Từ lúc con 3 tuổi đến khi 18 tuổi, những câu chuyện hàng ngày này là BÀI HỌC đắt giá nhất để rèn luyện một đứa trẻ từng bước "cá chép hóa rồng"

PHAN HIỀN,
Chia sẻ

Đằng sau mỗi đứa con ưu tú là một người mẹ giỏi giang, thông minh, chịu khó.

Giáo sư Li Meijin (Trung Quốc) từng nói: "Việc dạy dỗ con cái tại nhà là một công việc đòi hỏi cả trí tuệ và kỹ năng của người mẹ".

Phần lớn con cái chịu ảnh hưởng giáo dục từ người mẹ. Thông qua những câu chuyện hàng ngày dưới đây, bạn sẽ nhận ra rất nhiều bài học đắt giá trong quá trình nuôi dạy con cái.

cách dạy con của người mẹ - Ảnh 1.

Mẹ dạy tôi rất nhiều bài học đắt giá. (Ảnh minh họa)

---

Lúc 3 tuổi, mẹ đưa tôi đi siêu thị. Tôi muốn mua kem nhưng mẹ nói chỉ được mua 1 cây rồi đi ra chỗ thanh toán tiền chờ trước. Một lúc sau, tôi chạy đến, trên tay cầm 2 cây kem rồi nói: "Mẹ ơi con thích cả 2 cây kem này, mình mua 2 cây được không ạ".

Thế nhưng, mẹ tôi nghiêm nghị nói: "Đến việc chọn ăn cây kem nào con cũng không làm được, vậy thì con đừng ăn nữa".

Sau đó, mẹ bỏ lại 2 cây kem rồi dẫn tôi ra về.

Tôi học được bài học về sự đánh đổi và lựa chọn.

---

Lúc 4 tuổi, mẹ đưa tôi đi tàu điện ngầm, tôi lấy bánh quy ra ăn, làm vương vãi khắp sàn. Lúc đó, mẹ tôi nói: "Khi mới lên tàu điện, mẹ thấy có 1 con sói và 3 con cừu non. Đố con bây giờ còn bao nhiêu con cừu".

Tôi nhanh nhảu trả lời: "Chẳng còn con nào nữa hết vì chúng đều bị sói ăn thịt rồi".

Mẹ lại nói: "Không con à, còn 1 thứ con quên rồi. Đó là trên tàu điện không được phép ăn".

Sau đó, mẹ đưa cho tôi gói khăn giấy và yêu cầu tôi dọn sạch các mẩu vụn bánh quy.

Tôi đã học được bài học về các quy tắc nơi công cộng.

---

Lúc 5 tuổi, mẹ dẫn tôi đi mua trái cây. Tôi nghịch ngợm lấy tay cào vào các quả đào. Về tới nhà, tôi kể lại cho mẹ nghe, mẹ chẳng nói lời nào liền dắt tôi trở lại cửa hàng trái cây.

Sau khi kiểm tra kỹ, đúng là có nhiều quả đào có dấu vết móng tay tôi, mẹ liền nói chuyện với ông chủ và đề nghị mua hết số đào này.

Tôi cảm thấy kỳ lạ, mẹ liền giải thích: "Con phá đào như vậy thì người khác không mua đâu. Vì thế, con phải có trách nhiệm với việc làm của mình. Con không được lãng phí, về nhà phải ăn hết số đào này".

Trong 1 tuần, ngày nào tôi cũng ăn đào đến ngán. Từ đầu đến cuối mẹ chẳng trách móc tôi câu nào. Nhưng tôi nhớ điều đó và học được bài học về sự trung thực và trách nhiệm.

---

Lúc 6 tuổi, tôi rất thích bóng đá nên muốn mẹ mua cho mình 1 quả bóng đá. Thế nhưng, gia đình tôi rất nghèo, sau khi biết mong muốn của tôi, mẹ rất lưỡng lự, cuối cùng vẫn từ chối mua.

Một ngày nọ khi mẹ đi làm về thấy tôi đang chơi 1 quả bóng mới ở nhà. Mẹ hỏi quả bóng này ở đâu ra, tôi nói dối là được hàng xóm cho. Sau nhiều lần tra hỏi, cuối cùng tôi thừa nhận mình đã lấy trộm tiền của mẹ để mua. Tôi còn lẩm bẩm nói: "Có 100 nghìn thôi mà, mẹ thật là keo kiệt".

Mẹ tôi nghe xong thì sững sờ một lúc, không nói được gì, sáng hôm sau bà đưa tôi đến công trường của bố để phụ giúp việc. Sau 3 ngày làm việc, tôi đã khóc rất nhiều vì mệt, cuối cùng bố trả công cho tôi 100 nghìn, bằng giá 1 quả bóng đá.

Khi tôi về đến nhà, mẹ nhìn thấy vậy liền nói: "Con à, khi lớn lên con sẽ biết được 2 điều. Thứ nhất, những thứ mình đặc biệt thích thường rất đắt. Thứ 2, tiền kiếm được không dễ, con cần phải dựa vào năng lực của bản thân để kiếm".

Tôi nghe xong liền tự nhủ, sau này mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để có tiền mua được thứ mình thích.

---

Lúc 7 tuổi, tôi luôn chậm chạp hơn các bạn trong lớp và thường xuyên bị giáo viên phê bình. Về đến nhà, tôi buồn bã hỏi mẹ: "Mẹ ơi, con ngốc lắm à".

Mẹ lắc đầu và trả lời: "Con có biết không, cuộc sống này như nước sôi vậy đó. Nếu là nồi nhỏ thì nước sôi nhanh, nồi to thì sẽ sôi chậm. Sự chậm chạp nhất thời không có ý nghĩa gì cả, con chắc chắn sẽ làm tốt hơn trong tương lai".

Tôi nghe xong liền lau nước mắt, nghiêm mặt gật đầu. Sau đó, tôi không nghi ngờ bản thân nữa, bắt đầu cố gắng hơn, cuối cùng kết quả cải thiện đáng kể.

---

Lúc 10 tuổi, tôi bị thầy giáo nghi ngờ gian lận trong kỳ thi. Tôi một mực phủ nhận điều đó, thầy giáo tức giận mời phụ huynh đến trường.

Sau khi tan sở, mẹ tôi liền vội vàng đến trường, thay vì vội vàng xin lỗi giáo viên, bà bước đến chỗ tôi, xoa đầu rồi nhẹ nhàng hỏi: "Con hãy nhìn vào mắt mẹ và nói cho mẹ biết, con có gian lận không".

Tôi lau nước mắt rồi nói: "Mẹ ơi, con thực sự không có".

Mẹ gật đầu và đối mặt với giáo viên: "Thưa thầy, tôi tin những gì con mình nói. Nó nói không gian lận thì thực sự không gian lận. Tôi sẽ nghiêm túc phê bình nó về việc trò chuyện trong giờ kiểm tra. Nếu không có gì khác, tôi xin phép đón con về".

Nói xong, mẹ cúi đầu chào thầy giáo rồi dẫn tôi về. Trên đường về, tôi nắm chặt tay mẹ rồi nói: "Mẹ ơi, cảm ơn mẹ đã tin tưởng con. Sau này con nhất định sẽ chú ý hơn, không làm mẹ thất vọng nữa".

Sau đó, tôi bắt đầu làm việc gì cũng cẩn thận và tự giác hơn, tất cả bắt nguồn từ sự tin tưởng vô điều kiện của mẹ mình.

---

Lúc 12 tuổi, điểm số của tôi ngày càng cao nên trong tâm trí lúc nào cũng bị ám ảnh bởi sự thắng thua. Vào đêm trước một kỳ thi, tôi đi lại bồn chồn trong phòng khách. Tôi hỏi mẹ: "Mẹ ơi, nếu con trượt thì sao hả mẹ".

Mẹ: "Mẹ sẽ đãi con pizza nếu con không lọt vào top 10".

Tôi: "Tại sao hả mẹ".

Mẹ: "Mừng con học được sự thất bại và có một trải nghiệm mới".

Nghe mẹ nói vậy, tôi thẫn thờ nhưng tâm lý nhẹ nhõm đi rất nhiều. Sau đó, tôi thi rất tốt. Cũng từ đây, tôi nhận ra không có gì gọi là thất bại, tất cả đều là những kinh nghiệm sống quý giá.

---

Lúc 13 tuổi, tôi ngạc nhiên khi thấy mẹ không dọn phòng, không giặt quần áo cho mình nữa, thậm chí còn cố tình để đôi giày bẩn của tôi lên bồn rửa mặt.

Có lần tôi đi chơi về muộn, thấy nhà chẳng còn đồ ăn liền gọi mẹ nấu. Thế nhưng mẹ trả lời: "Mẹ cũng rất mệt. Mẹ cũng đi làm cả ngày, tại sao phải nấu cho con ăn bây giờ".

Tôi chẳng biết nói gì nữa nên từ đó bắt đầu tự học nấu ăn. Trong suốt kỳ nghỉ hè, tôi đã tự học nấu được hơn chục món ăn, ngày càng chăm chỉ và tự lập hơn. Tôi cũng nhận ra mẹ đã hy sinh cho mình nhiều như thế nào.

---

Lúc 18 tuổi, tôi bước vào thời điểm quan trọng thi đại học. Phong độ học tập của tôi vốn dĩ tốt từ trước đến nay nên không có gì quá lo lắng. Buổi tối, cả nhà cùng nhau nghiên cứu tìm trường, tìm ngành cho tôi.

Mẹ: "Mẹ thấy cứ học ngành tài chính, trường top là tốt nhất, vừa gần nhà vừa sau này dễ tìm việc hơn".

Bố: "Bố lại thấy trường kia tốt hơn".

Tôi: "Không, con thích trường này cơ, vừa có ngành con muốn học, vừa gần trường đại học của bạn gái con nữa".

3 người, mỗi người mỗi ý, cuối cùng mẹ nói: "Gia đình mình dân chủ, con cứ làm theo ý muốn của con đi. Bố mẹ sẽ tôn trọng con".

Ngày tôi nhận giấy báo nhập học, tôi nhìn mẹ mà bất giác nước mắt chảy dài: "Mẹ ơi, cảm ơn mẹ rất nhiều. Nếu không có sự hướng dẫn của mẹ trong suốt nhiều năm như vậy, có lẽ con không có được thành quả như hôm nay".

Chia sẻ