Từ vụ bạo hành trẻ dã man ở Đà Nẵng: Lắp camera để giám sát cơ sở giáo dục mầm non

HOA LÊ,
Chia sẻ

Đó là kiến nghị của ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) khi trao đổi với báo chí sáng 22.5 về vụ việc nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (tại hẻm 251/32 Thái Thị Bôi, phường Chính Gián, TP Đà Nẵng) có những hành vi bạo hành các cháu nhỏ gây bức xúc trong dư luận vừa qua.

Trước vụ việc bạo hành trẻ em thương tâm này, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em có khuyến nghị cần áp dụng tối đa các biện pháp giám sát từ phía cơ quan quản lý là cơ sở giáo dục đào tạo cũng như giám sát từ phía người dân, cha mẹ để thông báo đến cơ quan chức năng khi có bạo lực xảy ra.

"Dù chỉ là biện pháp tình thế, song lắp camera là công cụ giám sát rất hữu ích. Chúng tôi khuyến nghị ở những thành phố lớn, địa phương có điều kiện nên đưa vào là một trong những tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động cơ sở giáo dục mầm non”, ông Nam nhấn mạnh.

Trước vụ việc này, cần có sự kết hợp giữa cơ ngành giáo dục và ngành lao động thương binh xã hội để triển khai các biện pháp xử lý về mặt luật pháp.

Theo ông Nam, với trách nhiệm ngành, chúng tôi kết nối các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân. Trung tâm Công tác Xã hội Đà Nẵng đã phối hợp cùng phòng Giáo dục và Đào tạo giúp các em áp dụng đúng các biện pháp hỗ trợ theo quy định của Luật Trẻ em.

Trao đổi về tình trạng liên tiếp nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non, ông Đặng Hoa Nam cho biết, để xảy ra tình trạng trên nguyên nhân chủ yếu chất lượng đội ngũ giáo viên, người làm việc trong cơ sở giáo dục đó. Họ phải được đào tạo kỹ lưỡng, phải có kiến thức, kĩ năng trông giữ trẻ như cần sự kiên trì, đức tính yêu thương trẻ, tránh cảm xúc đột biến dẫn đến hành vi phạm tội.

Bạo lực ở trẻ diễn ra phần lớn do những người chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ, kể cả cha mẹ trẻ. Ở đây, sau mỗi cánh cửa gia đình cũng có những hành vi bạo lực trẻ. Để giải quyết tình trạng trên, phải giáo dục những kiến thức, kỹ năng cho những người tiếp xúc với trẻ như đội ngũ giáo viên, anh chị phụ trách, cha mẹ.

Các cơ sở giáo dục mầm non phải rút ra bài học vì nhiều chủ cơ sở mầm non đã phải vướng vòng lao lí, trách nhiệm hình sự khi xảy ra bạo lực trẻ em.

Ông Nam cho rằng, cần khuyến nghị cha mẹ thường xuyên theo dõi con em mình, đặc biệt khi đón trẻ ở trường về cần hỏi han và xem xét cơ thể trẻ có những dấu hiệu bất thường hay không về tâm lý, ngôn ngữ.

Trước đó, vào trưa 21.5, trên Facebook đăng tải clip, cùng nhiều hình ảnh ghi lại cảnh các cháu nhỏ tại nhóm trẻ này bị bạo hành tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (tại hẻm 251/32 Thái Thị Bôi, phường Chính Gián, TP Đà Nẵng) do bà Đinh Thị Hồng (sinh năm 1972) làm chủ cơ sở. Ngay sau đó, UBND phường Chính Gián đã đóng cửa, rút giấy phép hoạt động đối với nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười.

Chia sẻ