Trường Nguyễn Khuyến nơi nam sinh tự tử áp dụng "kỷ luật sắt", tỷ lệ đỗ Đại học cao nhất nước

Quỳnh Trân,
Chia sẻ

Ở Sài Gòn, trường tư thục Nguyễn Khuyến vốn nổi tiếng về hình thức kỷ luật khắt khe, lịch học cũng như sinh hoạt bị quản thúc chặt chẽ. Sau sự việc nam sinh lớp 10 tự tử tại trường, nhiều câu hỏi đặt ra rằng liệu đã đến lúc THPT Nguyễn Khuyến phải thay đổi mô hình giáo dục?

Ngôi trường không điện thoại, internet, tỷ lệ đỗ Đại học cao nhất nước

Trường tư thục Nguyễn Khuyến là một trong những trường THPT đạt kỷ lục cao về tỷ lệ đỗ vào các trường đại học. Tính đến năm 2015, trường đã có 162 học sinh là Thủ khoa, Á khoa của các trường đại học, đây là tỷ lệ cao nhất nước. Trong đó, số lượng học sinh đạt thủ khoa là 103, còn 59 em đạt được á khoa.

Chính vì thành tích cao và những cam kết đầu ra đầy hứa hẹn nên rất nhiều phụ huynh mong mỏi được gửi gắm con vào trường Nguyễn Khuyến. Với một số phụ huynh thì để con vừa nên người, có tính kỷ luật, vừa đạt được thành tích tốt thì cách tốt nhất là đưa vào "lò luyện" này.

Trường Nguyễn Khuyến nơi nam sinh tự tử áp dụng kỷ luật sắt, tỷ lệ đỗ Đại học cao nhất nước - Ảnh 1.

Trường THPT Nguyễn Khuyến được nhiều người biết đến với "kỷ luật thép" như quân đội

Tại đây, Nhà trường áp dụng những nội quy riêng như học sinh không được sử dụng điện thoại di động và internet, phụ huynh phải làm quen với việc không được gọi điện liên lạc với các con mỗi ngày. 60% học sinh nội trú trong trường chỉ được liên lạc với gia đình thông qua hệ thống điện thoại của nhà trường.

Trường Nguyễn Khuyến nơi nam sinh tự tử áp dụng kỷ luật sắt, tỷ lệ đỗ Đại học cao nhất nước - Ảnh 2.

Kỷ luật sắt với chiếc máy Điện thoại tiền xu - Ảnh: CAND.

Ở trường, từ thứ 2 đến thứ 6, học sinh sẽ học 2 buổi mỗi ngày chương trình giáo dục nâng cao. Một ngày của học sinh bắt đầu từ khoảng 5h30 - 6h sáng. Học đến 11h30 thì được nghỉ ăn trưa để tiếp tục ca chiều vào lúc 13h30. 16h30 các em sẽ nghỉ ngơi ăn tối trước khi vào giờ tự học buổi tối vào 18h. Đến 21h30 - 22h thì kết thúc giờ học, về phòng nghỉ ngơi.

Một học sinh giấu tên lớp 12 trường Nguyễn Khuyến cho biết, các em vẫn phải học cả vào thứ 7 và CN, từ 9h sáng đến 16h30. Cứ 3 tuần thì học sinh mới được nghỉ trọn vẹn 1 ngày CN.

Hiệu trưởng thừa nhận kỷ luật trong trường nghiêm hơn các trường bạn 

Trước những câu hỏi của phụ huynh cũng như truyền thông về phương pháp giáo dục suốt hàng chục năm nay của trường Nguyễn Khuyến, thầy Lê Trọng Tín, Hiệu trường Nhà trường cho biết: "Trong giáo dục có rất nhiều phương pháp và không có phương pháp nào trọn vẹn 100% ưu điểm, nó có mặt tốt, cũng có mặt phải cân nhắc suy nghĩ. 

Không phải từ dư luận đâu mà bản thân tôi cũng biết việc học và kỷ luật ở trường Nguyễn Khuyến tôn nghiêm hơn một số trường bạn, xuất phát từ nhiều phía, như là mong muốn của phụ huynh muốn con mình nề nếp, học giỏi. Bởi vì thực tế hiện nay, nếu không học giỏi thì không đỗ đạt được, không đỗ thì gia đình lo lắng lắm", ông Tín chia sẻ.

Trường Nguyễn Khuyến nơi nam sinh tự tử áp dụng kỷ luật sắt, tỷ lệ đỗ Đại học cao nhất nước - Ảnh 3.

Thầy hiệu trưởng thừa nhận trường Nguyễn Khuyến có kỷ luật nghiêm hơn các trường khác

Ông Tín cho biết, vì mong muốn của phụ huynh như thế nên nhà trường phải nỗ lực dạy dỗ. So với trường bạn thì thời gian học và khối lượng kiến thức mà học sinh trường Nguyễn Khuyến có được sẽ nhiều hơn.

"Một khía cạnh nữa là, các em tuổi còn nhỏ, nhiều khi chưa hiểu hết được ba mẹ hay nhà trường lo cho mình như thế nào, các em nghĩ việc này quá nặng nề với mình nên sinh ra áp lực. Vấn đề ở đây không phải là phương pháp dạy mà là đại bộ phận các em có thích nghi được hay không. Đa phần các em đỗ cao không chỉ vì các em thích nghi được mà còn cảm thấy thoải mái với môi trường học như thế này" - thầy Tín cho biết.

Trường Nguyễn Khuyến nơi nam sinh tự tử áp dụng kỷ luật sắt, tỷ lệ đỗ Đại học cao nhất nước - Ảnh 4.

Thầy Lê Trọng Tín - Hiệu trưởng THPT Nguyễn Khuyến.

Mặc dù vậy, thầy Tín cũng thừa nhận thiếu sót khi chưa quan tâm sát sao đến một bộ phận học sinh chưa thích nghi được với môi trường. Thầy cho biết: "Sau sự việc này, chúng tôi có suy nghĩ về việc thay đổi, đặc biệt quan tâm tới những em mà chúng tôi thấy có dấu hiệu không ổn. Cái không ổn ở đây là về mặt tâm lý chứ không phải học lực. Nhiều em cảm thấy đã cố gắng rồi nhưng so với kỳ vọng đặt ra khiến em chưa thấy thoả mãn thì sẽ nghĩ quẩn. Cái đó chúng tôi chưa quản lý được, chưa chăm sóc các em tới nơi tới chốn".

Sau sự việc nam sinh H.T.C nhảy từ mái tôn lầu 4 tự tử vào buổi sáng ngày 10/4, thầy Tín cho biết các bạn học sinh chung lớp 10A3 đã khóc rất nhiều nhưng hiện tại các em đã ổn định tâm lý để tiếp tục việc học.

Chia sẻ