Trường hợp nào được đóng bù BHXH tự nguyện và mức đóng là bao nhiêu?

HOÀNG TÙNG,
Chia sẻ

Trường hợp người lao động tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXH) hay người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian 20 năm đóng BHXH thì được đóng bù BHXH tự nguyện.

Trường hợp nào được đóng bù BHXH tự nguyện và mức đóng là bao nhiêu? - Ảnh 1.

Được đóng bù BHXH tự nguyện trong trường hợp nào?

Căn cứ Điều 9 và Điều 12 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, người lao động sẽ được đóng bù BHXH tự nguyện nếu thuộc trường hợp đóng bù BHXH cho những năm còn thiếu khi đủ tuổi nghỉ hưu hoặc đóng bù cho thời gian đã tham gia BHXH tự nguyện gián đoạn.

Trường hợp 1: Đóng bù BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu khi đã đủ tuổi nghỉ hưu.

Điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định 134 quy định, người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định được đóng một lần cho những năm còn thiếu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Theo đó, để được đóng bù BHXH tự nguyện trong trường hợp này, người lao động phải đáp ứng đồng thời điều kiện đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 10 năm (120 tháng).

Lúc này, người lao động sẽ được đóng bù để tích lũy đủ 20 năm BHXH và được giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng.

Trường hợp 2: Đóng bù cho thời gian đã tham gia BHXH tự nguyện gián đoạn.

Khoản 3 Điều 12 Nghị định 134 quy định, quá thời điểm đóng BHXH mà người tham gia BHXH tự nguyện không đóng bảo hiểm xã hội thì được coi là tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Người đang tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, nếu tiếp tục đóng thì phải đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập hàng tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trường hợp có nguyện vọng đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó thì số tiền đóng bù được tính bằng tổng mức đóng của các tháng chậm đóng, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Theo đó, nếu đang đóng BHXH tự nguyện mà có thời gian gián đoạn do không đóng BHXH đúng hạn thì người lao động sẽ được đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó.

Việc đóng bù sẽ giúp người lao động nhanh chóng tích lũy đủ ít nhất 20 năm tham gia BHXH để hưởng lương hưu khi đủ tuổi.

Mức đóng bù BHXH tự nguyện là bao nhiêu?

Căn cứ Điều 9 và Điều 11 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH, mức đóng bù BHXH sẽ được tính như sau:

Mức đóng bù BHXH tự nguyện = Tổng mức đóng của các tháng còn thiếu/gián đoạn x (1+r)i

Trong đó, r là lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng được công bố của năm trước liền kề với năm đóng và i là số tháng chậm đóng/gián đoạn.

Ngoài ra, tổng mức đóng của các tháng còn thiếu/gián đoạn được xác định như sau:

Tổng mức đóng của các tháng còn thiếu/gián đoạn = 22% x Mức thu nhập chọn đóng BHXH tự nguyện x Số tháng.

https://cafef.vn/truong-hop-nao-duoc-dong-bu-bhxh-tu-nguyen-va-muc-dong-la-bao-nhieu-2022030610315786.chn
Chia sẻ