Trung Quốc thông qua luật giảm "áp lực kép" lên học sinh

Bình Giang,
Chia sẻ

Trung Quốc vừa thông qua luật giảm “áp lực kép” về bài tập và dạy thêm đối với học sinh nước này.

Hãng thông tấn Xinhua ngày 23/10 cho biết luật mới sẽ buộc các chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm bảo đảm giảm áp lực kép và buộc cha mẹ phải sắp xếp thời gian cho con cái nghỉ ngơi và tập thể dục thể thao, từ đó giúp trẻ em bớt áp lực và sử dụng internet quá nhiều.

Chính quyền Bắc Kinh ngày càng can thiệp mạnh tay hơn vào cách quản lý con cái của các gia đình, từ giải quyết vấn đề trẻ em và người trẻ nghiện game trực tuyến đến hâm mộ thần tượng một cách thái quá.

Ngày 18/10, Quốc hội Trung Quốc cho biết sẽ cân nhắc luật cho phép phạt các bố mẹ nếu con họ thể hiện “hành vi xấu” hoặc phạm tội.

Trong những tháng gần đây, Bộ Giáo dục Trung Quốc ra quy định hạn chế thời gian trẻ em được phép chơi game, chỉ cho phép chúng chơi 1 tiếng mỗi ngày trong các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật.

Bộ này cũng giảm tải bài tập giao về nhà và cấm dạy thêm ngoài trường học đối với các môn học chính khoá vào cuối tuần và ngày nghỉ, vì lo ngại trẻ em đang chịu áp lực học hành quá nhiều.

Giới chức Trung Quốc còn thúc giục giới trẻ nước này bớt “nữ tính”, “ẻo lả” và phải “nam tính” hơn.

Trong “đề xuất nhằm ngăn chặn tình trạng nữ tính hoá ở nam giới” được đưa ra vào cuối năm ngoái, Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu các trường học tăng cường các môn thể thao trong trường học như bóng đá.

Gần đây, ông Si Zefu, thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, trở thành tiêu đề trên báo chí nước này sau khi phát biểu rằng xu hướng “nữ tính hoá” trong thanh thiếu niên, nếu không được khắc phục, sẽ gây hại cho sự phát triển của Trung Quốc.

Số liệu từ cuộc điều tra dân số công bố hồi tháng 5 cho thấy mức tăng dân số Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong gần 60 năm qua, dù nước này đã bỏ quy định 1 con từ nhiều năm trước.

Số người trong độ tuổi lao động và sinh đẻ cũng đang theo xu hướng giảm. Số người trẻ ở Trung Quốc ngày nay ít hơn cách đây 10 năm, trong khi tỷ lệ kết hôn giảm 31% trong giai đoạn từ 2013-2019.

Theo Guardian

Chia sẻ