Từ trường hợp cứu sống sản phụ bị giảm tiểu cầu, bác sĩ đưa ra cảnh báo tới chị em về căn bệnh đặc biệt nguy hiểm

MT,
Chia sẻ

Giảm tiểu cầu là một tình trạng bệnh nặng, dễ gây tai biến vì sản phụ có thể xuất huyết bất kỳ nơi nào và biến chứng nguy hiểm nhất là xuất huyết não - màng não.

Tiên lượng trường hợp giảm tiểu cầu rất nặng, nguy cơ xuất huyết cao

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cứu sống sản phụ nhập viện trong tình trạng tiểu cầu rất thấp, tiền sản giật nặng, có nguy cơ xuất huyết nặng khi sinh, nguy hiểm đến tính mạng cả sản phụ và thai nhi.

Đó là sản phụ Trần Thị Yến, 20 tuổi (Kinh Môn - Hải Dương) nhập viện khi thai được 36 tuần 5 ngày với tình trạng phù toàn thân, huyết áp cao 170/120mmHg, tiểu cầu rất thấp 6g/l (giới hạn của người khỏe mạnh là 150 - 450g/l), tiền sản giật nặng. Các bác sĩ bệnh viện tiên lượng đây là trường hợp rất nặng, nguy cơ xuất huyết cao, có nguy cơ đe dọa tính mạng cho sản phụ và thai nhi. Các bác sĩ đã hội chẩn đưa ra thống nhất điều trị nội khoa cho sản phụ: sử dụng thuốc điều trị huyết áp, giảm tiểu cầu, tiền sản giật. Sản phụ được truyền 4 khối tiểu cầu với mục tiêu đưa ngưỡng tiểu cầu về giới hạn an toàn.

Từ trường hợp cứu sống sản phụ bị giảm tiểu cầu, bác sĩ đưa ra cảnh báo tới chị em căn bệnh đặc biệt nguy hiểm này - Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cứu sống sản phụ nhập viện trong tình trạng tiểu cầu rất thấp, tiền sản giật nặng, có nguy cơ xuất huyết nặng khi sinh, nguy hiểm đến tính mạng cả sản phụ và thai nhi.

BSCKII. Vũ Thị Dung (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, đối với sản phụ có tiểu cầu thấp như sản phụ Yến tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như xuất huyết não, xuất huyết các tạng, xuất huyết tử cung. Vì vậy, để tránh cho sản phụ phải trải qua cuộc phẫu thuật, nguy cơ chảy máu rất cao, các bác sĩ quyết định sẽ điều trị, hỗ trợ để sản phụ sinh bằng phương pháp sinh thường.

Bằng sự theo dõi chặt chẽ và chuẩn bị mọi phương tiện để ứng phó khi có biến chứng xảy ra, sản phụ đã trải qua quá trình sinh thường an toàn, bé trai chào đời với cân nặng 2.300g được chuyển khoa Sơ sinh bệnh viện để theo dõi. Hiện tại sau 4 ngày điều trị, các chỉ số đang dần ổn định: huyết áp 140 mmHg, tiểu cầu 134g/l, trẻ sau sinh sức khỏe ổn định, phát triển tốt.

Giảm tiểu cầu là một tình trạng bệnh nặng dễ gây tai biến ở sản phụ

Theo BSCKII Vũ Thị Dung, giảm tiểu cầu là một tình trạng bệnh nặng, dễ gây tai biến vì sản phụ có thể xuất huyết bất kỳ nơi nào và biến chứng nguy hiểm nhất là xuất huyết não - màng não. Đặc biệt trên sản phụ bị tiền sản giật lại càng nguy hiểm. Do đó, bác sĩ khuyến cáo, đối với phụ nữ mang thai cần được khám thai định kỳ và đúng quy cách, khi phát hiện thai có giảm tiểu cầu, huyết áp cao, biến chứng tiền sản giật cần tuân thủ theo sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Bên cạnh bạch cầu và hồng cầu, tiểu cầu là một loại tế bào vô cùng quan trọng. Tiểu cầu giữ vai trò làm đông máu và ngăn chặn việc xuất huyết vết thương tại vị trí chảy máu trên cơ thể. Bên cạnh đó, tiểu cầu cũng có vai trò bảo vệ thành mao mạch. Khi số lượng tiểu cầu bị giảm thì quá trình đông máu không được thực hiện và gây nên tình trạng xuất huyết. Số lượng tiểu cầu bình thường là 150-450G/l. Nếu số lượng tiểu cầu dưới 150G/l có nghĩa là bị giảm số lượng tiểu cầu và nguy cơ giảm này sẽ gây ra tình trạng xuất huyết khó cầm.

"Đối với phụ nữ mang thai cần được khám thai định kỳ và đúng quy cách, khi phát hiện thai có giảm tiểu cầu, huyết áp cao, biến chứng tiền sản giật cần tuân thủ theo sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra", BSCKII. Vũ Thị Dung khuyến cáo.

Chia sẻ