Từ chối cho con tiêm vắc xin, cha mẹ ở nhiều quốc gia bị phạt nặng, trẻ chưa tiêm chủng có thể bị đình chỉ học
Nhiều quốc gia trên thế giới có những quy định rất chặt chẽ và thậm chí phạt đối với những cha mẹ không đưa con tiêm vắc xin đầy đủ cho con.
Không cho trẻ đến trường
Vắc xin là thành tựu y học quan trọng. Nó giúp kiểm soát dịch bệnh, phòng bệnh cho con người. Thấy rõ được tầm quan trọng của tiêm vắc xin, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra quy định về việc tiêm vắc xin nhằm bảo vệ sức khỏe của từng người dân và cả cộng đồng.
Mới đây nhất, Italia đã ban hành đạo luật có tên là Lorenzin. Theo đó, những trẻ em dưới 6 tuổi không tiêm vắc xin sẽ không được đến trường. Phán quyết này được đưa ra sau khi quốc gia này kết thúc nhiều tháng tranh luận trên bình diện quốc gia về vấn đề tiêm chủng bắt buộc.
Đạo luật này đưa ra sau khi số bệnh nhân mắc sởi tăng đột biến ở Italia. Phụ huynh có thể bị phạt 500 Euro (13,1 triệu đồng) nếu họ cho con từ 6-16 tuổi đi học mà không tiêm vắc xin đầy đủ cho con, còn trẻ dưới 6 tuổi sẽ không được đi học mầm non khi cha mẹ không tuân thủ điều này.
Nhiều nước có thể phạt cha mẹ nếu không tiêm vắc xin đầy đủ cho con.
Theo CNN, tất cả các bang ở Mỹ yêu cầu trẻ em không đến trường bao gồm cả trường mầm non nếu không được tiêm chủng.
Tại Pháp, từ năm 2018, việc tiêm 11 loại vắc xin cho trẻ nhỏ là bắt buộc. Ba loại vắc-xin: bạch hầu, uốn ván và bại liệt đã bắt buộc từ trước, nhưng từ năm 2018 có thêm 8 loại vắc xin phòng: ho gà, sởi, quai bị, rubella, gan B, cúm, viêm phổi và viêm màng não C đưa vào diện bắt buộc phải tiêm.
Phạt tiền trực tiếp với cha mẹ
Còn tại Slovenia cũng có luật chống bệnh truyền nhiễm với các khoản phạt tiền nếu không thực hiện đúng. Theo đó, mỗi trẻ em không được tiêm chủng thì phụ huynh bị phạt từ 41 Euro đến 417 Euro (tức 1 triệu đồng - 10 triệu đồng).
Theo đạo luật Thanh tra, không tuân thủ lệnh của các thanh tra viên - những người thuộc chương trình tiêm chủng sẽ bị phạt 500 Euro (tức 13,1 triệu đồng). Còn theo đạo luật thủ tục hành chính, cha mẹ sẽ bị phạt 200 Euro (5,2 triệu đồng) nếu vắng mặt vô lý, không trả lời lời mời của thanh tra y tế.
Có 9 loại vắc xin bắt buộc phải tiêm chủng ở Slovenia gồm bạch hầu (từ 3 tháng tuổi trở lên), viêm gan B (5 tuổi đến 6 tuổi), sởi (12 tháng tuổi), quai bị (12 tháng tuổi), ho gà (3 tháng tuổi trở lên), bại liệt (3 tháng tuổi trở lên), rubbela (12 tháng tuổi), uốn ván (3 tháng tuổi trở lên), vắc xin Hib (3 tháng tuổi trở lên).
Vắc xin là thành quả nghiên cứu lâu dài của các nhà khoa học.
Năm 2017, tờ Independent đưa tin, Australia đã tăng cường chính sách "No Jab, No Pay" (có nghĩa không thanh toán các khoản an sinh xã hội) bằng cách ban hành thêm các khoản phạt về tài chính với cha mẹ không tiêm chủng cho con.
Theo đó, phụ huynh sẽ mất 28 đô la Úc (tức 460.000 đồng) trong khoản trợ cấp thuế gia đình phần A với mỗi đứa trẻ không được tiêm chủng. Trước đây, các bậc cha mẹ có con không được tiêm vắc xin sẽ mất khoản trợ cấp thuế gia đình cuối năm trị giá 737 đô la Úc (tức 12,1 triệu đồng).
Tháng 8/2018, nghị sĩ Sefer Aycan ở Thổ Nhĩ Kỹ đã soạn dự thảo luật trong đó đề nghị án tù 6 tháng đê 2 năm với phụ huynh hoặc người giám hộ không đưa con đi tiêm chủng. Vị này cho rằng nhiều người không tiêm vắc xin cho con do những tin đồn sai sự thật về hậu quả của vắc xin.
Bản thân nghị sĩ này hi vọng dự luật được thông qua giúp cảnh báo với các phụ huynh và nâng cao trách nhiệm của cha mẹ với sức khỏe của con cái.
Để có được các loại vắc xin tiêm chủng phòng bệnh như các nước trên thế giới đang sử dụng như hiên nay, các nhà nghiên cứu đã phải đổ công sức rất nhiều suốt nhiều năm trời. Vậy nhưng thời gian qua có những bà mẹ đọc theo những thông tin vô căn cứ, đồn đại thất thiệt trên mạng xã hội theo kiểu "anti vắc xin". Vậy nhưng, họ đâu có hiểu rằng điều đó đang tước đoạt đi cơ hội phòng bệnh cho con và khi trẻ mắc bệnh thì ai là người lãnh hậu quả đầu tiền?
(Tổng hợp)