Tướng Giáp trong lòng cận vệ: Chuyện bây giờ mới kể

Huyền Trang - Chí Toàn,
Chia sẻ

Người lính già đã ngoài 90 từng làm cận vệ của tướng Giáp nghẹn ngào chia sẻ những kỷ niệm với Đại tướng.

“Cả đời, tôi chưa thấy Tướng Giáp nổi cáu với ai”

Người lính ấy tóc đã trắng như cước, da đã chuyển màu đồi mồi. Ông đi không còn vững nữa, hai chân liêu xiêu, chệnh choạng, tai đã lãng dần với thời gian. Nói chuyện với khách một hồi, ông lại trầm tư như lục lại những ký ức ngót 60 năm về trước. Thật lạ, bởi những câu chuyện Việt Bắc từ thời 1948, 1949, ông vẫn còn kể rành rọt. Người lính ấy là Đại tá Vương Văn Giáp (còn gọi Vương Văn Thái), từng là cận vệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1948 đến khi kết thúc kháng chiến chống Pháp.

Tướng Giáp trong lòng cận vệ: Chuyện bây giờ mới kể 1
Cựu cận vệ của tướng Giáp - ông Vương Văn Giáp (bên phải) và đồng đội - ông Lê Quang Thiều.

Tướng Giáp trong lòng cận vệ: Chuyện bây giờ mới kể 2
Tuổi ngoài 90, ông đi không còn vững chãi...

Tướng Giáp trong lòng cận vệ: Chuyện bây giờ mới kể 3
... nhưng tác phong quân đội vẫn vẹn nguyên.

Ông chậm rãi kể lại, giọng đầy tự hào: “Tôi bắt đầu hoạt động cách mạng từ cuối năm 1944 với nhiệm vụ 'hộp thư sống'. Chỉ huy cấp cho tôi ít vốn để sắm gánh hàng xén, được phân công ngồi ở ngã ba, ngã tư đường phố để nhận tin tức từ dưới cơ sở báo lên cũng như chuyển công văn giấy tờ cho cơ sở. Đó là thời kỳ hoạt động bí mật. Sau đó, tôi chính thức tham gia quân đội và ở trong đội cận vệ của Tướng Giáp từ năm 1948 đến 1954, đó là thời kỳ cam go nhất, ác liệt nhất”.

Tướng Giáp trong lòng cận vệ: Chuyện bây giờ mới kể 4
Ông xúc động kể những kỷ niệm với tướng Giáp.

Trong kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn 246 của chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Trung ương, bảo vệ bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Hồi chiến dịch Điện Biên, chúng tôi vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vừa đào hầm chỉ huy ở Mường Phăng của Hồ Chủ tịch, làm nhà chuyên gia vừa tham gia chiến đấu. Năm ấy, chúng tôi hành quân từ Lào Cai, vòng qua Lai Châu, Sơn La, Yên Bái gọi là 'tiêu phỉ' (diệt thổ phỉ) nhưng thực ra là để chặn giặc, không cho tấn công vào cơ quan đầu não. Thế thì anh em chúng tôi mới được huy hiệu Điện Biên (tặng riêng cho những chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên) chứ! Ngay cả lán trại để tổ chức Đại hội Đảng lần thứ hai, anh em cận vệ chúng tôi cũng đi chặt lá cọ, lấy vầu để dựng lán đấy!” – ông bùi ngùi kể.

Tướng Giáp trong lòng cận vệ: Chuyện bây giờ mới kể 5
Trong các ông, những ký ức vẫn mới mẻ như vừa xảy ra.

Ông Lê Quang Thiều, Phó ban liên lạc Hội cựu chiến binh Trung đoàn 246 tại Hà Nội, một người lính của ông Giáp cũng góp chuyện: “Hồi ấy, một trung đội lính bảo vệ chúng tôi có khi ở rải ra cả xã, cả làng, phải có liên lạc. Công việc tuyệt nhiên không được tiết lộ với ai, cũng không được chuyện trò nhiều, ai biết việc người nấy. Hồi làm cận vệ, tôi không có dịp gặp Tướng Giáp nhiều, nhưng thỉnh thoảng được đón Tướng Giáp ở sân bay, thấy ông giản dị lắm, mặc quần áo cực kỳ đơn sơ. Bữa cơm hằng ngày của ông, nghe nói cũng chẳng có gì khác anh em cận vệ, chỉ bát cơm úp, tí cá, tí rau là xong bữa”.

Tướng Giáp trong lòng cận vệ: Chuyện bây giờ mới kể 6
Những câu chuyện cũ là tài sản quý báu của các cựu binh.

Bồi hồi nhớ lại kỷ niệm với Đại tướng, ông Vương Văn Giáp chậm rãi kể: “Có cơ hội gần gũi với Đại tướng nhiều năm, cả thời chống Pháp và những năm sau này, quan sát cách ông quan hệ với cán bộ chỉ huy cấp dưới của mình, tôi chưa bao giờ thấy ông nóng nảy, bực dọc hay quát mắng ai. Khi giao nhiệm vụ cho anh em, ông nói rất ít, nhưng luôn nhẹ nhàng, tình cảm. Tôi được ông trực tiếp giao nhiệm vụ cho mấy lần, lúc đi, ông ân cần dặn dò từng li từng tí, lúc về, ông lại động viên, hỏi thăm sức khỏe. Thế nên, dù chiến tranh gian khổ ác liệt, nhiệm vụ khó khăn cỡ nào, chúng tôi vẫn thấy vui vẻ, hồ hởi hoàn thành”. 

Ông Lê Quang Thiều nói thêm: “Người lính chúng tôi cực kỳ nể phục ông, nhất là chữ nhẫn và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc. Chúng tôi học ở ông chính những phẩm chất đó. Tướng Giáp cũng là một người cực kỳ điềm đạm, nền nã. Không có cảm giác ông là Đại tướng, mà quả thực, ông là một người anh trong gia đình”.

Tướng Giáp trong lòng cận vệ: Chuyện bây giờ mới kể 7
"Chúng tôi học ở tướng Giáp nhiều phẩm chất cao đẹp".

“Tướng Giáp coi anh em lính tráng như người nhà”

Ôn lại những kỷ niệm cũ, có khi giọng ông hào sảng, khi vui tươi, lúc trầm lắng, nhưng khi nói đến sự ra đi của người anh, người thủ trưởng gần gũi, giọng ông như nghẹn ứ lại. “Khoảng 7 giờ tối hôm ấy, được báo tin dữ, tôi sững cả người. Hồi trước, khi anh còn khỏe, chúng tôi vẫn qua lại nhà anh luôn. Mỗi lần đến thăm, chúng tôi chỉ cần xưng danh đơn vị sẽ được mời vào ngay, anh tiếp đón nồng hậu chẳng khác người nhà. Cách đây ít lâu, chúng tôi vào viện thăm anh nhưng chỉ được đứng ngoài nhìn chứ không được vào tận phòng. Vẫn biết sự mất mát ấy chỉ là ngày giờ, nhưng tim tôi vẫn như bị bóp nghẹt…” – ông nói mà mắt đẫm lệ.

Tướng Giáp trong lòng cận vệ: Chuyện bây giờ mới kể 8
Người cận vệ đẫm nước mắt nhớ về thủ trưởng.

Tướng Giáp trong lòng cận vệ: Chuyện bây giờ mới kể 9
Hay tin Đại tướng từ trần, người cận vệ già đến viếng. Ông đang đi xuống cuối đường để xếp hàng.

Kể về Đại tướng, các ông thường gọi “anh” bởi: “Có thể nói, anh Văn là người gần gũi với Trung đoàn Cận vệ 246 này nhất. Chính anh đã ký quyết định thành lập Trung đoàn vào năm 1948. Với anh em Trung đoàn này, tướng Giáp coi như người nhà. Đầu xuân, chúng tôi tổ chức họp mặt anh em, mời ông đến, ông vẫn đến dự. Năm nào mệt hay bận việc không đến được, ông cũng gửi thư chúc mừng”.

Tướng Giáp trong lòng cận vệ: Chuyện bây giờ mới kể 10
Những chiến sĩ xưa nay đã tóc bạc, da mồi ...

Tướng Giáp trong lòng cận vệ: Chuyện bây giờ mới kể 11
... cùng san sẻ nỗi đau mất một người anh vĩ đại.

Ông Vương Văn Giáp kể: “Năm anh Văn 90 tuổi, chúng tôi tổ chức đến mừng thọ. Cả 4 tiểu đoàn của Trung đoàn 246 từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, rồi đoàn đương chức hẹn gặp. Bận tiếp bao nhiêu đoàn khách, nhưng anh vẫn dặn văn phòng sắp xếp tất cả anh em được gặp riêng anh trong buổi sáng. Nhóm cựu chiến binh Hà Nội chúng tôi thêu một bức trướng rất giản dị (đúng với tính cách của anh) ghi ‘Mừng thọ anh Văn tuổi 90, cựu chiến binh trung đoàn cận vệ 246 anh hùng tặng’. Anh xem rồi gật gù, ra chiều thích lắm”.

Ngừng một lúc, ông tiếp: “Anh em chúng tôi bàn nhau nên nói gì trong lễ mừng thọ Đại tướng. Tôi thay mặt mọi người, đứng lên đọc vài câu: ‘Thế kỷ 13, Trần Hưng Đạo Đại vương ba lần dẹp tan quân Nguyên Mông giày xéo; thế kỷ 20, Võ Nguyên Giáp Đại tướng chỉ huy đánh thắng hai đế quốc xâm lăng. Mừng thọ anh là cụ, là ông, là bác 90 xuân; đại thụ này sẽ sống mãi với non sông nước Việt’. Tôi đọc xong, ông cười rất tươi, chìa tay về phía tờ giấy, bảo ‘Đưa tớ’, rồi hỏi ai viết. Anh em bảo, người đọc chính là tác giả, anh Văn cười rất tươi, bắt tay tôi thật chặt và cảm ơn anh em”.

Đại tá Vương Văn Giáp cũng không quên những kỷ niệm gắn bó với Đại tướng hồi ông còn trẻ. Không còn làm cận vệ cho Đại tướng từ năm 1954, nhưng ông vẫn còn nhiều dịp được tiếp xúc riêng với Đại tướng. Năm 1960, ông được đưa đi học ở Học viện Chính trị trung cao cấp đến 1962 trở về Trung đoàn với cương vị Chủ nhiệm chính trị và Phó Chính ủy Trung đoàn. Đến năm 1966, tướng Giáp gọi ông đến, trực tiếp giao ông nhiệm vụ nghiên cứu chiến trường. Ông dẫn một đoàn cán bộ đi bộ ròng rã 100 ngày đêm qua mưa bom bão đạn từ Phủ Lý, vượt Trường Sơn vào Tây Ninh. Hơn một năm nghiên cứu chiến tranh, năm 1967, nhóm nghiên cứu được tướng Đổng Sỹ Nguyên đưa về.

Ông ấy bảo, chúng tôi là một kho tài liệu nên phải đảm bảo sức khỏe cho chúng tôi. Cơ quan tham mưu của ông Đổng Sỹ Nguyên điều hai xe ô tô com-măng-ca đít vuông và chiến trường đón, một xe chở 6 người chúng tôi, một xe chở hậu cầu và anh nuôi đi từ đường 559 Nam Lào về Hà Nội, dặn dò kỹ lái xe đi vào giờ nào, đi ra sao. Chưa đầy hai tuần, chúng tôi về đến Hà Nội, nhanh chóng chuẩn bị làm tổng kết báo cáo nghiên cứu. Hôm về, tôi lại được gặp tướng Giáp. Ông nắm tay, động viên anh em chúng tôi, cảm động lắm!” – người lính già bùi ngùi chia sẻ. 

Tướng Giáp trong lòng cận vệ: Chuyện bây giờ mới kể 12
Đã qua lại ngôi nhà 30 Hoàng Diệu không ít lần, nhưng có lẽ, đây là lần nhiều cảm xúc nhất với người lính già.

Con gái ông cho biết, đêm biết tin, sau khi báo cho anh em cùng đơn vị xong, ông trằn trọc cả đêm. Đã quyết định sẽ cùng đoàn đi viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ, nhưng không kìm được thương nhớ, ông đòi con gái đưa đến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu trước. Sáng sớm, ông đã đến tư gia Đại tướng. Thấy dòng người dài dằng dặc, ông vẫn quyết tâm… đi xuống cuối để xếp hàng vì “đồng bào đến trước, mình phải nhường”. Gặp đồng đội, các ông ôm nhau nức nở: “Chúng em vĩnh viễn xa anh rồi, anh Văn ơi…”.

Tướng Giáp trong lòng cận vệ: Chuyện bây giờ mới kể 13
Những dòng chữ đầy cảm niệm của người cận vệ.

Ghi mấy chữ vào sổ lưu niệm, tay bố tôi run lẩy bẩy. Quá xúc động, ông khóc mãi. Sau khi viếng Đại tướng, tôi dìu ông ra ngoài mà thấy ông như muốn khuỵu xuống.” – chị chia sẻ.   

Chia sẻ