Ứng dụng đặt đồ ăn hiện nay: Vẫn tiện nhưng không còn nhiều "lợi" cho người dùng, nhận nhiều chỉ trích về dịch vụ

JJJ,
Chia sẻ

Lượng tăng lên nhưng chất đi xuống, nhiều ứng dụng gọi đồ ăn đang khiến thực khách chê bai ác liệt.

Những siêu ứng dụng mang nhiều quyền năng vào cuộc sống

Siêu ứng dụng (hay còn gọi là Super-App) đã trở thành khái niệm phổ biến trong vài năm trở lại đây - chỉ những ứng dụng chỉ mất 1 lần tải về nhưng có thể "làm hầu hết mọi việc."

Theo SCMP, siêu ứng dụng "tất cả trong một" là ý tưởng bắt nguồn từ Trung Quốc, tiềm năng khổng lồ của nó được nhiều khu vực, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á mau chóng nắm bắt.

Ví dụ điển hình nhất phải kể đến WeChat, được mệnh danh là "siêu ứng dụng không có đối thủ" tại Trung Quốc.

Khoảng 8 năm trước, WeChat nổi lên như một ứng dụng chat đơn giản, chuyên để gửi tin nhắn thoại. Đến nay, nó đã có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Điều thần kỳ nào đã giúp WeChat phát triển thành siêu ứng dụng?

Đầu tiên là khả năng thanh toán qua mã QR, giúp WeChat trở thành ví điện tử có thể thanh toán hầu hết các dịch vụ ở Trung Quốc (đến cho tiền người hành khất, thậm chí ly hôn cũng có thể thực hiện qua WeChat).

Cú hích tiếp theo chính là vô vàn tiểu ứng dụng (Mini-App) hiển thị trên giao diện chính của WeChat. Vừa không phải tải xuống lại đáp ứng được hầu hết các nhu cầu trong cuộc sống như đặt hàng, mua vé tàu xe, gọi đồ ăn... Chính sự đổi mới và đa dạng hóa dịch vụ đã biến WeChat trở thành siêu ứng dụng và nghiễm nhiên giữ được chân người dùng trong hệ sinh thái của riêng mình. 

super-app-1024x440

Ở Trung Quốc, nơi có đặc điểm địa lý-xã hội khá tương đồng với Việt Nam, vai trò của siêu ứng dụng đã lớn đến mức Tổng Giám đốc Visa Trung Quốc phải nhận xét là: "Cuộc sống ở Trung Quốc sẽ rất dễ dàng nếu bạn có 3 thứ: Biết tiếng Trung Quốc, có smartphone và tài khoản ngân hàng."

Ở Việt Nam, chuỗi các ứng dụng cung cấp dịch vụ cuộc sống cũng đang trên đà phát triển vượt bậc. Giờ đây, người ta muốn gọi xe, gửi đồ, gọi đồ ăn, mua thuốc, đặt bàn, thanh toán... đều có thể dễ dàng thực hiện nhanh chóng qua vài thao tác trên smartphone

Quả thật, siêu ứng dụng với các tính năng kể trên đã tạo nên cách mạng trong mua-bán mà người dùng, bên bán đều có lợi. Chưa kể góp phần tạo ra lợi ích việc làm cho hàng trăm nghìn người mỗi ngày thông qua hình thức cộng tác làm "shipper" hay tài xế.

Sát giờ tan tầm ở Hà Nội, Tp. HCM và nhiều thành phố lớn, không khó để bắt gặp cảnh nhân viên văn phòng túm năm, tụm ba gọi trà sữa, đồ ăn vặt để bõ cơn thèm cũng như có thêm sức làm việc. Hay như việc gọi xe, giờ đi xa đi gần chỉ cần gọi tài xế (thậm chí có thể book trực tiếp 1 bác tài trên ứng dụng) đưa đón tận nơi, không còn phải lo lắng tìm chỗ gửi xe.

Hoàn hảo về mặt ý tưởng nhưng các siêu ứng dụng tại Việt Nam có đang làm khách hàng hài lòng?

Điều không thể phủ nhận là các siêu ứng dụng này đã đem đến một cuộc cách mạng về phong cách sống. Cuộc sống trở nên tiện lợi hơn bao giờ hết khi người ta không còn phải uể oải dắt xe ra khỏi nhà, vượt mưa giông bão tố hay nắng đổ cháy đầu chỉ để mua một cốc trà sữa ưa thích, hay đi mua vỉ thuốc đau bụng mà lòng canh cánh "tai nạn đường tiêu hóa" xảy ra bất cứ lúc nào. Bằng chứng là những cái tên như Now, Grab, Go-Viet đã thật sự phổ biến, gần như ai ai cũng biết, cũng cài trên smartphone. 

Tuy nhiên, vẫn theo chu kỳ của sự thay đổi. Càng lâu đời, các dịch vụ càng tồn đọng những vấn đề khiến người dùng cảm thấy không còn thoải mái. 

Khoảng vài tháng trở lại đây, trên một hội nhóm chuyên review đồ ăn nổi tiếng bỗng xuất hiện hàng chục bài viết phàn nàn về chất lượng phục vụ của các siêu ứng dụng. Đáng kể là ở phần bình luận, rất nhiều người tỏ ra đồng ý với quan điểm hay hiện tượng được nhắc đến. Điều này chứng tỏ phần nhiều người dùng của các siêu ứng dụng đang gặp các phiền phức đến từ chính ứng dụng mà họ trông chờ sự tiện lợi mỗi ngày. 

Ví dụ nổi bật trong đó là bài đăng của thành viên P.H, đã nhận được 4200 likes, hơn 1300 bình luận bày tỏ sự đồng cảm. Trong đó, P.H đã chỉ ra vấn đề của cửa hàng bán đồ ăn, tài xế giao hàng và nhà phát triển ứng dụng. Có thể tóm tắt vụ việc như sau:

62517032_2400892023490363_6369144764314419200_n


- Gọi cơm lúc 8h40, quán ngay lập tức nhận đơn, thông báo chuẩn bị đồ ăn.

- 8h46 liền có tài xế nhận đơn, thực khách chắc mẩm sẽ được no bụng sau khi đi làm về muộn.

- 9h40, thực khách bắt đầu bực mình vì chờ đợi cả nửa tiếng mà tài xế vẫn không di chuyển, trong khi ứng dụng hiển thị vị trí ngay gần quán ăn. Chưa kể hotline trực tổng đài không có ai bắt máy.

- 9h28, tài xế gọi điện (không phải số hiển thị trong app) báo không thể tìm thấy quán dù không hề di chuyển.

- 9h34, tài xế báo đã tới quán nhưng... hết đồ ăn.

Cuối cùng, P.H chỉ ra:

1. Quán không có đồ nhưng vẫn nhận đơn, để khách chờ cả tiếng rồi báo hết hàng.

2. Tài xế chưa trung thực.

3. Đội ngũ trực tổng đài chưa làm tròn trách nhiệm, nhà phát triển ứng dụng không xin lỗi khách hàng sau khi phát sinh sự cố.

Câu chuyện của P.H hoàn toàn không mới. Chỉ cần dạo quanh Facebook hay các nhóm chat thích ăn uống, rất dễ để bạn tìm thấy công thức sự cố chung mà ứng dụng được nhắc tới bên trên đang gặp phải. 

Vậy nguyên nhân thực sự của vấn đề có phải hoàn toàn là do sự lỏng lẻo, tắc trách của đội ngũ vận hành ứng dụng, hay có những yếu tố khách quan đang xảy đến mà đội ngũ phát triển vẫn chưa thể tìm ra giải pháp triệt để?

Người người nhà nhà gọi ship đồ ăn dẫn đến tình trạng quá tải

Vài năm trở lại đây, sau khi xâm chiếm thị trường gọi xe, các siêu ứng dụng của Việt Nam tiếp tục gây bão với tính năng gọi đồ ăn. Đây được coi là cú hích đột phá, đánh thẳng vào trọng tâm nhu cầu người tiêu dùng vì chẳng phải ai cũng thích phải tự mài mặt ngoài đường để ăn một bữa ngon. 

Trước đây, chỉ lác đác vài anh tài xế đỏ, vàng, xanh đứng xếp hàng chờ mua trà sữa thì đến nay, từ tiệm bánh mì đầu ngõ đến hàng phở trộn - đâu đâu cũng thấy bóng dáng tài xế công nghệ.

Về cơ bản, điều này xuất phát từ nhu cầu khổng lồ của giới công sở, hầu hết đều ngồi văn phòng hoặc ở nhà gọi ship. Trong khi đó, những hàng quán nổi tiếng lại có lực lượng tài xế xếp hàng dài dằng dặc đợi mua. Tóm lại, ngồi nhà đợi thì lâu mà đến tận nơi mua có khi còn lâu hơn vì phải xếp hàng cùng hàng chục tài xế.

Nguyên nhân khiến chất lượng đồ ăn cũng như phục vụ đi xuống là gì? Chính là sự quá tải.

Screenshot

Điều này được thể hiện qua câu chuyện của thành viên T.N.T, cũng chuốc bực vào người khi gọi bánh tráng trộn trên một con phố nổi tiếng ở Hà Nội: Nhận được đồ sai order, chất lượng giảm sút và tình trạng chung vẫn là đợi dài cổ thì đồ mới đến tay.

Hầu hết thành viên trong group review đồ ăn nổi tiếng kể trên, đều hô hào nhau hãy xóa ứng dụng. Tuy nhiên, vì tiếng réo của dạ dày nên họ vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, cố gắng chờ đợi.

Trên hết, điều mà các tín đồ ăn uống cần là chất lượng đồ ăn và sự chính xác về mặt thời gian chứ không đơn giản là khuyến mãi. Có lẽ, các nhà phát triển cần lắng nghe nhiều hơn từ người dùng thay vì đốt tiền để cạnh tranh.

Trong bối cảnh mà sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, thị trường giao đồ ăn có dấu hiệu bão hòa - chỉ hoàn thành nhiệm vụ giao-nhận chắc chắn chưa đủ sức để làm thỏa mãn nhu cầu của người dùng. Do đó, các nhà phát triển ứng dụng cần sát sao hơn trong khâu kiểm soát chất lượng, đổi mới cung cách phục vụ để người dùng cảm thấy hài lòng cũng như có được giá trị nào đó khi sử dụng dịch vụ.

Chia sẻ