Uống nhầm axit, bé trai phải cắt bỏ 2/3 dạ dày để giữ tính mạng

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Vừa qua, Bệnh nhi Trung ương vừa cắt bỏ 2/3 dạ dày của một cháu trai vì uống nhầm axit.

Nguy hiểm từ việc nhầm lẫn

Sự việc đáng tiếc trên xảy ra ngày 6/5. Bệnh nhân là cháu Dương Phúc Quang (7 tuổi, Quảng Ninh).

Đi học về, thấy chai nước Lavie để trước sân nhà, đang trong cơn khát, cháu Quang đưa lên miệng uống. Không ngờ, cháu Quang uống nhầm axit (đã pha loãng để đổ bình ắc quy).

Sau khi uống, Quang nôn mửa liên tục và ngay lập tức được gia đình phát hiện, đưa đi rửa dạ dày tại bệnh viện địa phương. Tuy nhiên, 1 tuần sau khi ổn định ra viện, Quang có biểu hiện nôn nhiều sau ăn, đau thượng vị, thể trạng suy kiệt dần. Thấy tình trạng sức khỏe của con không ổn, bố mẹ đã Quanglên bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại đây, các bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm và nội soi dạ dày bằng ống mềm. Kết quả cho thấy bệnh nhi bị bỏng dạ dày và hẹp môn vị sau khi uống axit.

Theo TS.BS Phạm Duy Hiền – Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Nhi khoa cho biết, nguyên nhân khiến trẻ liên tục nôn các thức ăn cũ, gây sụt cân, thể trạng suy kiệt chính là ổ sẹo bỏng lớn vùng hang vị - tiền môn vị, gây hẹp môn vị. Trước tình hình đó, các bác sĩ đưa ra 3 giải pháp được: một là dùng nội soi ống mềm để nong môn vị, hai là mổ nối vị - tràng, ba là cắt đoạn dạ dày có sẹo bỏng.

Sau khi hội chẩn giữa các bác sĩ khoa Ngoại và khoa Tiêu hóa, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt 2/3 đoạn dạ dày của bệnh nhi Quang nhằm giải quyết triệt để nguyên nhân và phòng diễn biến ung thư hóa về sau. Hiện nay bệnh nhi đã ổn định và bệnh viện tiếp tục theo dõi.

uống nhầm axit
Bệnh nhi Quangđược điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương (Ảnh: nhp.org )

Bỏng do axit hậu quả nặng nề

Có thể nói trong thời gian vừa qua có rất nhiều trường hợp bị ngộ độc hóa chất, có những trường hợp đã tử vong.

Theo TS. Hiền trường hợp của cháu Quang là tai nạn vô cùng đáng tiếc. Các bậc phụ huynh cần thận trọng, bỏ thói quen để dung dịch, hóa chất nguy hiểm vào chai lọ đựng thực phẩm để tránh nhầm lẫn. Trong gia đình, nếu có các dung dịch, hóa chất này cần để xa tầm với của trẻ, phòng các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Những thói quen tưởng như vô hại của người lớn lại là một mối nguy hiểm cho trẻ. Bởi trẻ nhỏ vốn hiếu động, lại thấy những loại nước mà rất hấp dẫn với trẻ, nên khi vừa nhín thấy, trẻ thường vội vàng uống ngay mà không ý thức được bên trong chai nước là dung dịch gì.

Cũng theo TS Hiền, trẻ nuốt phải các chất ăn mòn mạnh như axit hoặc bazơ có thể bị tổn thương ở môi, miệng, họng và dạ dày. Vết bỏng có thể khiến môi bị sưng và làm xuất hiện những vết tổn thương màu trắng trên niêm mạc miệng. 

Đôi khi, các vết bỏng chỉ xuất hiện ở họng hoặc dạ dày, trong khi niêm mạc miệng vẫn bình thường. Hiện tượng này thường gặp nhiều hơn khi chất ăn mòn là dịch lỏng, nguyên nhân là do các dung dịch thường tiếp xúc ít hơn với niêm mạc miệng so với các chất bột. Sau khi nuốt phải chất ăn mòn, trẻ có thể có các biểu hiện như khó nuốt, khó thở, chảy nước rãi, đau thắt, nôn nhiều. 

 Khi uống axit, do tính ăn mòn cao nên dung dịch axit gây bỏng lập tức ở cổ họng, khoang miệng.

Sau đó, dung dịch axit đi tới đâu sẽ gây nên kích ứng và bỏng tại đó, từ thực quản cho tới dạ dày. Nguyên nhân của việc này là do tính oxy hóa của axit sunphuric rất mạnh, nếu axit đậm đặc thì còn rất háo nước. Kết quả là nước trong các tế bào bị axit hút hết, dẫn tới tế bào chết khô và gây bỏng rát.

Cần phải sơ cứu nhanh và đúng

Theo TS Hiền, với những trường không may uống phải axit, cách sơ cứu nhanh và hiệu quả nhất nếu trẻ tỉnh táo, không nôn, cha mẹ có thể cho trẻ xúc miệng bằng một chút nước hoặc sữa để loại bỏ chất ăn mòn còn nằm lại trong miệng, rồi đưa trẻ đi cấp cứu ngay. Nếu trẻ nôn hoặc khó nuốt thì không được thực hiện động tác này. 

Tuyệt đối không tìm cách cho trẻ nôn vì hành động này có thể khiến tổn thương trở nên trầm trọng hơn. Nếu chúng ta cứ gây nôn điều này phản tác dụng và càng gây nguy hiểm.

 Đừng bao giờ tìm cách "trung hòa" axit hay bazơ bằng cách cho trẻ uống một hóa chất khác. Sự kết hợp này có thể gây phản ứng nhiệt, tiếp tục làm tổn thương trở nên nặng nề hơn.  

Đối với bệnh nhân bị bỏng axit, nhất là trong giai đoạn nhiễm độc, nhiễm khuẩn và suy mòn bỏng phải có một chế độ ăn giàu năng lượng, giàu đạm, vitamin và chất khoáng để tăng cường sức đề kháng nhằm ngăn chặn tình trạng nhiễm khuẩn giúp vết thương nhanh lành.

Để chống nhiễm khuẩn vết thương, bệnh nhân cần ăn nhiều loại trái cây cung cấp vitamin C như bưởi, cam, chanh... Ngoài ra, vitamin C còn đóng vai trò quan trọng trong quy trình tổng hợp lớp sợi keo và sợi đàn hồi dưới da để vết thương không bị xấu; vitamin A giúp tăng tiến trình phân hóa của lớp biểu bì nhằm phủ kín vết thương. 
Chia sẻ