Trung Quốc vẫn theo đuổi mục tiêu "Zero COVID"

Nguyễn Mai,
Chia sẻ

Trong khi nhiều quốc gia đã chuyển sang "sống chung với COVID-19" thì Trung Quốc vẫn theo đuổi mục tiêu đưa số ca mắc mới về 0, hay "Zero COVID".

Là quốc gia cuối cùng trên thế giới theo đuổi mục tiêu "Zero COVID", Trung Quốc đang bắt đầu chứng kiến những biện pháp hạn chế xã hội mang lại cả điểm cộng và điểm trừ.

Giới chức Trung Quốc hiện vẫn đang kiên quyết theo đuổi chiến lược "Zero COVID", tức "quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng", ngay cả khi biến thể Delta tiếp tục lây lan và tác động tiêu cực đến hệ thống y tế. Điều này có nghĩa là trong trường hợp Trung Quốc ghi nhận chỉ một hoặc vài ca nhiễm, quốc gia này vẫn có thể tiến hành phong tỏa toàn bộ một thành phố, sau đó truy vết F0 cho đến khi không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Hãng thông tấn AFP đưa tin, gần 34 nghìn người bị giữ lại ở khu giải trí Disneyland Thượng Hải hôm 31/10 để xét nghiệm sau khi nhà chức trách phát hiện một ca mắc COVID-19 và họ chỉ được ra về nếu âm tính.

Ông Chung Nam Sơn - Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc cho rằng: "Nếu Trung Quốc mở cửa biên giới, chắc chắn sẽ có một ca COVID-19 nhập cảnh hoặc có thể gây nên cụm lây nhiễm nhỏ. Kể cả trong hoàn cảnh đó, chúng tôi vẫn dập được dịch trong khoảng 1 tháng nhờ các biện pháp nghiêm ngặt".

Tuy nhiên, mặt trái của nó là người dân trong khu vực phong tỏa không thể di chuyển để làm việc liên tỉnh hoặc du khách không thể về nhà. Thành phố Thụy Lệ ở tỉnh Vân Nam là minh chứng. Chỉ trong một năm, người dân thành phố đã phải trải qua 4 lần phong tỏa, mỗi đợt kéo dài tới gần 1 tháng. Nhiều người chọn cách rời khỏi thành phố trong khoảng thời gian giữa các đợt phong tỏa, song đều bị yêu cầu trả phí 21 ngày cách ly trước khi khởi hành.

Bất chấp những hạn chế của "Zero COVID", Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc vẫn khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ các biện pháp kiểm soát COVID-19 chặt chẽ, xây dựng một rào chắn vững chắc chống lại những ca bệnh nhập cảnh và lây nhiễm trong nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách "Zero COVID" vẫn có thể tiếp tục được áp dụng lâu dài tại Trung Quốc, tùy thuộc vào diễn biến của đại dịch trên toàn cầu. Chiến lược này, dù tốn kém, song nếu xét trên phương diện tích cực, sẽ hạn chế tối đa khả năng xuất hiện các ổ dịch lớn gây áp lực lên hệ thống y tế.

Chia sẻ