Từ vụ nam sinh 16 tuổi, bạn ơi ngẫm xem: "Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố"

NGUYỄN PHƯỢNG,
Chia sẻ

Các bạn trẻ trách bố mẹ không chịu chia sẻ với con. Vậy những lúc khó khăn, ai là người trò chuyện cùng bố mẹ?

Hơn 3 giờ sáng, người ta nhìn thấy một ông bố vẫn đang canh con trai học, thỉnh thoảng lại chen vào vài câu nhắc nhở. Và chỉ trong phút chốc, chàng trai mới lớn đã kết thúc tương lai của mình trong sự gào thét của bố mẹ.

Đến hôm nay, chắc chắn ai trong chúng ta cũng có sự phẫn nộ trong lòng. Bởi nếu có sự chia sẻ, thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái thì sự việc đáng tiếc này sẽ không xảy ra ở gia đình M. và cả những tổ ấm khác trên thế gian này.

Nhưng, cha mẹ đâu phải thánh nhân…

Sẽ chẳng có bạn trẻ nào nhìn được cảnh cha mẹ làm lụng vất vả ngoài đường, dành dụm từng đồng để cho con được đi học.

Từ vụ nam sinh 16 tuổi tự sát, bạn ơi ngẫm xem: Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố - Ảnh 1.

Khoảng cách về thế hệ khiến bố mẹ và các con khó có tiếng nói chung.

Sẽ chẳng có bạn trẻ nào nhìn thấy bố chạy xe ôm, mồ hôi ướt đẫm áo và có giấc ngủ vội trên xe.

Sẽ chẳng có bạn trẻ nào nhìn thấy mẹ đi làm thuê khiến bàn tay chai sạn và bị người ta trách mắng.

Sẽ chẳng có bạn trẻ nào nhìn thấy cảnh bố mẹ đi vay mượn khắp nơi cho đủ tiền đóng viện phí hay nộp tiền học cho kịp thời hạn…

Các bạn trẻ trách bố mẹ không chịu chia sẻ với con. Vậy những lúc khó khăn, ai là người trò chuyện cùng bố mẹ?

Bố mẹ cũng biết buồn và cũng có cái "tôi" của riêng mình. Nhưng khi có con, họ bỏ qua tất cả, chỉ để dốc sức kiếm tiền sao cho cuộc sống của gia đình được ấm no. Và khi đã quá mệt mỏi, mấy ai đã giữ được cho mình một trái tim nóng và một cái đầu lạnh, để thấu hiểu mọi suy nghĩ của các con. Bố mẹ đâu phải chuyên gia tâm lý, họ cũng có nỗi khổ trăm bề.

Vẫn phải nhắc lại hình ảnh ông bố ngồi canh con trai học bài khi đã hơn 3 giờ sáng. Có thể, rất nhiều người sẽ cho rằng hành động này đang quá cực đoan. Nhưng nếu nhìn rộng ra một chút, đó là cả sự kỳ vọng mong muốn con đậu vào trường cấp 3 khi cả xã hội này cũng đang tranh đua từng chút một. Nếu trách, chẳng phải nên trách "nếp sống" đang ăn sâu vào trong suy nghĩ của biết bao phụ huynh và học sinh.

Có chăng, cách hành xử của bố mẹ M. còn chưa khéo léo. Bởi khoảng cách giữa hai thế hệ là quá lớn. Trong thế giới tuổi thơ của bố mẹ, cũng có ai ngồi xuống và nói chuyện với các con đâu.

Bởi vậy, nếu chúng ta thương xót M. bao nhiêu thì bố mẹ của em đang đau khổ, dằn vặt gấp trăm ngàn lần.

Các bạn trẻ đừng vội phán xét người lớn và cũng đừng lấy những câu chuyện buồn này để "học hỏi" hay dùng làm "tấm bình phong" để răn đe tâm lý của bố mẹ. Cái chết chưa bao giờ là sự giải thoát, hãy tự cố cứu vãn chính mình khi còn sống, ấy mới chính là anh hùng.

Tôi rất thích một câu nói giản dị trong bộ phim Reply 1988, khi bố của Duk Sun vụng về giãi bày với cô con gái nhỏ: "Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố". Mỗi chúng ta hiện sinh một lần duy nhất trên đời và gánh tròn trọng trách làm người của mình. 

Thế nên, trên hành trình sinh mệnh đó, thay vì trách cứ, oán giận, kì vọng, gây áp lực… hãy cố công như cách Nam Cao nói “cố tìm mà hiểu họ”, đặt bản thân vào vị trí của đối phương để vĩnh viễn không còn nữa những vết dao xé nát trái tim người ở lại như sự việc đau lòng vừa mới xảy ra. Bởi, người ra đi đã yên một phận đời, còn người ở lại, bao giờ cho vơi nỗi đau đớn tột cùng này. Bạn nhé!

Từ vụ nam sinh 16 tuổi, bạn ơi ngẫm xem: "Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố" - Ảnh 2.

 

Chia sẻ