độ mẫu hệ thị tộc vẫn tồn tại trong lòng bộ tộc, người phụ nữ làm tất cả công việc như chăm sóc vườn tược, hái lượm, chế biến thức ăn, chăm sóc con cái. Đàn ông Dani đảm nhận phần dựng nhà, và đi săn bắn khi hết thức ăn trong gia đình. Phần lớn thời gian họ tụ tập trong honai dành riêng cho đàn ông và hút thuốc.

Những người Dani trước đây nổi tiếng với tập tục săn đầu người, nhưng nay trước áp lực của chính quyền, họ đã từ bỏ tập tục rùng rợn này. Tuy nhiên, người Dani vẫn giữ thói quen đeo khuyên mũi bằng chiếc nanh heo rừng, tay luôn lăm lăm những ngọn giáo nhọn và bộ cung tên khiến chúng tôi vẫn có cảm giác rợn người ngay trong buổi sơ giao.

Xưa kia, chiến binh Dani rất mạnh mẽ, họ luôn là người chiến thắng trong các cuộc chiến giành đất đai và phụ nữ. Chiến lợi phẩm lớn nhất là những chiếc thủ cấp của đối phương. Chiến binh Dani nào thu được nhiều thủ cấp của đối phương nhất sẽ là người được kính trọng nhất. Thung lũng Baliem từng in kín dấu chân của chiến binh Dani, họ luôn tự hào mình là những chủ nhân đích thực của vùng đất này và được các bộ tộc khác kính nể.


Theo Lam Phong – Hoài Nam (SGTT)
Chia sẻ