Từ vụ bé trai lớp 6 tự tử, nhắc lại bức tranh "Lại điểm 2" nổi tiếng 70 năm trước: Đừng để con kiệt sức khi cố làm vừa lòng người lớn

Hạ Uyên,
Chia sẻ

Tối đó, tôi phải mất 2 tiếng ngồi "làm tư tưởng" với con, chỉ để con hiểu nỗ lực và sự cố gắng của con mới là điều bố mẹ quan tâm, và rằng "quá trình" sẽ quan trọng hơn kết quả. Lần đó tôi cũng rút ra được một bài học cho riêng mình.

Có một lần tôi về nhà và thấy Chíp, đứa con gái lớn 9 tuổi của tôi ngồi rầu rĩ trước laptop - khác hẳn với cách con chạy ra đón mẹ mỗi lần đi làm về. Cũng chẳng chuyện gì quá to tát, chỉ là con lỡ làm sai bài toán về tìm cách tính thuận tiện của phép nhân. Bài kiểm tra giữa kỳ hôm ấy đáng lẽ 10 hoặc 9 gì đó thì còn 8 điểm. Tôi bảo con 8 điểm cũng khá tốt rồi, tại sao lại có vẻ buồn lòng đến thế. Câu nói của con khiến tôi giật mình: "Mẹ nói học toàn điểm 9, 10 mới kiếm được nhiều tiền, không thì ra đường bán vé số".

Từ vụ bé trai lớp 6 tự tử nhắc lại bức tranh "Lại điểm 2" nổi tiếng 70 năm trước: Đừng để con kiệt sức khi cố gắng làm vừa lòng người lớn - Ảnh 1.

Câu nói của con khi ấy khiến tôi vô cùng giật mình...

Tôi thậm chí không nhớ mình đã nói câu đó vào hoàn cảnh nào. Dù đôi khi, thú thật, trong đầu tôi vẫn mong con được học sinh giỏi, được điểm cao, để chỉ thỉnh thoảng về quê ngày lễ Tết, hàng xóm hỏi con học ra sao còn có cái mà tự hào. Tôi cũng "tầm thường" thế thôi, như nhiều phụ huynh khác. Nhưng cũng bao nhiêu lần vợ chồng tôi nói với nhau, điểm số ở trường không thể kết luận một đứa trẻ là giỏi hay kém, dặn nhau không vì điểm con thấp mà chì chiết con. Thế nhưng trong một cơn tức giận bột phát nào đấy, có lúc tôi đã lỡ lời, sự lỡ lời tai hại khôn cùng.

Tối đó, tôi phải mất 2 tiếng ngồi "làm tư tưởng" với con, chỉ để con hiểu nỗ lực và sự cố gắng của con mới là điều bố mẹ quan tâm, và rằng "quá trình" sẽ quan trọng hơn kết quả. Lần đó tôi cũng rút ra được một bài học cho riêng mình.

Bức tranh "Lại điểm 2" và câu chuyện về áp lực điểm số

Hôm nay, đọc câu chuyện cậu bé lớp 6 tự tử vì áp lực học tập, tôi thật sự giật mình lo sợ. Có người được cho là hàng xóm kể bé vốn học giỏi, mẹ là giáo viên rất nhẹ nhàng, hoàn toàn không tạo áp lực. Nhưng tối đó, chỉ một bài thi làm không tốt, dù đã được động viên nhưng con không vượt qua được. Khi nhảy xuống, trên màn hình máy tính của con đang mở bài viết về Tự tử học đường...

Dù với lý do gì thì cũng không thể phủ nhận, áp lực học hành, thi cử dù có thể chưa chắc đã là nguyên nhân dẫn đến hành động này nhưng chắc chắn là có. Cũng có thể bé đã có vấn đề về sức khỏe tinh thần từ lâu mà người lớn không nhận ra.

Có 1 bức tranh nổi tiếng của họa sĩ kiêm nhà giáo dục Soviet Fyodor Reshetnikov (Фёдор Павлович Решетников). Ở Nga, "Lại điểm 2" được in vào bìa sách giáo khoa tiểu học, được sử dụng trong chương trình giảng dạy của trường. Nó cũng trở thành kịch bản của các tiểu phẩm hài, phim hoạt hình và các tranh, ảnh, truyện tranh...

Từ vụ bé trai lớp 6 tự tử nhắc lại bức tranh "Lại điểm 2" nổi tiếng 70 năm trước: Đừng để con kiệt sức khi cố gắng làm vừa lòng người lớn - Ảnh 2.

Bức tranh được vẽ từ năm 1952, nhưng dường như nó vẫn không mấy xa lạ trong thời đại hiện nay.

Bức tranh mô tả tâm trạng rầu rĩ của một cậu bé lại bị thêm một điểm 2. Chị của cậu bé, một Đội viên thiếu niên tiền phong nhìn em với vẻ trách móc và cao ngạo. Mẹ cậu ngồi ở ghế buồn rầu thất vọng. Cậu bé, xách chiếc cặp nhàu nát trên tay, nhìn xuống đất đau buồn tuyệt vọng. Chỉ có con chó là vẫn ôm lấy chủ rối rít vui mừng.

Bức tranh được vẽ từ năm 1952, nhưng dường như nó vẫn không mấy xa lạ trong thời đại hiện nay. Ở đâu đó, vẫn có những đứa trẻ chỉ vì điểm số, vì thành tích học tập "không bằng bạn bằng bè" mà phải lạc lõng, cô đơn. Và rất nhiều, rất nhiều các bậc cha mẹ và nhà trường đều đang đánh giá con trẻ bằng điểm số.

Tôi có quen một người chị, trước là giám đốc của một công ty truyền thông - nhỏ thôi, nhưng thu nhập hàng năm đủ cho hai vợ chồng hai đứa con sống thoải mái. Nhưng khi nhận thấy con chỉ học và học, bố mẹ lao vào làm suốt ngày, thời gian gặp con trong ngày chỉ đếm trên đầu 1 bàn tay, chị bỏ phố, lên vùng xa ở Lâm Đồng bắt đầu một cuộc sống mới. Khó khăn nhiều nhưng tụi nhỏ Homeschooling ít áp lực, bố mẹ con cái bên nhau nhiều hơn. Chị bảo mình hài lòng với hiện tại, dù thu nhập từ việc viết lách chỉ bằng 1/10 lúc trước.

Tất nhiên cuộc đời là một chuỗi lựa chọn, không phải ai cũng có điều kiện hay mơ ước bỏ phố về rừng. Nhưng dù ở đâu, tôi tin, chúng ta vẫn có thể sắp xếp một ít thời gian trong ngày để con còn có lúc được chơi với bạn bè, gần gũi với thiên nhiên, giúp gia đình làm việc nhà, đọc sách, tìm hiểu những điều yêu thích. Đó cũng chính là học, và rất cần thiết cho cuộc sống. Đó cũng chính là cách để con giảm áp lực chuyện thi cử, học hành.

Từ vụ bé trai lớp 6 tự tử nhắc lại bức tranh "Lại điểm 2" nổi tiếng 70 năm trước: Đừng để con kiệt sức khi cố gắng làm vừa lòng người lớn - Ảnh 3.

Áp lực trong học tập căn cứ vào điểm số khiến cho học sinh tuyệt vọng phải tự tử không còn là cá biệt. Theo các chuyên gia tâm lý thì độ tuổi mầm non và tuổi vị thành niên là những giai đoạn đặc biệt quan trọng trong việc phát triển cảm xúc, khám phá các mối quan hệ và là nền tảng để hình thành nên nhân cách trẻ sau này. Chính vì vậy mà ở những giai đoạn này trẻ em rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng rất lớn từ những ứng xử của cha mẹ đối với con cái.

Trò chuyện là cách tốt nhất để chữa lành vết thương lòng, giúp con trút bỏ nỗi phiền muộn. Cha mẹ càng kết bạn với con dễ dàng, càng trở thành người mà trẻ tin tưởng, không cảm thấy cô đơn khi trưởng thành. Nên bắt đầu hiểu con bằng những câu chuyện trường, lớp hàng ngày, luôn lắng nghe trẻ nhiều nhất có thể và cho con thấy được sự tin tưởng.

Người ta thường bảo, dù ngoài kia giông gió thì gia đình luôn là nơi trú ẩn bình an. Hãy để con phát triển tự do, thay vì phải kiệt sức khi cố gắng làm vừa lòng người lớn. Hãy cho con biết, dù ngoài kia áp lực ra sao, mệt mỏi thế nào, thì cứ về đây, bố mẹ vẫn chấp nhận yêu thương dù con có điểm thi không như ý, bởi đời người suy cho cùng đâu chỉ gói gọn trong một vài kỳ thi và chuyện thắng thua điểm số lúc này...

Chia sẻ