Từ “Ẩm thực mẹ làm”: 6 bài học để thành công mà dân công sở nào cũng nên biết

Phong Linh - Design: Jordy,
Chia sẻ

Cứ nghĩ cô Dương Thị Cường “Ẩm thực mẹ làm” chỉ giỏi nấu những món ăn gợi nhớ đến ấu thơ. Nhưng hóa ra, xoay quanh chuyện làm clip của cô lại có thể dạy cho dân công sở nhiều bài học truyền cảm hứng.

    1. Kiên định với lựa chọn của mình, không bị chi phối bởi người xung quanh

Khái niệm "mẹ đơn thân" mới trở nên quen thuộc hơn trong vài năm trở lại đây, để chỉ những phụ nữ nuôi con một mình mà không có chồng hoặc chia tay chồng nhưng giành được quyền nuôi con. Nếu như trường hợp thứ hai thường được thông cảm thì những người mẹ đơn thân ở trường hợp thứ nhất nhiều khi phải đối diện với rất nhiều áp lực, từ những lời ong tiếng ve chuyện "không chồng mà chửa", đánh giá về nhân cách cũng như áp lực về kinh tế, về cách nuôi dạy con trong gia đình khuyết.

Youtuber ẩm thực mẹ làm - AF - Sơn Tùng 6

Dương Thị Cường là một bà mẹ đơn thân thuộc trường hợp thứ nhất. Ở thời điểm cách đây hơn 23 năm và tại vùng nông thôn thuần túy như nơi cô ở, làm mẹ đơn thân là một lựa chọn cực kỳ dũng cảm. Cô đã chống lại cả thế giới xung quanh mình, đối chọi với những tiếng xì xầm từ những người sống cùng cộng đồng mình, và với cả sự cáu giận, phản đối dữ dội từ mẹ mình.

Cô đã chọn bản năng làm mẹ, chọn con trai mình trong một sự kiên định mạnh mẽ, thậm chí là lì lợm. Cô chọn cách "cứ im lặng mà sống, mà làm việc, mà vươn lên để không ai khinh được mình" mà không trốn chạy, không lánh đi nơi khác.

Artboard 1

Đó là sự kiên định của người mẹ đã chọn một cuộc sống áp lực và buồn, để đổi lấy ánh sáng hạnh phúc vào tuổi trung niên, thay vì để đời trôi nhàn nhạt không điểm nhấn, 32 hay 52 cũng như nhau, chỉ già đi và không có thêm thành tựu.

Nhìn vào môi trường công sở, vào việc một người lựa chọn sự nghiệp của mình, có lẽ ai cũng cần một sự kiên định như thế để thành công, đặc biệt là khi con đường chúng ta chọn hơi nghịch dị một chút với đám đông.

    2. Độc lập, không cần dựa dẫm

Sau khi có con, cô Cường không cần thêm một bóng dáng đàn ông nào xuất hiện thực sự bên đời mình. Đưa ra quan điểm về những người mẹ đơn thân, người đồng sáng lập kênh "Ẩm thực mẹ làm" nhấn mạnh, việc họ nên làm đó là vững vàng sống một mình, sống độc lập không cần dựa dẫm vào ai.

Ở nhà mình, một tay cô Cường quán xuyến việc nhỏ, việc to, xếp đặt công việc khoa học, giờ nào việc đấy, làm đâu gọn đấy và xử lý một khối lượng công việc khổng lồ từ đồng áng, chăn nuôi đến chăm chút gia đình.

Artboard 1 copy

Đó cũng là một bài học quý giá mà dân công sở cũng có thể áp dụng cho công việc, sự nghiệp của mình. Chẳng phải làm việc độc lập, quản lý quỹ thời gian để đảm bảo chu toàn công việc và hoàn thành đúng hạn từng phần việc là những kỹ năng cần có của dân văn phòng hay sao?

    3. Làm việc mình yêu, yêu việc mình làm

Người đàn bà nông thôn ấy cả đời quanh quẩn với ruộng vườn đất đai vất vả, nhưng trong một niềm say mê bất tận. Trò chuyện với cô, bạn sẽ thấy những câu chuyện cô kể chỉ xoay quanh đồng áng, nào là việc với 5, 6 sào ruộng, cô trồng lúa, hoa màu, đỗ lạc mỗi thứ một tí; chuyện đậu nành nhà cô năm nay có 2 màu, do thu hái ở 2 thời điểm khác nhau, loại chín khô ở đồng có màu tím thẫm, loại thu hoạch đúng độ nó xanh nhạt.

Rồi chuyện con lợn nái vừa sinh con, cô phải nấu cám ngày 2 bữa cho ăn chứ ăn cám chua là con nó bú vào bị đau bụng; nào là chuyện cây sung trong vườn trồng từ bao giờ, cây na ở sau bếp năm vừa rồi bói bao nhiêu quả… Cô làm nông trong một tâm thế hiểu và yêu công việc, của mình, vì đó là việc cô giỏi nhất, yêu thích nhất.

Artboard 1 copy 2

Còn khi làm Youtube, một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, cô cũng nhiệt tình và trong sáng với nó tương tự. Cô yêu việc con trai quay lại hình ảnh mình và đồng áng để chia sẻ với thế giới.

Nếu ở công sở, ai cũng có tâm thế làm việc mình yêu và yêu công việc mình đang làm, hoặc chí ít là được một trong hai tiêu chí đó, chẳng phải việc kiếm tiền sẽ đỡ căng thẳng hơn sao? Vì mỗi ngày đều làm công việc mình chọn và yêu thích, mỗi ngày đều yêu hơn việc mình đang làm, bạn sẽ nhìn nó như một cuộc khám phá và dạo chơi, chứ không còn là một cuộc chiến của KPI, deadline nữa.

    4. Bước ra khỏi vùng an toàn, không ngại thử cái mới

Cách đây 4 tháng, cô Dương Thị Cường vẫn là một người mẹ "vô danh" với cộng đồng mạng. Thời đại 4.0 vẫn là một khái niệm có đôi chút xa lạ với cô. Ngay cả khi con trai gợi ý chuyện làm kênh Youtube, cô Cường, cũng như phần lớn chúng ta, phản ứng theo kiểu: Thôi nào, cuộc sống hiện tại đã quá ổn rồi, tôi chẳng hiểu biết gì mà làm, và công việc hiện tại cũng đã đủ bận, chẳng có thời gian đâu mà lo thêm việc khác.

Hãy nghĩ mà xem, khi được giao cải cách, nghĩ thêm ý tưởng mới để phát triển công ty, được phân công dự án mới, làm việc với sếp mới, khi một team mới tham gia cùng với đội nhóm cũ, chẳng phải chúng ta luôn phản ứng như vậy sao?

Artboard 1 copy 4

Ở trong vùng an toàn quá lâu, đã có thành tựu với công việc quen thuộc, chẳng ai muốn mua dây buộc mình để làm thêm cái mới mà ta chưa hiểu. Nhưng nếu không mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn đó, thử một cái mới (dù có thể chưa chắc có thành công), ta sẽ không thể khác, đúng chứ?

    5. Tin tưởng vào cộng sự

Với lĩnh vực mới, con trai Đồng Văn Hùng là cộng sự của cô Cường. Đó hẳn là một cộng sự khó tính và có chiến lược thì kênh Youtube của hai mẹ con mới tạo ra dấu ấn như hiện tại. Cô Cường "thú nhận", đã có lúc cô bảo rằng, nếu mình có lúc đã nghĩ đến kiểu làm clip đơn giản thay cho việc mình cứ tỉ mẩn từng li từng tí - mỗi cảnh ngày mùa mà quay từ lúc kéo xe đi, gặt lúa, bó lúa, gánh gồng, kéo xe về rồi đập lúa, lâu ơi là lâu!

Nhưng Hùng gạt đi ngay. Cậu bảo mẹ đừng bắt chước ai cả, người ta có định hướng của người ta, mình làm kiểu của mình, kể câu chuyện của mình. Trước nhất, Hùng muốn mẹ vẫn giữ được cuộc sống bình thường, nhịp điệu và câu chuyện bình dị thường ngày, chỉ khác là xưa làm một mình, nay có con trai đi theo ghi hình, vậy thôi.

Artboard 1 copy 3-2

Dân công sở ai cũng cần một cộng sự tỉnh táo như thế - một cộng sự kéo chúng ta khỏi cám dỗ của việc bắt chước người khác, thay vì nhìn vào chính mình để thấu hiểu mình. Và dân công sở cũng cần học cách tin tưởng cộng sự của mình, trong một dự án chung, để đảm bảo nó được xử lý trôi chảy, linh hoạt nhưng vẫn bám sát định hướng đã vạch ra.

    6. Cởi mở với thế giới nhưng luôn giữ bản sắc của mình

Bài học cuối cùng mà tôi tin rằng ai cũng nên rút ra từ cuộc đời người mẹ này, đó là học cách hòa nhập và bảo tồn. Giữa thời thế giới đang rút dần khoảng cách, việc cởi mở đón nhận thành tựu của nó, như cách hai mẹ con cô Cường gia nhập Youtube là điều cần thiết, giống như chúng ta nên cởi mở với sếp mới, dự án mới, công nghệ mới để có thành tựu mới.

Artboard 1 copy 5

Nhưng một điều quan trọng chẳng kém là phải bảo tồn nhịp điệu của mình, giữ cho mình sự vững vàng trước cơn sóng mới đầy áp lực cũng như cám dỗ. Cô Cường tâm sự, khi "Ẩm thực mẹ làm" gây chú ý, bên cạnh sự thích thú của truyền thông cũng là những khen chê và cả những "đơn đặt hàng" của khán giả. Bên cạnh đó, như Hùng tiết lộ, nhiều mối quảng cáo cũng muốn tiếp cận cậu để xuất hiện trong các video tiếp theo. Nhưng cả hai mẹ con, cho đến giờ, vẫn muốn giữ nhịp điệu và định hướng riêng của mình.

Bạn cởi mở với thế giới, nhưng đừng đánh mất mình, đừng quên cốt lõi con người mình. Có thế, bạn mới giữ được tình yêu với công việc, đúng như bài học làm việc mình yêu, yêu việc mình làm ở trên được!

Chia sẻ