Tự tử sau 5 tháng kết hôn vì chồng nhiễm HIV

,
Chia sẻ

Biết mình bị nhiễm HIV từ bạn đời sau 5 tháng kết hôn, người vợ trẻ uống thuốc ngủ tự tử. Không ít bi kịch diễn ra do các cặp vợ chồng không kiểm tra sức khỏe trước khi cưới.

Dù được trang bị các kiến thức về sức khỏe sinh sản, nhiều bạn trẻ hiện vẫn thờ ơ, ngại ngùng hoặc chưa hiểu đầy đủ về vai trò của việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân.

Giấy “bảo lãnh” hạnh phúc

Theo các chuyên gia y tế, có rất nhiều căn bệnh mà việc kết hôn sẽ làm tăng độ nặng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng như bệnh tim, cao huyết áp, lao phổi… Việc khám để phát hiện sớm sẽ giúp hai người chủ động đưa ra các quyết định hợp lý.

Tại điểm xét nghiệm HIV miễn phí trên đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh, TP HCM, từng có trường hợp người vợ xỉu ngay tại chỗ khi kết quả xét nghiệm của hai người đều dương tính với HIV, dù chỉ mới cưới nhau 5 tháng. Người chồng thú nhận, một năm trước khi cưới, anh có quan hệ “ngoài luồng” trong một lần đi nhậu. Người vợ sau đó đã uống thuốc ngủ tự tử và suýt chết vì không chịu nổi cú sốc này. “Nếu được kiểm tra sức khỏe trước khi cưới thì có lẽ bi kịch không xảy ra”, chị Hồng Hoa, chuyên viên của điểm xét nghiệm này, cho biết.
 
Ảnh minh họa.
 
 
Chuyện của chị Hoài Thương, nhân viên kế toán một công ty thương mại dịch vụ ở quận 1, TP HCM, lại khác. Nghe lời khuyên của nhiều người, chị và chồng sắp cưới dắt nhau tới bệnh viện và phát hiện người chồng bị vô sinh. Buồn, nhưng đám cưới vẫn diễn ra sau khi cả hai thống nhất sẽ xin con nuôi. “Kiểm tra hay không thì kết quả cũng thế, nhưng chúng tôi mừng vì có thể nhìn trước và chủ động bàn bạc với nhau kế hoạch cuộc sống để gìn giữ hạnh phúc”, Thương chia sẻ.

Chị Thanh Thúy, hướng dẫn viên một công ty du lịch ở quận Bình Thạnh, có cùng quan điểm: “Rất khó nói trước được điều gì, thì cứ đi kiểm tra cho chắc, để có gì còn chủ động mà xoay xở”. Trước khi cưới, vợ chồng chị đi kiểm tra tổng quát, xét nghiệm HIV và chị hoàn toàn yên tâm khi kết quả của cả hai đều “sạch”.

Thể hiện trách nhiệm với người thân yêu

Việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân là điều bắt buộc đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định rõ: Trong trường hợp nghi ngờ một bên hoặc cả hai mắc bệnh tâm thần không có khả năng nhận thức hành vi của mình, hay đang mắc bệnh hoa liễu, thì đôi bên phải xuất trình giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế cấp huyện. Tuy nhiên, hiện rất nhiều xã, phường bỏ qua chi tiết “nghi ngờ” này.

Theo bà Tô Thị Kim Hoa, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, trong thực tế, nhiều trường hợp sau khi kiểm tra sức khỏe tổng quát, các bác sĩ phải khuyên đương sự tạm dừng ý định kết hôn vì một trong hai người mắc những căn bệnh không đảm bảo cho cuộc sống vợ chồng, sức khỏe của từng cá nhân và việc sinh con. Thời điểm kết hôn sẽ được quyết định sau khi bác sĩ điều trị khỏi bệnh.

Sự thiếu hiểu biết hoặc chủ quan đối với sức khỏe đôi khi để lại một hậu quả khó lường. Những căn bệnh phụ khoa lây lan hoàn toàn có thể điều trị được như bao căn bệnh bình thường khác, nhưng nếu không biết sẽ dẫn đến vô sinh hoặc thai lưu. Thậm chí, ngay cả HIV cũng có thể kiểm soát bằng các biện pháp tình dục an toàn và đối phó với nguy cơ lây từ mẹ sang con. Mỗi năm, Bệnh viện Phụ sản Trung ương có khoảng 100 sản phụ nhiễm HIV và hầu hết không biết điều này trước khi đến bệnh viện khám thai.

“Kiểm tra sức khỏe trước khi cưới là một thái độ có trách nhiệm với bạn đời, với gia đình nhỏ sắp tới của chính mình”, bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm tư vấn Gia đình - Ly hôn (thuộc Trung ương Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam) đúc kết. Nếu kết quả kiểm tra không tốt, sẽ có nhiều tình huống đau lòng, nhưng giải quyết vấn đề trong thế chủ động bao giờ cũng tốt hơn.
 
Theo Báo Đất Việt
Chia sẻ