Từ vote 1 sao cho AirVisual đến đòi "san bằng" ca sĩ Mỹ mặc áo dài phản cảm: Thóa mạ, tấn công không làm mọi việc tốt đẹp hơn

Thanh Ba,
Chia sẻ

Kacey Musgraves có cố tình xúc phạm quốc phục của chúng ta hay không thì chưa rõ, nhưng phản ứng gay gắt thái quá thay vì góp ý chân thành của dân mạng Việt rõ ràng khiến sự việc đi xa hơn theo chiều hướng không tích cực.

Chạm đến văn hóa là chạm đến “vùng nhạy cảm”

Việc nữ ca sĩ người Mỹ Kacey Musgraves đã lựa chọn trang phục (giống với) áo dài làm đồ biểu diễn nhưng không mặc quần dài mà chỉ có nội y đã gây nên làn sóng bức xúc mạnh mẽ trong cộng đồng. Trong những hình ảnh và video ngắn được chủ nhân giải Grammy khoe trên mạng xã hội, cô uốn éo, tạo dáng khêu gợi, động tác khiêu khích với bộ cánh vừa mặc lên sân khấu. Câu chuyện này nhanh chóng gây chú ý với truyền thông Việt Nam và được bàn tán rầm rộ trên mạng xã hội.

Nhiều người dùng mạng đã mở các cuộc “chiêu mộ đồng đội” để kéo vào trang cá nhân của cô nàng quấy rối kèm hashtag #respectaodai (tôn trọng áo dài), #saysorrytovietnam (hãy xin lỗi Việt Nam), nhưng thay vì những lời giải thích nhẹ nhàng, bình tĩnh để cô ấy hiểu mặc áo dài thế nào mới chuẩn, thì đa phần là những lời chửi bới, thóa mạ nặng nề, có người còn viết bằng tiếng Việt. Nhiều người nổi tiếng trong showbiz Việt cũng bày tỏ sự không hài lòng với ca sĩ Mỹ.

Từ vote 1 sao cho AirVisual đến đòi "san bằng" ca sĩ Mỹ mặc áo dài phản cảm: Thóa mạ, tấn công không làm mọi việc tốt đẹp hơn - Ảnh 1.

Câu chuyện này thực ra không quá mới, nhất là khi “làn sóng châu Á” ở mọi lĩnh vực đang chi phối mạnh mẽ đến xu hướng thẩm mỹ ở phương Tây những năm gần đây, đặc biệt là thời trang. Việc áo dài Việt Nam nằm trong sự lựa chọn của nhiều ngôi sao Hollywood trong những sự kiện cũng không phải hiếm gặp. 

Trước Kacey Musgraves, rapper Saweetie cũng từng mặc áo dài không kèm quần, lộ vòng ba tại lễ trao giải Billboard Music Awards 2019, diễn ra tối 1/5 tại nhà thi đấu MGM Grand Garden ở Las Vegas (Mỹ), thu hút nhiều ngôi sao Hollywood tham dự. Thay vì chọn trang phục nguyên bản, những cô nàng người Mỹ nóng bỏng này đã chọn áo dài kiểu “tinh giản”, chỉ mặc áo mà không có quần, có lẽ để thêm phần gợi cảm.

Sự "tinh giản" này có đẹp hay không còn tùy thẩm mỹ của mỗi người, nhưng rõ ràng những nàng Tây này đã khai thác tính quyến rũ của áo dài Việt bằng cách hở bạo mà không hiểu được rằng, tự thân áo dài đã đủ sexy chính trong sự e ấp, kín đáo và toàn vẹn của nó. Chẳng trách mà dư luận ở Việt Nam nổi đóa đến thế. Quốc phục liên quan đến văn hóa, hình ảnh, tinh thần của một đất nước. Bất kỳ dân tộc nào cũng có lòng tự tôn, tự hào, và khi một ai đó đụng chạm, làm sai lệch văn hóa của đất nước đó, người dân phản ứng là chuyện tất yếu.

Từ vote 1 sao cho AirVisual đến đòi "san bằng" ca sĩ Mỹ mặc áo dài phản cảm: Đừng vin vào điều tốt đẹp để giấu sự hung hãn của đám đông - Ảnh 1.

Rapper Saweetie từng gây tranh cãi vì mặc áo dài không mang quần.

Không chỉ người dân Việt có phản ứng mạnh mẽ khi quốc phục bị mặc sai theo cách hở hang, mà có lẽ người dân của các quốc gia khác cũng sẽ ném đá, tẩy chay bất cứ ai mặc trang phục truyền thống của họ không đúng cách, hoặc nhắc đến tên của quốc phục một cách không đúng đắn. Kim Kardashian có lẽ hiểu điều đó hơn ai hết. Cuối tháng 6 vừa rồi, khi giới thiệu bộ ảnh dòng sản phẩm nội y định dáng mà cô mất 15 năm phát triển, cái tên Kimono được Kim chọn và định đăng ký sở hữu thương hiệu đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ Nhật Bản.

Nhiều người đã nhanh chóng phản đối, trích dẫn sự chiếm đoạt văn hóa, một điều mà cô Kim siêu vòng ba đã bị buộc tội quá nhiều lần trong quá khứ, bởi lẽ, kimono là trang phục truyền thống của phụ nữ Nhật Bản mặc trong các dịp trọng đại như ngày đầu năm mới, lễ trưởng thành, Tết thiếu nhi, tang lễ... Việc đặt tên đó cho đồ nội y là thiếu tôn trọng văn hóa nước này. Kết quả, Kim đã phải xin lỗi công khai và từ bỏ ý định sử dụng tên quốc phục Nhật Bản để đặt cho thương hiệu nội y của mình.

Trở lại với câu chuyện áo dài. Tôi cho rằng, tuyên bố Kacey Musgraves hay Saweetie cố tình phỉ báng trang phục được xem là quốc phục Việt Nam có lẽ hơi chụp mũ, chủ quan. Tôi không bênh họ, tất nhiên, và cũng không cảm thấy tự hào gì khi những người nổi tiếng của xứ cờ hoa đã mặc áo dài theo cách không chuẩn mực như vậy. 

Đúng như cách Ngô Thanh Vân nhận định, việc Kacey mặc áo dài Việt thiếu quần (tạm cho rằng cô ấy không cố ý xúc phạm bản sắc hay làm tổn thương dân tộc chúng ta) cho thấy một sự am hiểu nghèo nàn về bộ trang phục đó. Cái sai rõ ràng nhất của Kacey, và cả Saweetie nữa, là họ muốn được nổi bật, nhưng lại không chịu tìm hiểu văn hóa và hời hợt trong lựa chọn trang phục. 

Beauty blogger nổi tiếng người Mỹ gốc Việt Michelle Phan cũng lên tiếng phản ứng với Kacey, rất đúng trọng tâm và đầy sự cầu thị như thế này: “Đúng là trông cô ấy thật sexy với trang phục này nhưng mọi sự sáng tạo nên tôn trọng giá trị văn hóa truyền thống. Mặc áo dài là điều tuyệt vời. Nhưng bạn nên mặc quần, nếu không trông bạn chẳng khác gì một mớ hỗn độn”, vì việc mặc áo dài theo cách Kacey thì chẳng khác nào đàn ông mặc vest không quần. 

Vin vào một điều tốt đẹp để tấn công kẻ khác, đó là cách ứng xử “bầy đàn”

Với hàng loạt bình luận, hashtag đầy gay gắt mà dân mạng Việt để lại trên trang cá nhân của mình, chắc Kacey đã biết rằng, cô đang “chọc giận” những ai. Việc người dùng mạng thể hiện cảm xúc yêu, ghét, khen, chê, hài lòng hay không hài lòng với Kacey, đó là quyền của họ. Nhưng hình như họ quên rằng, cô ấy cũng có quyền được mặc những gì mình thích? 

Không phải ai cũng hiểu hết văn hóa của một quốc gia khác, và cũng khó để đem chuẩn mực về thuần phong mỹ tục hay quy chuẩn ăn mặc của Việt Nam để áp đặt cho ca sĩ này được. Hình như mặc thế cũng không vi phạm luật Mỹ (?!), nên câu chuyện cô ấy mặc thế đẹp hay xấu, phản cảm hay sexy, mạo phạm hay sáng tạo, đó là vấn đề của quan điểm cá nhân. 

Bạn bày tỏ quan điểm cá nhân của bạn trước một bộ trang phục, đó là quyền của bạn, bạn thấy bức xúc vì áo dài không được mặc đúng cách và muốn quốc phục của mình được tôn trọng là điều đúng đắn, nhưng thóa mạ, mạt sát người khác vì người ta khác mình, đó là một thứ tư duy ấu trĩ. Thế giới này là thế giới tự do, và đừng áp đặt ý kiến của bạn lên người khác, ép họ vào “khuôn khổ” (không chắc là đúng 100%) mà bạn đang theo đuổi, tin tưởng, nhất là ở một lĩnh vực nhạy cảm, nhiều biến động như thời trang.

Từ vote 1 sao cho AirVisual đến đòi "san bằng" ca sĩ Mỹ mặc áo dài phản cảm: Thóa mạ, tấn công không làm mọi việc tốt đẹp hơn - Ảnh 3.

Trước khi phản ứng quá mạnh với người nước ngoài vì họ mặc áo dài không theo giá trị chuẩn mực (mà bạn đã quen), trước khi vội vàng kết tội người ta “làm nhục quốc thể”, có lẽ là chúng ta nên bình tĩnh hỏi một cách lịch sự để biết họ có cố ý không, có hiểu lầm gì không; hoặc là chúng ta cần nhìn lại mình đã thực sự thấu hiểu và truyền bá tới nơi tới chốn về văn hóa áo dài Việt Nam chưa.

Mặt khác, cuộc “tổng tấn công” mà nhiều người nổi tiếng và dân mạng Việt đang nhắm Kacey Musgraves chẳng phải là cách ứng xử rất kém văn minh sao? Có những diễn viên này, KOL nọ còn hăng hái report từng tấm hình, kêu gọi người hâm mộ tẩy chay, kéo qua đánh sập Instagram cô ca sĩ đã xúc phạm quốc phục của Việt Nam. Có cả một hội nhóm đông đảo rủ nhau vào inbox 2 cô gái người Mỹ gốc Việt nổi tiếng trong làng thời trang để “mách”, rủ họ cùng cà khịa, tấn công Kacey chung nữa! 

Để tăng sức nặng, quyền lực cho luận điểm của mình, người ta đã vin vào, đã nhân danh những ý niệm tốt đẹp như “tự tôn dân tộc”, “tôn trọng truyền thống”, “bản sắc”, “bảo vệ văn hóa”... Nhưng trên thực tế, chửi bới người khác không phải là cách tranh luận văn minh và đòi công lý, nó chỉ thể hiện sự bất lực, tự ti và yếu kém về kiến thức. 

Nếu họ am tường về lịch sử hình thành và biến đổi của áo dài, ý nghĩa và sự tinh tế trong thiết kế của áo dài, biết được sự khác biệt giữa áo dài và sườn xám xẻ tà của người Trung Hoa, họ sẽ tranh luận với Kacey trên tinh thần cầu thị và thấu hiểu, chứ không phải hung hãn chửi bới và report cô ấy. Nếu thực sự đấu tranh vì lòng tự tôn dân tộc, người ta sẽ biết cách để thể hiện sự tự tôn ấy bằng cách khôn ngoan, chứ chẳng “truyền tấn công” rào rào mà chẳng có lời giải thích lọt tai nào.

Tương tự thế, nếu ai đó nói ngược luận điểm của đám đông, kẻ đó sẽ chịu tội vạ, sẽ bị coi là người phản lại những giá trị tốt đẹp mà đám đông nhân danh. Cứ thử khen công khai Kacey Musgraves mặc bộ áo dài ấy thật sáng tạo và gợi cảm hoặc bênh cô ấy xem, bạn sẽ bị chửi cho vuốt mặt không kịp ngay, và đám đông cũng không có luận điểm nào ngoài những lời chụp mũ. 

Từ vote 1 sao cho AirVisual đến đòi "san bằng" ca sĩ Mỹ mặc áo dài phản cảm: Thóa mạ, tấn công không làm mọi việc tốt đẹp hơn - Ảnh 4.

Chắc bạn chưa quên chuyện một bộ phận dân mạng Việt, sau mỗi trận cầu của đội tuyển Việt Nam mà có chút “biến” kiểu trọng tài (bị xem là) xử ép Việt Nam, một cầu thủ đội bạn chơi rắn, dùng tiểu xảo hoặc một cầu thủ đội mình bỏ lỡ một cơ hội làm bàn, có một pha xử lý không như ý, trang cá nhân của họ cũng nhanh chóng được lấp đầy bởi những lời hung hãn. 

Hay mới đây nhất, việc một giáo viên dạy hóa học trực tuyến có gần 350.000 người theo dõi trên trang Facebook - đã hô hào báo cáo ứng dụng AirVisual trên Google Play, App Store và Facebook vì “tội” ứng dụng này đưa Hà Nội vào top 1 thành phố ô nhiễm. 

Facebooker này khẳng định AirVisual đang thao túng dữ liệu của mình để bán máy lọc không khí do công ty mẹ IQair sản xuất, cho rằng bảng xếp hạng AirVisual sẽ gây hại cho du lịch đến Việt Nam dù không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho các tuyên bố của mình. Và dù mới nghe hơi nồi chõ, cũng chẳng cần tìm hiểu sự chính xác của thông tin, dân mạng đã hùa nhau đánh giá ứng dụng này 1 sao, khiến nó “bay màu” trong một thời gian ngắn.

Từ việc kêu gọi tẩy chay app AirVisual tới người nổi tiếng Việt đòi “san bằng” cô ca sĩ Mỹ vì mặc áo dài không quần, có thể thấy người ta dễ lộ ra sự bất lực, kém cỏi trong việc tranh luận công bằng, văn minh như thế nào. Và cách duy nhất để tránh bị dắt mũi, đó là sự hiểu biết và nắm thông tin toàn diện. Nếu bạn biết nhiều hơn, bạn có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn cho riêng mình và cách phản biện hợp lý mà không cần dựa vào đám đông. Đó mới là cách chúng ta cần trong thời đại dễ nhiễu loạn thông tin. 

Chia sẻ