Truyền nhân nghề làm ô giấy dầu: Biến vật che mưa thành tác phẩm nghệ thuật vươn tầm quốc tế, đưa nét đẹp cổ trang tinh túy vào thẩm mỹ đương đại

Trung Hạ,
Chia sẻ

Đây là câu chuyện của chàng sinh viên thời trang và ông lão gần 80 tuổi, cùng nhau chắp nối một nghề truyền thống cổ xưa ở miền sông nước Giang Nam.

Giương chiếc ô giấy dầu đơn độc

Một mình nơi ngõ mưa dằng dặc

Dằng dặc và vắng tanh…

"Ngõ mưa" của Đới Vọng Thư khiến Giang Nam thêm phần mờ ảo sương gió và chiếc ô giấy dầu dường như trở thành một biểu tượng không thể thiếu ở miền sông nước trữ tình này. Ô giấy trong dân gian Dư Hàng có lịch sử hàng nghìn năm, là món đồ bình thường của mọi nhà. Trong những năm 1960, dưới tác động của ô công nghiệp, ô giấy dầu thủ công dần phai mờ khỏi ký ức của người dân.

Truyền nhân nghề làm ô giấy dầu: Biến vật che mưa thành tác phẩm nghệ thuật vươn tầm quốc tế, đưa nét đẹp cổ trang tinh túy vào thẩm mỹ của giới trẻ - Ảnh 1.

Hơn 10 năm trước, nhờ một ông lão ở vùng núi sâu, ô giấy dầu Dư Hàng đã được hồi sinh.

Một chiếc ô giấy dầu, 40 năm nghĩa tình

Từ thời Xuân Thu, vợ của Lỗ Ban là Vân thị "chẻ trúc thành ngọn, lấy da thú bọc quanh, gắn vào thanh gỗ, bung ra che mưa che nắng", đến thời Đông Hán Thái Luân phát minh ra kỹ thuật làm giấy, thời Bắc Ngụy "người Ngụy lấy trúc tán nhuyễn, kết hợp cùng giấy dầu làm ô"... Chiếc ô giấy dầu đã được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống của người dân Trung Quốc từ hàng ngàn năm trước.

Truy lùng nguồn gốc của ô giấy dầu, món đồ này thường xuất hiện trong các tài liệu lịch sử ở vùng sông nước Giang Nam. Theo ghi chép, năm Càn Long thứ 34 (năm 1769), Đổng Văn Viễn mở cửa hàng ô giấy dầu sớm nhất ở Hàng Châu. Vào thời điểm đó có ô thuyền đánh cá, ô thường ngày, ô đỏ lớn ngoài trời và nhiều loại khác.

Ô giấy dầu là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống của người Hán ở Trung Quốc. Hàng Châu là một phần trong vùng sông nước Giang Nam, bốn mùa mưa nhiều, tre trúc phong phú. Ô giấy dầu đã có hơn 230 năm lịch sử sản xuất tại thành phố non nước này. Chiếc ô mà Hứa Tiên cho Bạch Tố Trinh mượn trong "Bạch Xà truyện" chính là ô giấy Dư Hàng.

Truyền nhân nghề làm ô giấy dầu: Biến vật che mưa thành tác phẩm nghệ thuật vươn tầm quốc tế, đưa nét đẹp cổ trang tinh túy vào thẩm mỹ của giới trẻ - Ảnh 2.

Lưu Hữu Tuyền, gần 80 tuổi, với tình yêu thủy chung với ô giấy dầu.

Làng Tây Ổ (Hàng Châu), rừng trúc tươi tốt, thế là “quê hương của ô giấy dầu Dư Hàng” đã tọa lạc tại nơi đây. Nơi kế thừa kỹ thuật cổ xưa, kỳ thật chỉ là một căn nhà hai tầng cũ kỹ. Đây là nhà cũ của Lưu Hữu Tuyền, người kế thừa nghề làm ô giấy dầu Dư Hàng.

Trong ký ức của Lưu Hữu Tuyền, khi ông còn nhỏ, nhà nào cũng có ô giấy dầu. Cuộc sống cần kiệm, một chiếc ô phải chắp vá đủ chỗ, thế mà cũng sử dụng nhiều năm. Bắt đầu từ những năm 1960, bị ảnh hưởng bởi ô công nghiệp, ô giấy dầu Dư Hàng gần như “tuyệt chủng”, các nghệ nhân lần lượt chuyển nghề.

Năm 2006, ở tuổi 64, Lưu Hữu Tuyền vốn nên an hưởng tuổi già nhưng ông không thể buông bỏ tình cảm đối với chiếc ô giấy truyền thống.

Tháng 12/2006, tại một hội nghị chuyên đề được tổ chức bởi chính quyền quận Dư Hàng, Lưu Hữu Tuyền đã đưa ra ý tưởng hồi sinh kỹ thuật làm ô giấy dầu, và được đông đảo người tham gia tán thành. Lưu Hữu Tuyền cải tạo nhà tổ thành xưởng làm ô.

Năm 2006, xưởng có tổng cộng 5 cụ già, bắt đầu từ việc bổ tre, nấu dầu gỗ, từng chút làm sống dậy những công đoạn làm ô giấy trong ký ức. Năm 2007, ô giấy dầu Dư Hàng đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Chiết Giang.

Trong những năm tiếp theo, một số nghệ nhân kỳ cựu đã thu nạp học trò trong làng, nhưng độ tuổi trung bình đều trên 50 tuổi. Mặc dù vậy, chiếc ô giấy Dư Hàng vẫn lặng lẽ tồn tại trong ngôi làng nơi thâm sơn cùng cốc này.

Cháu trai của Lưu Hữu Tuyền, Lưu Vĩ Học đã học làm ô và quyết định trở thành người kế thừa kỹ thuật làm ô giấy dầu đời thứ ba của gia đình. Bố mẹ không mấy ủng hộ, nhưng anh rất tự hào về sự lựa chọn của mình.

Truyền nhân nghề làm ô giấy dầu: Biến vật che mưa thành tác phẩm nghệ thuật vươn tầm quốc tế, đưa nét đẹp cổ trang tinh túy vào thẩm mỹ của giới trẻ - Ảnh 5.

Lưu Vĩ Học, chàng trai sinh sau 1990 trở thành người kế thừa đời thứ ba kỹ thuật làm ô giấy dầu.

Năm 2015, Lưu Vĩ Học tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hàng Châu chuyên ngành thiết kế thời trang. Để "làm những gì mình thích", chàng trai sinh sau 1990 này đã từ bỏ công việc và trở về làng Tây Ổ, làm ô giấy dầu với ông nội. Khoảng cách thế hệ giữa thanh niên 26 tuổi và người ông lão tóc bạc 74 tuổi đã được thu hẹp nhờ chiếc ô giấy dầu.

Năm 2016, dưới sự hướng dẫn của ông nội Lưu Hữu Tuyền, Lưu Vĩ Học và một số nhà thiết kế đã cùng nhau tạo ra một chiếc ô ngoài trời đường kính dài 3 mét. Chiếc ô này xuất hiện tại Triển lãm thiết kế nhà thời trang Paris M&O, nhận được nhiều lời khen ngợi trong và ngoài nước.

Truyền nhân nghề làm ô giấy dầu: Biến vật che mưa thành tác phẩm nghệ thuật vươn tầm quốc tế, đưa nét đẹp cổ trang tinh túy vào thẩm mỹ của giới trẻ - Ảnh 6.

Cái hồn của kỹ thuật truyền thống và lửa nhiệt huyết của thời đại

Quá trình chế tác ô giấy Dư Hàng rất cầu kỳ, nếu tính đầy đủ phải có đến 72 công đoạn. Tre mùa đông có độ dẻo dai, là vật liệu thượng hạng. Ô giấy Dư Hàng chắc chắn và bền bỉ cũng nhờ vào công đoạn lựa chọn vật liệu. Ngọn tre hơn 6 năm tuổi mới thích hợp làm xương ô.

Chặt tre, cưa thành ống tre với nhiều kích thước khác nhau và cạo đi phần vỏ xanh bên ngoài. Cho đến khi tre trơn trượt sạch bóng, chẻ nhỏ làm xương ô, và đây chỉ là công đoạn chuẩn bị. Một ống tre sẽ được chẻ thành khoảng 50 xương ô, sau đó những nghệ nhân giàu kinh nghiệm sẽ thực hiện các khâu như cưa rãnh, đục lỗ... Trải qua quá trình kỳ công như vậy, xương ô mới tính là hoàn thành.

Để đảm bảo chất lượng, tất cả xương ô chỉ cần khiếm khuyết một chỗ dù nhỏ nhất cũng sẽ bị vứt đi, tỷ lệ xương ô không hoàn hảo đôi khi gần 50%.

Tiếp theo là khâu dán giấy. Ô giấy Dư Hàng truyền thống chọn giấy hoa đào tốt làm mặt ô, nhúng giấy vào sơn quả hồng, dán từng tờ vào xương ô.

Giấy vừa dán vào xương không thể phơi trực tiếp dưới ánh mặt trời, mà phải treo trong nhà chờ khô tự nhiên. Giấy khô, đến lượt các công đoạn như vẽ và quét dầu gỗ. Một chiếc ô giấy dầu từ việc lựa chọn tre đến hoàn công phải mất 10 đến 15 ngày.

Giống như tất cả các kỹ thuật làm thủ công khác, mỗi quá trình có cách thức và bí mật riêng. Lấy công đoạn làm xương ô ví dụ, tre không thẳng, dán giấy không đúng cách, thì không thể làm nên một chiếc ô hoàn chỉnh. Dầu gỗ truyền thống phải tự nấu, tỷ lệ nguyên liệu hoàn toàn dựa vào tay nghề, dựa vào độ ẩm của không khí để điều chỉnh lửa... Lưu Vĩ Học mất một năm mới hiểu rõ quy trình làm ô. Kỹ thuật ô giấy từ trước đến nay đều dựa vào lời nói giữa thầy trò với nhau, học nghề phải mất 3 năm mới có thể thành tài.

Điều khiến Lưu Vĩ Học lao tâm khổ tứ là cách làm ra một chiếc ô tốt và làm sao để ô giấy dầu Dư Hàng có thể tồn tại trong thời đại này. Học nghệ thuật tại trường đại học, anh bắt đầu thực hiện "cải tiến hiện đại hóa" ô giấy truyền thống.

Truyền nhân nghề làm ô giấy dầu: Biến vật che mưa thành tác phẩm nghệ thuật vươn tầm quốc tế, đưa nét đẹp cổ trang tinh túy vào thẩm mỹ đương đại - Ảnh 8.

"Tranh vẽ trên mặt ô truyền thống chủ yếu là núi non, trời mây, chim và cá, không nhất thiết phải phù hợp với thẩm mỹ của người hiện đại. Nếu bị ép buộc phải thay đổi để thích ứng với thời đại thì chiếc ô giấy dầu chỉ có thể dừng lại ở việc là một sản phẩm thủ công", Lưu Vĩ Học nói.

Trong cốp xe của Lưu Vĩ Học lúc nào cũng có một chiếc ô giấy dầu sử dụng hàng ngày, mặt ô có màu đỏ thẫm, tay cầm là cán của chiếc cân đòn. Anh thậm chí còn xem xét việc kết hợp các yếu tố như bao da, mạ đồng lên cán ô.

Ô giấy Dư Hàng truyền thống sử dụng giấy hoa đào được sản xuất ở vùng Phú Dương, giấy rất mỏng. Hiện tại, Lưu Vĩ Học sử dụng giấy dâu tằm dẻo dai, có thể nhìn thấy cấu trúc sợi rõ ràng. Sau khi được dán lên khung xương, bạn có thể thấy kết cấu sợi giấy độc đáo dưới ánh sáng.

Lưu Vĩ Học cho biết anh đã sử dụng quá trình làm "sáo tre" để tạo nên cán ô, quét loại sơn độc đáo, giúp cán ô sáng bóng và tinh tế. Ngoài ra, anh cho rằng người hiện đại, đặc biệt là giới trẻ, không thích mùi dầu gỗ. Mùi dầu gỗ của ô giấy dầu truyền thống bám rất lâu, và sau nhiều thử nghiệm, anh quyết định sử dụng dầu sáp gỗ.

Lưu Vĩ Học đã đăng ký một thương hiệu cho ô giấy dầu Dư Hàng - "Nhân Gian Phẩm" (Sản phẩm nhân gian), ngụ ý những món đồ tốt đẹp và bình thường trong dân gian.

Mặc dù mỗi lần sáng tạo cải tiến đều gặp phải sự nghi ngờ của các nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm, nhưng "để ô giấy dầu có thể trở thành món đồ hàng ngày của mọi nhà. Đây mới là cách hồi sinh nghề thủ công truyền thống”, Lưu Vĩ Học chia sẻ với sự quyết tâm to lớn.

Năm 2017, Lưu Vĩ Học mở cửa hàng trên nền tảng Taobao, cho lên kệ sản phẩm đầu tiên là chiếc ô giấy dầu thủ công màu trắng tinh tế.

Kiên trì với nghề truyền thống, Lưu Vĩ Học và các nghệ nhân già chỉ có thể sản xuất hơn 1.000 chiếc ô mỗi năm, con số quá nhỏ bé so với các xưởng sản xuất thông thường.

Truyền nhân nghề làm ô giấy dầu: Biến vật che mưa thành tác phẩm nghệ thuật vươn tầm quốc tế, đưa nét đẹp cổ trang tinh túy vào thẩm mỹ đương đại - Ảnh 10.

Mỗi thế hệ có một sứ mệnh khác nhau. Lưu Vĩ Học nói rằng, mỗi công đoạn làm ô cần phải tỉ mỉ đến từng chi tiết. Những năm gần đây, nhiều người dân tham gia vào quá trình sản xuất ô giấy. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, năm 2019, "Xưởng sản xuất ô giấy Dư Hàng" chính thức khai trương trên phố cổ trấn Bình Dao.

"Tôi không muốn chỉ là một người bán ô". Lưu Vĩ Học bước vào hội thảo học thuật, trường đại học, mở các lớp giao lưu văn hóa cho bạn bè quốc tế, và không ngừng truyền bá nét đẹp của ô giấy Dư Hàng. "Ít nhất kỹ thuật chế tác ô giấy Dư Hàng ở trong tay tôi, vẫn còn tồn tại theo cách nào đó, sẽ không biến mất vào lãng quên".

Ô giấy Dư Hàng không chỉ là dụng cụ che mưa, mà còn là một phụ kiện trong “Hán phục cổ phong”, chứa đựng dấu ấn thời gian và nét trầm của lịch sử nghìn năm.

Nguồn: Sina, Sohu

Chia sẻ