Dự án "công trình xanh" là gì và những điều bạn cần biết trước khi mua nhà có gắn mác "Eco" hay "sinh thái"

Hoa Hồng,
Chia sẻ

Nhiều dự án bất động sản được gán mác "công trình xanh", "bất động sản xanh"… nhưng mục đích duy nhất chỉ là để thu hút khách hàng, đội giá sản phẩm và bán được nhiều căn hộ nhất có thể. Chính vì vậy, người mua nhà cần giữ "tỉnh táo" để mua nhà "đúng tiền, đúng chất lượng".

Tiêu chuẩn nào đánh giá "dự án xanh"?

Dạo một vòng thị trường BĐS, từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh, không khó để thấy thông tin mở bán những dự án được quảng cáo là "xanh", "thiên nhiên", "sinh thái", "eco"… đang tràn ngập. Từ cây xanh, không gian xanh, tới cuộc sống xanh... với những hình ảnh cây cối, cảnh quan bắt mắt được chủ đầu tư sử dụng trong các thiết kế bán hàng.

Tuy nhiên, từ những hình ảnh đẹp trên quảng cáo tới thực tế dự án là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, khiến người mua khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả.

1

Thật – giả BĐS xanh khiến người mua nhà hoang mang.

Ở Việt Nam, các tiêu chí để đánh giá một dự án bất động sản xanh hiện nay vẫn còn đang trống. Trong Luật Kinh doanh Bất động sản, tiêu chí và yêu cầu quy định về bất động sản xanh đều không có. Trên thực tế, một dự án bất động sản xanh không chỉ đơn thuần là dành nhiều diện tích cho cây xanh, mặt nước.

Cây xanh tuy giúp ích rất nhiều cho công trình trên nhiều khía cạnh khác nhau như tạo ra không khí trong lành và góp phần làm giảm năng lượng sử dụng để làm mát công trình. Song chỉ trồng cây xanh thì không đủ để giúp công trình đạt các chứng nhận công trình xanh, mà cần có nhiều yếu tố nữa.

2

Những tiêu chí cho một công trình xanh của chứng chỉ LEED (Mỹ).

Hiện nay có 3 tiêu chuẩn công trình xanh phổ biến, đó là LEED (Mỹ), Green Mark (Singapore) và Lotus (Việt Nam). Năm 2015 có chứng chỉ EDGE (của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới) là chứng chỉ công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Chỉ một số ít công trình bất động sản được nhận những chứng nhận này, còn lại, người mua chỉ có thể dựa vào "niềm tin" với chủ đầu tư hoặc khi dự án đã hoàn thành để xác định dự án có "xanh" thật hay không. Nhưng tới lúc đó, tiền đã xuống, hợp đồng đã kí; nhiều người chấp nhận "bị lừa" vì không muốn tiền mất, nhà cũng mất.

Cần tỉnh táo để phân biệt "xanh thật" – "xanh giả"

Người mua nhà muốn biết dự án có xanh hay không cần hỏi chủ đầu tư làm theo tiêu chí nào. Cấp độ đáp ứng của dự án đối với bộ tiêu chí đó là ở mức độ ra sao. Hiện nay để nhận được một chứng chỉ xanh thì dự án phải được thiết kế, xây dựng và sau khi hoàn thành công trình phải nộp hết tất cả hồ sơ hoàn công qua cho Hội đồng công trình xanh mới được cấp chứng nhận.

Chẳng hạn, tại một dự án được rao bán và quảng cáo là dự án xanh một cách rất rầm rộ. Hiện mức giá căn hộ tại dự án này đang dao động trong khoảng 29 - 30 triệu đồng/m2. Dù chuyên viên tư vấn của dự án quảng cáo rất nhiều về chữ xanh của dự án này, nhưng khi phóng viên hỏi về việc đơn vị áp dụng chuẩn xanh nào cho công trình hay các loại vật liệu, thiết bị hay giải pháp năng lượng, nước cho dự án, thì nhân viên này lại không rõ.

“Dự án được xây dựng theo thiết kế sẵn có chứ không có tiêu chuẩn nào”, nhân viên này cho biết.

Công trình xanh phải có chuẩn rõ ràng

Nhìn chung, một công trình phải hội tụ đủ 5 nhóm yêu cầu, bao gồm: năng lượng, nước, vật liệu, chất lượng không khí trong nhà và vị trí bền vững thì mới được gọi là công trình xanh. Việc đáp ứng cả 5 nhóm tiêu chí này khiến công trình xanh không chỉ tốt cho môi trường mà còn rất có lợi cho nhà đầu tư và người sử dụng.

4

Còn theo Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC), một công trình xây dựng được gọi là công trình xanh khi chúng đạt những tiêu chí sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả. Bảo vệ sức khỏe sử dụng và nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.

Trước “ma trận” quảng cáo dự án bất động sản là công trình xanh, người mua nhà cần tỉnh táo để lựa chọn cho đúng - Ảnh 4.

Tất cả những tiêu chí này phụ thuộc vào nhiều yếu tố của công trình, từ chất liệu xây dựng, mật độ dự án, vật liệu thân thiện với môi trường… tới việc áp dụng các công nghệ về giảm thiểu và xử lý chất thải, năng lượng tiêu thụ có hại cho môi trường…

Tùy vào mức độ công trình xanh mà chi phí cho công trình sẽ tăng lên tương ứng, tức là cấp độ xanh càng cao thì chi phí phải đầu tư càng nhiều. Vì vậy, không ít chủ đầu tư lợi dụng việc này để đội giá sản phẩm, còn chất lượng cuối cùng thì không được như cam kết ban đầu, thậm chí chỉ "đối phó" bằng vài mảng cây xanh, hồ nước…

3

Những công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng xã hội.

Thực tế, dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng về lâu về dài, việc đầu tư công trình xanh đúng chuẩn sẽ giúp chủ đầu tư giảm chi phí vận hành, có thể lên đến 50-80%. Tuy nhiên, những dự án xanh đúng chuẩn hiện tại trên thị trường, chủ yếu là các dự án thuộc phân khúc cao cấp. Đây cũng là một hạn chế cho nhiều người mua nhà ở mức bình dân, trung cấp.

Hi vọng rằng trong tương lai, chúng ta có thể có những chính sách khuyến khích, ghi nhận và phân biệt công trình xanh, để nhiều người có thể tiếp cận hơn, và mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng cả về hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội.

Chia sẻ