Từ chuyện cậu bé 13 tuổi đạp xe 103km để thăm em: Hãy dạy con rằng lòng can đảm rất khác sự liều lĩnh

Linh Phan,
Chia sẻ

Nếu bố mẹ thực sự muốn con trưởng thành và mạnh mẽ hơn, chỉ có cách dạy con về lòng can đảm. Nhưng lòng can đảm và sự liều lĩnh đôi khi rất dễ bị nhầm lẫn với nhau.

Câu chuyện cậu bé 13 tuổi Vì Quyết Chiến một mình đạp 103km, trên chiếc xe không phanh từ Sơn La về Hà Nội để thăm em đã trôi qua gần 1 tuần, nhưng đến giờ, nó vẫn là câu chuyện nóng hổi, được nhiều người quan tâm và chia dư luận làm 2 phe: khen em can đảm và chê em liều lĩnh.

Một mình đạp xe 100km trong đêm với chiếc xe không phanh và không được trang bị nhiều kỹ năng xã hội. Liệu cậu bé 13 tuổi Vì Quyết Chiến giàu lòng trắc ẩn có đang làm một việc được gọi là "can đảm", hay đó là sự liều lĩnh và non nớt của một em bé vị thành niên?

Câu chuyện của Chiến là một bài học đáng nhớ với không chỉ riêng em và gia đình, với những em bé đồng niên khác, mà đặc biệt ý nghĩa với những ai đang làm cha mẹ. Làm thế nào để con hiểu về lòng can đảm, mà không nhầm lẫn với sự liều lĩnh?

Giải thích với con về sự can đảm là vô cùng quan trọng

Đối với trẻ em, một trong những điều quan trọng nhất để biết và hiểu đúng về sự dũng cảm hay can đảm đó là: dũng cảm không phải là mình trông dũng cảm hay làm những việc liều lĩnh bất chấp nguy hiểm nghiêm trọng cho bản thân hay người khác.

Từ chuyện cậu bé 13 tuổi đạp xe 103 km để thăm em: Hãy dạy con rằng lòng can đảm rất khác sự liều lĩnh - Ảnh 1.

Vậy can đảm là gì? Có phải là đặt cuộc sống của chúng ta vào nguy hiểm để bảo vệ người khác? Có phải là làm những điều đúng đắn ngay cả khi nó làm tổn thương người mà ta yêu? Hay là liều mình để đạt được điều mình mong muốn, bất chấp cả sự nguy hiểm cho bản thân và người khác?

Nhìn bề ngoài, sự dũng cảm thường thật sự ấn tượng, mạnh mẽ, đáng khâm phục. Đôi khi nó có thể là có cả chút liều lĩnh và sự ly kỳ, gay cấn. Bên trong, thực ra nó có thể là cảm giác đáng sợ và khó đoán. Can đảm có thể là một "kẻ lừa gạt" như thế, đôi khi những gì nhìn thấy rất khác với mong đợi thật sự từ bên trong. Đơn giản bởi vì sự can đảm và sợ hãi luôn tồn tại cùng nhau, song hành bên nhau. Nếu không có sự sợ hãi, thì đương nhiên, không cần can đảm.

Sự can đảm không phải là ngủ dậy một đêm sẽ thấy trong người. Can đảm, với trẻ em mà nói, đôi khi chỉ cần là tử tế với một ai đó, thử nghiệm một thứ gì đó mới hay nói lên điều mà con tin tưởng.

Sự can đảm, không đồng nghĩa với liều lĩnh

Đôi khi sự can đảm lại nằm sau vỏ bọc của những hành vi có chút bạo lực, thậm chí liều lĩnh đáng sợ. Khi điều này xảy ra, hãy củng cố với con về lòng can đảm nhưng cần dạy con thay đổi hành vi. "Mẹ thích cách con lên tiếng để bảo vệ cho việc làm đúng, phải cần can đảm để làm điều này. Nhưng, mình không cần phải hét to/nạt nộ người khác như vậy con ạ".

Trong trường hợp của Chiến, sự can đảm là có thật. Đáng tiếc một chút là nó lại được thể hiện một cách thái quá, bởi hành vi tự mình đạp xe trong đêm, không lương thực - kinh nghiệm hay những lường trước sự nguy hiểm, là một sự liều mình thực sự.

Từ chuyện cậu bé 13 tuổi đạp xe 103 km để thăm em: Hãy dạy con rằng lòng can đảm rất khác sự liều lĩnh - Ảnh 2.

Nếu giải thích cho con với câu chuyện này, bạn có thể phân tích "Mẹ nghĩ mẹ Chiến sẽ rất tự hào vì sự can đảm của bạn ấy. Tuy nhiên, mẹ không đồng tình với cách mà Chiến đã làm là tự đạp xe một mình đi mà không cho bố mẹ hay người thân biết. Con nghĩ là Chiến có thể sẽ gặp những nguy hiểm thế nào khi bạn ấy đi một mình như vậy? Nếu là con, con sẽ làm thế nào?".

Hãy hướng con tập trung chú ý vào những điều con cảm thấy đúng hoặc sai. Đôi khi điều này cho phép con từ bỏ nhu cầu biện minh hoặc giải thích tại sao con cảm thấy đúng/sai với những việc con làm. Khi con bình tĩnh, trái tim cảm thấy thế nào. Trái tim con có cảm giác gì về những việc con nên làm không? Hãy để cho những đúa trẻ biết rằng dù con có sợ hãi tới mức nào, con cũng sẽ luôn dũng cảm hơn con nghĩ.

Dũng cảm có thể là một suy nghĩ, một cảm giác hay một hành động. Con có thể dũng cảm ngay cả khi con không nghĩ về nó. Nếu con không cảm thấy can đảm, hoặc tin rằng mình can đảm, con chỉ cần hành động như thể là mình rất dũng cảm. Khi đó, cơ thể và bộ não của con đã giành chiến thắng. Điều này có lẽ cũng đúng với Chiến, bởi em đã không sợ hãi mà thực hiện điều em cho là đúng. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là "sự sợ hãi" của em sở dĩ có thể giảm bớt đi nhiều do em chưa có nhiều trải nghiệm và nhận thức đủ về chuyến hành trình "không tưởng" của mình.

Ngoài ra, bố mẹ hãy khuyến khích cảm giác phiêu lưu nơi con. Trong chuyến phiêu lưu đó, con học được cách sống, suy nghĩ và làm mới. Cho dù đó là một bước ngoặt mới, thử một loại thức ăn mới, làm điều con chưa từng làm thì đó đều là một phần của việc khám phá năng lực của bản thân và đó chính là nhiên liệu cho lòng dũng cảm. "Chuyến phiêu lưu" của Vì Quyết Chiến, sẽ thật tốt nếu như em làm việc này cùng với người lớn, nhất là trong những lần đầu tiên.

Vậy làm thế nào để xây dựng lòng can đảm một cách đúng đắn ở con trẻ?

Người lớn chúng ta luôn thích sự an toàn. Không muốn con gặp cản trở, không muốn con phải xấu hổ hay trên cơ thể chúng mỗi khi đi học về không có vết bầm tím nào cả. Sự an toàn có thể là hoàn hảo ở một thời điểm nào đó, nhưng sự phát triển và giúp con trưởng thành sẽ xảy ra thực sự khi chúng ta chịu "buông tay", dù chỉ trong vài giây.

Hãy thường xuyên nói với con về sự can đảm: "Hôm nay mình thử máu và con rất đau, nhưng con đã rất dũng cảm đấy" hay "Mẹ rất bất ngờ vì hôm nay con đã dám thử chơi trò chơi này, dù trước đấy con không thích". Nếu con bạn đang ở độ tuổi của em bé Vì Quyết Chiến, bạn hoàn toàn có thể cùng con đọc và giải thích với con về sự can đảm trong câu chuyện này.

Hãy cùng con thử cái gì đó mới, giúp con tiếp xúc với những khía cạnh khác của thể chất và cảm xúc qua các môn nghệ thuật, thể thao. Những thứ này sẽ giúp nuôi dưỡng trái tim, tâm hồn con và giúp con đối phó, nhanh nhạy trong các tình huống cuộc sống của con hiện tại và cả sau này. Hãy nhớ về những câu chuyện về bắt nạt trong trường học xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây ở Việt Nam.

Hãy trở thành tấm gương cho con. Hãy chia sẻ những lần bạn lo lắng, những lần bạn làm sai, những lần từ chối, sợ hãi, kiệt sức, buồn bã… và bạn đã vượt qua nó như thế nào. Nói về những ý tưởng có chút mạo hiểm, những lần bạn đã làm khác đi, những lần bạn đã làm được việc lớn lao… để con cảm thấy rằng sự dũng cảm của cha mẹ, cũng ở trong con.

Dám đẩy con vào những thử thách nhưng phải phù hợp với lứa tuổi và nhận thức. Bạn hãy trao cho con cơ hội mạo hiểm, hay thực hiện những hành động có tính rủi ro trong môi trường an toàn. Như vậy con vẫn được đẩy ra khỏi vùng an toàn và thoải mái của chúng, đủ để khiến con cảm thấy mình đang làm điều gì dũng cảm.

Từ chuyện cậu bé 13 tuổi đạp xe 103 km để thăm em: Hãy dạy con rằng lòng can đảm rất khác sự liều lĩnh - Ảnh 3.

Gever Tylley trong Ted Talk đã từng chia sẻ về 50 điều nguy hiểm mà bạn để con làm, cung cấp các cơ hội để con tương tác với thế giới, như là khuyến khích con tham gia vào thiên nhiên, học các kỹ năng sinh tồn… không chỉ dạy con trở nên can đảm, mà còn mang tới cho con sự tò mò, tự tin và tự lập. Nói với con về những nguy hiểm rình rập trong các tình huống, nhất là những em bé vị thành niên, nhưng không can thiệp quá sâu vào quyết định của con, trừ phi nó ảnh hưởng tới sức khoẻ và tính mạng của con.

Sự thật là không ai trong chúng ta được sinh ra với gen thành công hay hạnh phúc. Có nhiều thứ giúp một người thành công và hạnh phúc và một trong số đó, có thể được coi là mạnh mẽ nhất: sự CAN ĐẢM. Ở một góc nhìn dễ dãi, sự can đảm của Chiến đã giúp em thành công và cả hạnh phúc (vì đã làm được điều em muốn).

Nhưng ở góc độ giáo dục và sự an toàn của trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, nghiêm túc mà nói, nó là một câu chuyện đáng suy ngẫm cho những ai đang làm cha mẹ: hãy giúp con lớn lên và tự lập nhờ sự can đảm nhưng với các kiến thức thực tế và cùng con trải nghiệm, thay vì chỉ "buông tay" mà để con làm mọi thứ theo bản năng.

Chia sẻ