Trường ngoài công lập chật vật tuyển sinh lớp 10

Nguyễn Thuận,
Chia sẻ

Nhiều trường ngoài công lập tại TP. HCM lựa chọn hình thức tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 dựa vào học bạ, vì nếu dựa theo kết quả thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức sẽ không đủ chỉ tiêu.

Sau khi có điểm chuẩn chính thức của các trường THPT công lập tại TP. HCM, học sinh không trúng tuyển lớp 10 vào những trường này đã bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển vào trường THPT ngoài công lập. Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. HCM, các trường ngoài công lập có thể lựa chọn hình thức tuyển sinh nhưng không được tổ chức thi tuyển hoặc kiểm tra trình độ dưới bất cứ hình thức nào.

Cạn nguồn tuyển

Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 các trường ngoài công lập năm học 2020-2021 của Sở GD&ĐT TP. HCM, hội đồng tuyển sinh của các trường ngoài công lập căn cứ vào hồ sơ xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh và căn cứ điểm xét tuyển, điểm ưu tiên (nếu có) để xác định lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu.

Sau đó, các trường lập danh sách học sinh trúng tuyển gửi về Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục duyệt danh sách, cấp mã số học sinh đợt 1 trước ngày 3/9 và đợt 2 trước ngày 30/9. Các trường tuyệt đối không nhận thêm học sinh mới sau đợt 2. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều trường vẫn chỉ mới tuyển được 50%-60% chỉ tiêu.

 - Ảnh 1.

Học sinh trước giờ thi vào lớp 10. Nhiều em buộc phải chọn trường ngoài công lập khi các trường công lập không còn chỉ tiêu. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Đơn cử, Trường THCS - THPT Đông Đô (quận Bình Thạnh) mới chỉ nhận được khoảng 60% hồ sơ giữ chỗ. Nhiều khả năng phụ huynh sẽ rút hồ sơ nếu các trường công lập điều chỉnh điểm thấp xuống. Ông Huỳnh Công Thái, Chủ tịch HĐQT trường này cho biết tốc độ tuyển sinh chậm, học sinh vẫn còn đợi điều chỉnh điểm chuẩn nguyện vọng 2 của các trường công lập, vì điểm thi lớp 10 thấp nên có thể điểm chuẩn sẽ điều chỉnh thấp xuống để đủ đầu vào. Ngoài ra, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình kinh tế của phụ huynh nên họ cũng không có nhu cầu đăng ký vào trường ngoài công lập nhiều.

Bà Lã Thị Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Quang Trung Nguyễn Huệ, cho biết trường hiện vẫn tiếp tục tuyển sinh. Vì năm nay thi trễ, sau khi có điểm chuẩn, phụ huynh mới tìm trường ngoài công lập nếu con không đậu nguyện vọng nào nên tới thời điểm này, chỉ tiêu tuyển sinh vẫn chưa đủ.

Trường này dự kiến tuyển 150 học sinh tại 2 cơ sở, với hình thức tuyển sinh học bạ - chỉ cần được công nhận tốt nghiệp THCS thì sẽ được nhận, tuyển sinh đến khi đủ số lượng.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT ngoài công lập tại quận 1 thông tin dù năm nay dự kiến có gần 16.000 học sinh sẽ rớt lớp 10 công lập nhưng nguồn tuyển của trường ngoài công lập cũng không tăng lên.

Chú trọng đầu tư chất lượng

Tình hình tuyển sinh khó khăn của các trường tư một phần là do học sinh có nhiều lựa chọn. Hệ giáo dục thường xuyên với mức học phí rẻ, chương trình học không khác. Lượng trường quốc tế tăng cao, phụ huynh cũng dần chú ý đến loại hình này. Các trường CĐ nghề cũng có hệ đào tạo 9+3, vừa học văn hóa vừa học nghề, phụ huynh cũng dễ chọn lựa cho con em theo học để vừa hoàn thành chương trình văn hóa và có nghề.

Những yếu tố đó khiến nguồn tuyển của các trường THPT ngoài công lập dần cạn kiệt, thị phần bớt đi. Trường ngoài công lập không thể lựa chọn hình thức tuyển sinh theo điểm thi của kỳ thi lớp 10 do Sở GD&ĐT TP. HCM tổ chức, vì như vậy rất khó đủ chỉ tiêu.

"Dù đầu vào ít và khó khăn để tuyển nhưng trường luôn chú trọng đến vấn đề đào tạo học sinh, tiến hành song song kiểm tra bài cũ và chuẩn bị bài mới cho các em học bán trú; đào tạo kỹ năng mềm và đầu tư cơ sở vật chất để học sinh có một môi trường học tập tốt nhất" - ông Huỳnh Công Thái nhấn mạnh.

Bà Lã Thị Thanh Phương cho rằng các em học sinh chỉ cần còn nguyện vọng được đi học thì trường sẽ nhận. Phụ huynh không nên đặt áp lực lên con em mình là phải đậu trường công lập. Rất nhiều trường hợp các em thi điểm cao nhưng không đậu vào trường công lập vì đăng ký nguyện vọng sai hoặc một lý do khách quan nào đó chứ không hẳn vì học kém.

"Trường ngoài công lập vẫn đáp ứng đủ các môn học văn hóa theo đúng chương trình của Bộ GD&ĐT quy định, học sinh còn được tham gia hoạt động ngoại khóa và các lớp kỹ năng mềm. Vì vậy, khả năng phát triển tư duy của học sinh trường ngoài công lập và công lập là như nhau" - bà Phương nhận định.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Quang Trung Nguyễn Huệ, trường đã nhận được hơn 60 hồ sơ đăng ký học trước khi kỳ thi lớp 10 diễn ra và trước khi các trường công lập công bố điểm chuẩn, chứng tỏ các em đã định hướng, đánh giá được khả năng của mình. Trường này có rất nhiều học sinh chuyển từ trường công lập hoặc trường quốc tế đến vì phụ huynh nhận thấy chất lượng của trường quan trọng hơn là yếu tố công lập hay quốc tế. Bà Phương cho biết học sinh của trường được giáo viên quan tâm kỹ lưỡng, chú ý đến từng em; cơ sở vật chất bảo đảm, học phí thấp hơn trường quốc tế.

Chia sẻ