Trường Đoàn Thị Điểm Ecopark sau cuộc đối thoại kéo dài hơn 9 giờ đồng hồ: Thành lập Ban quản lý bán trú

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Ngày 20/4, trường Đoàn Thị Điểm đã công bố biên bản cuộc họp giữa nhà trường với Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS).

Đây là biên bản sau khi cuộc đối thoại hơn 9 tiếng đồng hồ (15h đến 23h30, ngày 19/4) giữa nhà trường và đại diện Hội CMHS.

Thành lập Bản quản lý bán trú

Theo biên bản cuộc họp, nhà trường thành lập Ban quản lý (BQL) bán trú với sự tham gia của Ban đại diện CMHS trường. Bà Trần Thị Thanh Tần sẽ giữ tạm chức vụ Giám đốc dịch vụ của BQL. Phương thức hoạt động của BQL sẽ được quyết định sau nhằm kiểm soát việc nhập và chế biến thực phẩm đầu vào. 

Trường Đoàn Thị Điểm Ecopark sau cuộc đối thoại kéo dài hơn 9 giờ đồng hồ: Thành lập Ban quản lý bán trú - Ảnh 1.

Cuộc đối thoại căng thẳng diễn ra hơn 9 tiếng đồng hồ

Cũng theo biên bản cuộc họp, từ ngày 21/4, nhà trường sẽ chấm dứt hợp đồng nhập thực phẩm từ phía siêu thị Metro vì không đáp ứng được yêu cầu của nhà trường. Thay vào đó, trường chọn một số nhà cung cấp uy tín để nhập thực phẩm như Aeon, BigC và Vinmart hoặc tương đương. Nếu chưa ký được hợp đồng, trường sẽ dùng xe riêng đi đến các siêu thị này mua thực phẩm với giá bán lẻ. 

Đại diện nhà trường cũng thông báo, dự kiến trong tuần này, BQL bán trú sẽ có lựa chọn cuối cùng về nhà cung cấp thực phẩm cho bếp ăn của cả giáo viên và học sinh trong nhà trường. Ban đại diện CMHS trường sẽ tư vấn giám sát, trách nhiệm thực hiện dịch vụ thuộc về nhà trường.

Trường Đoàn Thị Điểm Ecopark sau cuộc đối thoại kéo dài hơn 9 giờ đồng hồ: Thành lập Ban quản lý bán trú - Ảnh 2.

Thầy Nguyễn Hoài Bắc – Hiệu trưởng nhà trường, đại diện chủ đầu tư tại buổi đối thoại.

Từ năm học tới, nếu bếp ăn của nhà trường không đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh, trường sẽ tiến hành đấu thầu và lựa chọn công khai các đơn vị cung cấp dịch vụ chế biến thức ăn. Trong đó có thể lựa chọn 1 trong số các đơn vị như: Sodexo Việt Nam, công ty TNHH Aden Services Việt Nam, Tristar Catering Co… Đơn vị này sẽ chỉ cung cấp dịch vụ chế biến trên cơ sở vật chất, thực phẩm đầu vào của nhà trường lựa chọn. Đảm bảo quy trình chế biến một chiều, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phụ huynh có thêm nhiều quyền lợi 

Về phía Ban đại diện CMHS cũng yêu cầu nhà trường chấn chỉnh lại đội ngũ nhân viên nhà bếp, nếu không đáp ứng được sẽ cho thay thế. Trường phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và sát hạch năng lực của bếp trưởng và nhân viên bếp ăn. Trường cam kết chỉ dùng thực phẩm trong ngày. 

Nếu có thực phẩm thừa sẽ chia đều cho học sinh đi học trong ngày hôm đó và sẽ công bố thể thức trừ tiền ăn đối với học sinh nghỉ. Thực đơn cho học sinh được công khai trên trang web của nhà trường từ thứ 7 của tuần trước đó. Đồng thời công bố định lượng thực phẩm nhập vào tại bếp hàng ngày.

Trường Đoàn Thị Điểm Ecopark sau cuộc đối thoại kéo dài hơn 9 giờ đồng hồ: Thành lập Ban quản lý bán trú - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà – đại diện CMHS thẳng thắn trao đổi những ý kiến của các phụ huynh

Ban đại diện CMHS trường sẽ tham gia giám sát bán trú hàng ngày, mỗi lần không quá 2 người. Dù có bất đồng trong quá trình giám sát giữa nhà trường và phụ huynh hay không, đều phải được ghi đầy đủ trong biên bản. 

Phụ huynh có quyền chụp ảnh trong quá trình giám sát và khi in ra phải có chú thích ảnh rõ ràng gửi tới các phụ huynh khác nếu cần. Nhà trường sẽ lắp camera tại trường để đảm bảo an ninh, an toàn cho học sinh. Phụ huynh muốn xem thì phải đăng ký với nhà trường để truy xuất dữ liệu tại hệ thống máy chủ của nhà trường. 

Phụ huynh được quyền lựa chọn hình thức bán trú cho học sinh mà không cần thiết phải thực hiện theo hình thức bán trú tiêu chuẩn của nhà trường như hiện tại. Học sinh có thể không sử dụng dịch vụ bán trú; sử dụng dịch vụ bán trú tiêu chuẩn; ăn sáng tại nhà (và sử dụng các dịch vụ còn lại của bán trú tiêu chuẩn). Phụ huynh có thể đăng ký lựa chọn dịch vụ từ ngày 20/4. 

Về các loại phí Ban đại diện CMHS yêu cầu nhà trường giải trình rõ ràng về các loại phí như: học phí, học phí bán trú, phí giữ chỗ, phí dã ngoại, phí xây dựng...  BGH nhà trường cho rằng, đối với mức tăng không quá 10% mỗi năm tiền học phí là phù hợp với cam kết ban đầu.

Trường Đoàn Thị Điểm Ecopark sau cuộc đối thoại kéo dài hơn 9 giờ đồng hồ: Thành lập Ban quản lý bán trú - Ảnh 4.

Bà Vũ Thị Bình - Chánh văn phòng trường phổ thông Đoàn Thị Điểm tại buổi đối thoại

Còn yêu cầu của phụ huynh không tăng phí bán trú, nhà trường sẽ trao đổi lại với chủ đầu tư và sẽ có buổi làm việc với Ban đại diện CMHS vào trước ngày 26/4 tới đây. 

Về phí dã ngoại (1.500.000 đồng/học sinh mỗi năm), nhà trường cho rằng đó là tiền để chi trả cho các hoạt động sự kiện dã ngoại, ngoại khóa của học sinh. Trường sẽ gửi chương trình ngoại khóa cho phụ huynh ở ngay đầu năm học trước khi tiến hành thu phí. Trường công khai chi phí và tổng kết công tác dã ngoại vào mỗi cuối năm học. 

Về phí xây dựng 2.500.000 đồng/học sinh mỗi năm, trường chi vào việc duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất như sơn lại nhà, bảo dưỡng máy chiếu, trang thiết bị phục vụ học tập của học sinh.

Bên cạnh đó, nhà trường quyết định không thu phí giữ chỗ (5.000.000 đồng/học sinh) trong năm học tới đối với các học sinh đang học tại trường. Trường thống nhất với Ban đại diện CMHS xây dựng quy chế về chuyển trường cho học sinh theo quy định của pháp luật.

Trường Đoàn Thị Điểm Ecopark sau cuộc đối thoại kéo dài hơn 9 giờ đồng hồ: Thành lập Ban quản lý bán trú - Ảnh 5.

Trường Đoàn Thị Điểm Ecopark đã quyết định không thu phí giữ chỗ (5.000.000 đồng/học sinh)

Thời gian vừa qua nhiều phụ huynh Trường Đoàn Thị Điểm Ecopark đồng loạt lên tiếng phản đối một số dịch vụ của nhà trường không hợp lý. Đáng chú ý, việc phụ huynh có con em muốn đăng ký theo học thì phải đặt cọc khoản phí 5 triệu đồng. Sau nhiều cuộc đối thoại giữa các bên, mặc dù nhà trường đã giải thích cụ thể về khoản tiền này một cách hợp lý nhưng cuối cùng đã rút quy định này.

Tuy nhiên đó chưa phải là mấu chốt của những ngày căng thẳng của cả hai bên, mà đó là về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, trong các lần giám sát kiểm tra, Ban đại diện phụ huynh phát hiện nhiều vấn đề về thực phẩm kém chất lượng, nguồn thực phẩm không đúng nhà cung cấp…

Thậm chí tại buổi đối thoại diễn ra chiều 19/4, chị Nguyễn Thị Thu Hà – đại diện CMHS tiếp tục đưa ra biên bản liên quan đến việc giám sát VSANTP và cho biết: "Nhà trường cam kết không nhập thực phẩm của các đơn vị nhỏ lẻ. Vậy tại sao 2 lần kiếm tra gần nhất là 12/4 và mới nhất là vào hôm nay (19/4) thì nhà trường vẫn nhập thực phẩm từ nhà cung cấp Quang Thắng và Hồng Vân (theo nhiều phụ huynh thì hai đơn vị không đủ uy tín).

Nhiều phụ huynh cho rằng, chủ đầu tư và nhà trường đang buông lỏng quản lý, năng lực còn yếu kém và thiếu sự tôn trọng phụ huynh.

Chia sẻ