Trung Quốc công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 dạng hít

Bích Thuận,
Chia sẻ

Trung Quốc vừa công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I vaccine Covid-19 dạng hít. Theo đó, vaccine này đã cho thấy độ an toàn và sản sinh miễn dịch tốt.

Vaccine Covid-19 tái tổ hợp sử dụng công nghệ vector adenovirus dạng phun và hít do nhóm của Viện sĩ Trần Vi thuộc Viện nghiên cứu Quân y của Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc phát triển, vừa công bố dữ liệu nghiên cứu lâm sàng trên tạp chí học thuật quốc tế uy tín “The Lancet” hôm 26/7. Đây cũng là kết quả thử nghiệm lâm sàng về khả năng miễn dịch niêm mạc của vaccine Covid-19 đầu tiên được công bố công khai trên thế giới.

Trung Quốc công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 dạng hít - Ảnh 1.

Cách sử dụng vaccine Covid-19 dạng hít. Ảnh: CCTV

Kết quả nghiên cứu cho thấy, loại vaccine này có tính an toàn, dung nạp và sản sinh miễn dịch tốt. Một liều vaccine dạng hít chỉ bằng 1/5 liều vaccine tiêm bắp, trong khi phản ứng miễn dịch tế bào được tạo ra là tương đương. Sử dụng vaccine dạng hít vào ngày thứ 28 sau khi tiêm bắp vaccine tái tổ hợp để tăng cường miễn dịch, có thể tạo ra lượng kháng thể trung hòa cao.

Thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ở Vũ Hán hôm 29/9/2020. So với miễn dịch tế bào và thể dịch được hình thành bởi vaccine dạng tiêm, vaccine dạng hít có thể tạo ra miễn dịch niêm mạc trong cơ thể người, ngăn ngừa virus xâm nhập và ngăn chặn virus lây lan ngay từ phòng tuyến đầu tiên. Người sử dụng không cần “tiêm”, mà chỉ cần hít vaccine vào đường hô hấp và phổi qua thiết bị xông khí dung, là có được “bộ ba bảo vệ” gồm miễn dịch niêm mạc, miễn dịch tế bào và miễn dịch thể dịch.

Theo nhà nghiên cứu Hầu Lợi Hoa, thuộc Viện nghiên cứu Quân y của Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, vaccine dạng hít được chủng ngừa bằng cách “hít”, an toàn và tiện lợi hơn, bởi loại vaccine này không gây ra các phản ứng bất lợi như sưng đau cánh tay, điều có thể làm giảm mức độ sẵn sàng tiêm chủng của người dân. Thứ hai, liều lượng vaccine dạng hít thấp, giúp gia tăng đáng kể sản lượng vaccine. Thứ ba, việc không sử dụng bơm tiêm, có thể giải quyết hiệu quả vấn đề xử lý rác thải y tế sắc nhọn.

Hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II của loại vaccine này đang được tiến hành. Tiếp theo, các nhà nghiên cứu Trung Quốc sẽ đăng ký sử dụng khẩn cấp cho vaccine./.

Chia sẻ