Trước khi dắt con đến nhà họ hàng, bạn bè chúc Tết, bố mẹ cần dặn kỹ những điều này để tránh rơi vào các tình huống xấu hổ

H.H ,
Chia sẻ

Để đón một năm mới bình yên, vui vẻ và suôn sẻ, cha mẹ cần dạy con cách ứng xử trước một vài tình huống rất dễ xảy ra khi đi chúc tết.

Trong mắt trẻ em, Tết là một dịp gì thú vị khi được mặc quần áo đẹp, ăn bánh kẹo thỏa thích, đi chơi cùng bố mẹ và đặc biệt được nhận lì xì. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bố mẹ rơi vào tình cảnh xấu hổ vì con có cách ứng xử chưa tốt khi đi chúc Tết.

Để tránh đầu năm mất vui, đây là những điều bố mẹ cần dặn con kỹ lưỡng trước khi đi chúc Tết:

1. Dạy con không "đại náo" khay bánh mứt

Tết đến nên nhà ai cũng tiếp đãi khách bằng bánh mức, kẹo, nước ngọt – toàn những món khoái khẩu của trẻ con. Vì vậy, rất khó để tránh trường hợp các con thi nhau "khám phá" khay mứt của nhà người khác khi đi chúc tết, và sẽ thật rắc rối nếu các con tranh nhau ầm ĩ một cái kẹo ngay trước mặt chủ nhà.

Nếu cha mẹ không muốn rơi vào những tình huống xấu hổ khi đi chúc Tết cùng con, thì hãy chỉ bảo con những điều này ngay từ bây giờ - Ảnh 2.

Bánh kẹo mứt vốn là món ăn yêu thích của trẻ em, nên con thường lựa bánh kẹo ngon để ăn khi đi chúc tết cùng cha mẹ (Ảnh minh họa).

Cha mẹ có thể ngăn chặn hoàn toàn tình huống đáng xấu hổ này bằng cách dặn dò và chỉ bảo con cách ứng xử lịch sự khi đi chúc Tết. Chẳng hạn như con muốn ăn gì thì nói để cha mẹ lấy giúp. Chỉ nên ăn một, hai viên kẹo thôi vì ăn nhiều kẹo sẽ bị sâu răng. Hoặc nếu kẹo nhà bác ngon, thì khi về nhà, con có thể nói để lần sau cha mẹ mua kẹo đó cho ăn…

Trong trường hợp tình huống không mong muốn xảy ra, cha mẹ đừng lớn tiếng trách phạt con vì điều này chỉ khiến cho tình hình càng thêm tệ. Thay vào đó, cha mẹ hãy đánh lạc hướng con bằng cách như: "Ôi, nhà bác có cây mai đẹp quá, mẹ con mình ra xem nhé", hoặc bày một trò chơi nho nhỏ để các con chơi với nhau, xem ai giành phần thắng.  

2. Dạy con không vòi tiền lì xì

Lì xì là một phong tục truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tiền lì xì được xem là tiền mang lại may mắn và nhiều điều tốt đẹp đến cho trẻ em. Do đó, số tiền trong phong bì không quan trọng bằng ý nghĩa của phong tục, và số tiền đó chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.

Nếu cha mẹ không muốn rơi vào những tình huống xấu hổ khi đi chúc Tết cùng con, thì hãy chỉ bảo con những điều này ngay từ bây giờ - Ảnh 1.

Tuy nhiên, trên thực tế, không hiếm gặp những tình huống kiểu như: các bé chơi quanh quẩn ở bên để gây sự chú ý của khách, nhắc nhở thẳng thừng "cô/chú chưa lì xì cho con!", tranh nhau phong bao đẹp, so sánh tiền lì xì của ai nhiều hơn… khiến cha mẹ và khách rơi vào tình huống dở khóc dở cười

Để tránh trường hợp này xảy ra, cha mẹ nên nói chuyện với con trước về ý nghĩa của tiền mừng tuổi. Cần nhẹ nhàng nhắc nhở con không nên vòi vĩnh tiền lì xì từ người lớn bởi đó là hành động không hay, cũng như không được rút tiền ra khỏi phong bì hay tỏ thái độ không vui khi nhận được tiền lì xì ít ngay trước mặt khách.

3. Dạy con chào hỏi, cảm ơn khi đi chúc Tết

Đối với những bé trầm tính, nhút nhát thì đi chúc Tết chẳng khác nào là "cực hình" vì con phải cùng cha mẹ đi đến những nơi xa lạ, gặp những người chẳng quen thân. Nên con rụt rè, nép mình sau cha mẹ, không dám chào hỏi hay cảm ơn ai cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, nếu được cha mẹ "huấn luyện" trước ngay từ ở nhà, rằng "hôm nay mình đến nhà bác A/cô B, chú C chúc Tết. Khi đến nơi, con nhớ chào hỏi lễ phép theo lời giới thiệu của bố mẹ. Ai cho con gì thì con nhận lấy rồi cảm ơn nha. Ai hỏi thăm con thì con hãy trả lời lịch sự". Đồng thời, cha mẹ tập cho con thực hiện việc chào hỏi, cảm ơn, cách trả lời câu hỏi nhiều lần ở nhà, thì đảm bảo khi đi chúc Tết, con sẽ trở nên tự tin, dạn dĩ, ăn nói lễ phép.

4. Dạy con chúc Tết ông bà

Nếu cha mẹ không muốn rơi vào những tình huống xấu hổ khi đi chúc Tết cùng con, thì hãy chỉ bảo con những điều này ngay từ bây giờ - Ảnh 3.

Khi hiểu được vì sao phải chúc tết và mừng tuổi ông bà đầu tiên, con sẽ tự tin đảm nhận nhiệm vụ này (Ảnh minh họa).

Mùng 1 Tết là ngày mà các gia đình tề tựu đưa con đi chúc Tết ông bà. Nhưng trước khi đi, cha mẹ hãy dạy con vài câu chúc Tết ngắn gọn như: "Con chúc ông bà sống lâu trăm tuổi", hay "Con chúc ông bà luôn mạnh khỏe". Bên cạnh đó, hãy giải thích cho con hiểu vì sao phải đi chúc Tết ông bà đầu tiên và vì sao con cháu phải mừng tuổi ông bà.

Khi hiểu được ý nghĩa của những việc này, con sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin khi nhận nhiệm vụ chúc Tết và mừng tuổi ông bà thay cha mẹ.

Trước khi dắt con đến nhà họ hàng, bạn bè chúc Tết, bố mẹ cần dặn kỹ những điều này để tránh rơi vào các tình huống xấu hổ - Ảnh 6.

Chia sẻ