Uất ức vì nhà chồng xúc phạm bố mẹ đẻ

,
Chia sẻ

Không chỉ mắng nhiếc nàng dâu, mẹ chồng Phương còn "tiện thể" đem cả thông gia ra để mắng vì cái "tội" không biết dạy con.

Ngay khi được Tuấn dẫn về ra mắt gia đình, Phương (quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) đã biết mình không giành được thiện cảm của bố mẹ chồng tương lai. Đến khi về làm dâu thì cô thực sự thất vọng vì dù luôn cố gắng làm vừa lòng bố mẹ chồng nhưng kết quả chẳng đáng là bao. Mẹ chồng luôn xét nét cô mọi lúc mọi nơi. Vốn rất khó tính, lại không ưa con dâu từ đầu nên bất cứ việc gì Phương làm cũng khiến bà thấy “ngứa mắt”. Hễ bắt được lỗi của cô là bà lại đay nghiến “rồi cũng lại giống như mẹ nó thôi”, khiến Phương bao lần chết điếng.

Lời kết tội độc đoán đó của mẹ chồng xuất phát từ hoàn cảnh gia đình Phương. Bố mẹ Phương bỏ nhau từ khi cô còn nhỏ. Mẹ Phương sau đó chung sống không hôn thú lần lượt với hai người đàn ông khác, nhưng vẫn nuôi dạy và cho Phương ăn học đến nơi đến chốn. Cô lấy được bằng thạc sĩ và có một công việc ổn định trước khi về làm dâu nhà Tuấn. Thế nhưng, với bà mẹ chồng thì điều đó không quan trọng bằng việc cô là con của một bà mẹ “thiếu đoan trang”.

Sự tôn trọng, hòa đồng góp phần giữ hạnh phúc gia đình.
Ảnh minh họa
: Inmagine.
Một lần ở cơ quan có việc bận đột xuất nên Phương về muộn. Tuấn vừa cằn nhằn vợ mấy câu thì mẹ anh cũng được thể thêm dầu vào lửa: “Tôi đã bảo mà anh không nghe, rồi anh xem, nó lại giống mẹ nó thôi, giỏ nhà ai thì quai nhà ấy mà”. Đang thay đồ trong phòng, nghe được mấy lời đó của mẹ chồng, Phương ức nghẹn cổ.

Tình hình còn căng thẳng hơn khi vợ chồng Phương sinh con gái đầu lòng. Phương muốn cho con về nhà ngoại chơi mấy tuần vì muốn được mẹ đẻ chăm sóc lúc còn yếu, nhưng bố mẹ chồng nhất quyết không đồng ý. Thậm chí khi con đã cứng cáp, mỗi lần Phương xin phép về chơi với bà ngoại là mẹ chồng cô kiếm mọi cớ để từ chối. Lúc thì bà bảo trời lạnh, lúc thì bảo “con bé đang sổ mũi không cho ra gió”. Một lần tình cờ Phương nghe bà nói với chồng cô là “không muốn con bé tiếp xúc nhiều rồi lại nhiễm cái tính của bà ngoại”.

Phương rất bức xúc vì thấy tất cả cố gắng của cô đều không được mẹ chồng ghi nhận. Việc mẹ liên tiếp bị xúc phạm khiến cô lo rằng sẽ có lúc không kiềm chế được và cư xử thiếu lễ phép với mẹ chồng.

Chị Trần Thanh Mai, ở Phú Xuyên, Hà Nội, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Mỗi khi Mai mắc lỗi ở nhà chồng thì chính bố mẹ đẻ của chị lại bị lôi ra... mắng. Về làm dâu một bà mẹ chồng rất khó tính, nết ăn nết ở của bà cả nhà đều phải tuân theo, nên ngay từ đầu Mai xác định không mong làm hài lòng mẹ chồng. Dường như cô con dâu chẳng được bà ưng ý ở một điểm nào. Cái gì chị làm bà cũng chê bai, từ món ăn đến việc lau dọn nhà cửa, mua sắm đồ dùng... Nhưng điều làm chị khó chịu nhất là mẹ chồng cứ mỗi lần dạy bảo con dâu lại nói, nhà ngoại “chưa dạy dỗ đến nơi đến chốn mà đã cho con đi lấy chồng”.

Một lần nhà có đám giỗ, Mai được mẹ chồng sai đi chợ nhưng quên mua hành khô. Khi cần đến không có, mẹ chồng mắng Mai là “đồ gái đoảng, có mỗi việc cỏn con như thế mà cũng không làm được”. Bà còn thêm: “Tôi tưởng mẹ cô ở nhà phải dạy cô làm tốt những việc này rồi mới phải chứ?”. Chị Mai tức quá không chịu được, “bật” lại: "Lỗi là của con, mẹ không được nhắc đến mẹ con ở đây”. Thế là bà nổi cơn tam bành, mắng nàng dâu là mất dạy, lỗi đã rành rành mà còn cãi láo, rằng phải trả cho bố mẹ cô dạy lại con. 

Theo chuyên gia tâm lý Thiên Thanh, trung tâm tư vấn Người bạn tri kỷ, trong văn hóa Việt, quan hệ thông gia hết sức nhạy cảm. Tiếng là chung con chung cháu nhưng hai bên luôn đối xử với nhau rất khách sáo, giữ ý giữ tứ. Cũng chính vì sự nhạy cảm này mà nếu một bên tỏ ý coi thường hay xúc phạm đến bên kia, mọi chuyện sẽ trở nên rất nghiêm trọng. Việc nhà chồng tỏ ý coi thường hay xúc phạm thông gia sẽ làm tổn thương  tình cảm của con dâu và mối quan hệ giữa hai nhà.

Bà Thiên Thanh cũng đưa ra lời khuyên cho những người trong cuộc. Trường hợp của Phương, đúng là gia đình cô có hoàn cảnh hơi đặc biệt khiến mẹ chồng cảm thấy “không yên tâm” về cô con dâu, đây cũng là điều dễ lý giải. Cách làm tốt nhất là Phương cố gắng nín nhịn, làm một nàng dâu tốt, chu đáo với nhà chồng và đặc biệt tỏ ra gần gũi hơn với mẹ chồng để xóa đi ác cảm ban đầu của bà. Thanh minh hay tranh cãi với bà lúc này không có lợi một chút nào. Không thể lập tức làm bà tin rằng cô không phải là người như bà nghĩ. Hãy để thời gian và bằng những cố gắng của mình chứng minh cho mẹ chồng thấy là bà đã sai lầm khi đánh giá con dâu như thế.

Còn đối với Mai, tranh cãi với mẹ chồng ngay khi bà đang sẵn bực tức như thế chỉ khiến mọi chuyện thêm trầm trọng. Nếu muốn nói, hãy lựa khi bà vui vẻ để góp ý nhẹ nhàng kiểu: “Mẹ ơi con là đứa khó bảo, mẹ con ở nhà đã 'bó tay' với con rồi, mẹ nhận đào tạo lại cho con mẹ nhé”. Bà mẹ chồng có khó tính đến đâu chắc cũng phải bật cười với cách nói ấy của nàng dâu.

Cũng theo bà Thiên Thanh, với các bậc cha mẹ, dù khi con dâu mắc lỗi gì thì cũng không nên động chạm đến thông gia. Nên đặt mình vào hoàn cảnh ngược lại, nếu con trai mình cũng bị bên nhà vợ mắng rồi “quàng” luôn bố mẹ anh ta vào để kết tội là không biết dạy con thì cảm giác của mình sẽ như thế nào. Khi con dâu đã về nhà mình, các ông bố bà mẹ nên coi cô là một thành viên thực sự và góp ý thêm với những thiếu sót. Bố mẹ chồng cũng có trách nhiệm "dạy bảo" con dâu chứ không phải động một tí là lại đổ lỗi cho thông gia.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ