Tức tối đăng bài mỉa mai đồng nghiệp nịnh hót, nàng công sở không được an ủi mà còn bị dân mạng "sửa lưng"

Louis,
Chia sẻ

“Thật sự em là em quá mệt mỏi với các 'đại nịnh thần' trong công sở. Hỡi ơi, cái gì cũng có lòng tự trọng 1 chút đi chứ nhỉ, ngang nhiên nịnh nọt lộ liễu trước mặt người khác".

Công sở chưa bao giờ là một môi trường đơn giản do bởi đặc thù quy tụ rất nhiều kiểu người thuộc các bộ phận khác nhau. Vì lẽ đó, sự đa dạng và “drama” chính là những đặc sản ở đâu có thể thiếu, tuy nhiên không thể thiếu nơi công sở.

Trong số rất nhiều người đồng nghiệp chị em gặp trong quãng thời gian đi làm; bên cạnh những cá nhân xuất sắc, nhân cách đẹp, biết ứng xử cũng có không ít những người xấu chơi, trái tính, trái nết.

Tức tối đăng bài mỉa mai đồng nghiệp “nịnh thần”, nàng công sở không được an ủi mà còn bị dân mạng "sửa lưng" - Ảnh 1.

Một trong những đặc tính của đồng nghiệp khiến nhiều người khó chịu nhất đó chính là sự thảo mai, giả lả một cách quá đáng, hoặc nịnh nọt quá mức kiểm soát. Vừa mới đây, trong một hội nhóm quy tụ đông đảo người dùng mạng là dân công sở, một cô nàng đã không thể kiềm chế cảm xúc mà “khẩu nghiệp” người đồng nghiệp nịnh nọt của mình bằng một bài chia sẻ. Cụ thể, cô viết:

“Thật sự em là em quá mệt mỏi với các "đại nịnh thần" trong cung cấm. Hỡi ơi, cái gì cũng có lòng tự trọng 1 chút đi chứ nhỉ, ngang nhiên nịnh nọt lộ liễu trước mặt người khác. Cái giọng the thé, còn cung cách làm việc thì lồi lõm, nhếch nhác.

Nịnh mà lố hơn cả chữ “nịnh” luôn là các anh chị biết ý. Nịnh từ thưa thớt đến nịnh giữa đám đông, rồi nịnh trong nịnh ngoài, nịnh lai rai đến dồn dập, nịnh từ lúc bập bẹ mới vô công ty đến khi đã làm việc được 1 tháng. Nịnh xuyên buổi sáng tới buổi chiều, nịnh từ khi bé xỉu đến lúc phải dựng mình nổi điên.

Rồi thêm cái suy nghĩ vai vế chị chị em em, không được cãi nữa. À quên, người đó là người quen cực quen của sếp, nên mọi người có thể phần nào hiểu được nhỉ”.

Tức tối đăng bài mỉa mai đồng nghiệp “nịnh thần”, nàng công sở không được an ủi mà còn bị dân mạng "sửa lưng" - Ảnh 2.

Ngay sau khi được chia sẻ, bài đăng đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng. Tuy nhiên, những tưởng tâm sự của cô gái sẽ nhận được sự đồng tình cũng như an ủi từ cư dân mạng. Thế nhưng, ở góc độ đứng ngoài cuộc, nhiều người đã có cái nhìn thấu đáo hơn và đưa ra những lời khuyên giàu tính từng trải cho “khổ chủ”:

“Đã làm được sếp thì cái đầu người ta không thua bạn đâu. Họ giữ lại người đó vì có lý do hết. Có thể là họ chịu đựng 1 người vớ vẩn để giữ mối quan hệ quan trọng hoặc người đó thực sự có năng lực ở 1 khía cạnh nào đó. Dừng sự sân si của mình lại và tập trung vào công việc đi người mới”.

“Nghe giọng văn, đoán chủ bài đăng cũng là người trẻ, tầm 93, 94 gì đó. Tuổi này nói ít kinh nghiệm cũng không phải mà nhiều thì chưa thật sự nhiều. Vậy nên thay vì tức giận vì những thứ chẳng liên quan đến mình thì hãy tập trung làm tốt công việc đi em”.

“Mình không đánh giá cao bạn khi bạn nói ra những lời này. Tự hỏi cá nhân người đó có làm gì ảnh hưởng đến bạn chưa. Người chỉ chăm chăm soi xét người khác thì không đủ thời gian để tập trung vào việc của mình đâu”.

Tức tối đăng bài mỉa mai đồng nghiệp “nịnh thần”, nàng công sở không được an ủi mà còn bị dân mạng "sửa lưng" - Ảnh 3.

“Nịnh thần” đúng nghĩa thật sự là một dạng “u nhọt” nơi công sở và cần bài trừ. Công bằng mà nói, vinh quang chân chính nhất là vinh quang dành cho những người đi lên từ thực lực cũng như chứng minh được khả năng qua quá trình làm việc.

Những hành động bợ đỡ một cách quá đáng hoặc nịnh nọt và thảo mai chưa bao giờ là thứ được đánh giá cao và ủng hộ ở nơi công sở. Do đó, nếu chị em nào có ý định sẽ đi lên bằng hướng này thì nên cân nhắc để dừng lại đúng lúc, đúng thời điểm.

Còn về phần mình, nếu chị em có vô tình chứng kiến những hành động nịnh nọt, thảo mai một cách quá đáng thì tốt nhất cũng hãy phớt lờ và tập trung làm tốt công việc của mình. Bởi nếu dành quá nhiều thời gian để soi xét, hóa ra chị em cũng vô tình trở thành kẻ ích kỷ, “bò lê đôi mách” nơi công sở chứ chẳng có gì tốt đẹp.

Chưa kể đến việc, quá để ý đến những người đó sẽ dễ khiến chị em nảy sinh những cảm xúc tiêu cực, giết chết tinh thần làm việc trong chớp mắt.

Hãy để những cá nhân “sống lỗi” đó cho cấp trên xử lý. Đứng ở vị thế người dẫn đầu, họ đủ minh mẫn và khôn khéo để biết họ cần gì ở mỗi nhân sự và đâu là điểm dừng cần thiết. Họ còn để những “nịnh thần” tồn tại đồng nghĩa những cá nhân ấy vẫn còn có thể được sử dụng vào những công việc nhất định. Đừng đèo bồng lo phần của sếp, chị em gánh không nổi đâu.

Chia sẻ