Trùm ma túy lĩnh án tử, vợ chưa cưới chịu cảnh chung thân và cuộc sống lay lắt của bậc sinh thành

Thúy Hằng,
Chia sẻ

Để có tiền thỏa mãn những cơn đói thuốc, Phi quyết định buôn hàng trắng, rồi bị bắt và kết án tử hình, để lại sau đó là nỗi đau của những người ở lại.

Đã gần 10 năm kể từ ngày Trần Đình Phi (SN 1975, ngụ xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) bị bắt, bị kết án tử hình vì hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Cứ đều đặn hàng tháng, người dân vùng núi này vẫn thấy hai bóng già còm cõi, tay xách nách mang, vượt hàng trăm cây số xuôi về trại tạm giam công an Nghệ An để thăm đứa con tội lỗi. 

Hết thời gian thăm con trai, họ lại ngược về thăm con dâu tương lai Nguyễn Thị Dung (SN 1976, ngụ huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, người yêu của Phi) đang thi hành án phạt tù chung thân ở trại giam số 6. 

Đó là vợ chồng ông Trần Đình Đảm (75 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lợi (73 tuổi), bố mẹ ruột của Phi. Dù tuổi cao, sức yếu, mắt mờ, chân chậm nhưng họ vẫn cố gắng để động viên, an ủi núm ruột của mình, để được biết con của mình vẫn đang còn sống trên đời. Bởi với họ, trong bản án tử của con trai có một phần lỗi của những bậc làm cha làm mẹ.

Lòng tham bị trả giá đắt

Chuyện đời buồn của một ông trùm ma túy mang án tử hình
Bà Lợi nhắc đến quá khứ tội lỗi của con trai.

10 năm trước, cơn bão ma túy càn quét qua làng. Nhìn hàng trăm người trong làng lần lượt bị bắt vì dính vào ma túy, vợ chồng ông Đảm chỉ biết lắc đầu nuối tiếc cho những kiếp người trót sa chân vào lao lý chỉ vì lòng tham bất chính. Thế nhưng, có gặp ác mộng ông Đảm cũng không nghĩ trong số đó lại có cả con cái của mình. Đàn con của ông đứa nào cũng được ăn học đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định. Cũng vì vậy mà khi nghe tin Phi bị bắt, phải chịu khung hình phạt cao nhất của pháp luật, vợ chồng ông Đảm như chết đứng.

Ông Đảm đã có hàng chục năm vào sinh ra tử tại chiến trường ác liệt. Sau khi xuất ngũ, ông tình nguyện ở lại tiếp tục cống hiến. 75 tuổi đời nhưng ông có đến 53 năm tuổi Đảng. Ông sinh được 5 người con, Phi là con thứ 3 trong gia đình. Từ nhỏ, Phi được biết đến là đứa hiền lành, học giỏi. Sau khi tốt nghiệp đại học, Phi về làm kế toán tại trường THCS tại địa phương. Là cán bộ công chức nhà nước, có người yêu là nhân viên ngân hàng, cuộc sống của Phi là niềm mơ ước của bao nhiêu người. Vậy mà y lại sa ngã, từ nghiện hút rồi trở thành một trùm ma túy xuyên quốc gia.

Đồng lương công chức không đủ để y thỏa mãn sau những cơn đói thuốc. Để có tiền hút chích, Phi nhắm mắt đưa chân, quyết định đi buôn hàng trắng. Vốn là người bản địa, thông thạo địa hình lại quen biết với nhiều người Lào, Phi móc nối và thiết lập một đường dây chuyên vận chuyển ma túy từ huyện Quế Phong đến các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Đắc Lắc tiêu thụ. Chỉ trong vòng 2 năm (tính từ giữa năm 2004 đến tháng 7/2006) Phi cùng các “chân rết” của mình đã thực hiện trót lọt 8 vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lên đến 59 bánh heroin.

Ngày 12/7/2006 đường dây mua bán ma túy khủng do Phi cầm đầu bị triệt phá. Phi cùng 20 đối tượng khác trong đó có người yêu, em trai, anh rể của Phi lần lượt tra tay vào còng pháp luật. Phi cùng 3 đối tượng khác là Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Huy Ngọc, Vũ Đình Tương bị kết án tử hình. Nguyễn Thị Dung (người yêu Phi) cùng hai đối tượng khác lãnh án chung thân. 11 đối tượng lãnh án từ 10 đến 20 năm tù giam. 3 đối tượng còn lại là Trần Đình Thích (em trai Phi), Thái Văn Lý (anh rể Phi) và Trần Văn Sơn lãnh án từ 12 đến 18 tháng tù (cho hưởng án treo).

Mong con có cơ hội sống

Ngồi thẫn thờ trên chiếc ghế sofa cũ, ông Đảm nước mắt rưng rưng khi nghe nhắc đến người con trai tội lỗi của mình. Theo lời ông Đảm, trong 5 người con thì Phi là đứa hiền lành nhất và cũng là đứa dại dột nhất. Bản thân có nghề nghiệp ổn định, gia đình cũng không đến nỗi túng thiếu, vậy mà chỉ vì lòng tham bởi những đồng tiền bất chính, Phi nhanh chóng sa ngã, tự mình chôn vùi cuộc sống của mình.

“Mỗi lần vào thăm đều thấy nó khóc mà thân già này không cầm nổi nước mắt. Nó nói rất hối hận về tội lỗi của mình. Nó ước thời gian quay trở lại để lựa chọn con đường khác. Nó gây nên tội còn kéo theo người yêu, để giờ đây kẻ chờ chết, kẻ mòn mỏi suốt cuộc đời trong nhà tù”, gạt nước mắt, ông Đảm trải lòng.

Chuyện đời buồn của một ông trùm ma túy mang án tử hình
Mỗi lần nhắc đến con trai, đôi mắt ông Đảm lại nhòa lệ.

Từ ngày nghe con trai mình bị kết án tử hình, bà Lợi từ một người khỏe mạnh, mập mạp đã xuống dốc trầm trọng. Sau một thời gian đối diện với sự thật phũ phàng, giờ hình hài người mẹ chỉ còn da bọc xương. Hiện tại, đàn con đã yên bề gia thất, căn nhà cấp 4 chỉ còn lại đôi vợ chồng già sớm tối thui thủi bên nhau. Dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng vợ chồng bà Lợi vẫn lam lũ làm việc, từ trồng khoai, trồng sắn đến chăm sóc vườn cây ăn trái, nuôi con lợn, đàn gà… những mong tích góp được chút tiền làm lộ phí hàng tháng vào trại thăm con. Quãng đường dài hàng trăm cây số từ huyện miền núi Quế Phong xuống TP Vinh, đường đồi núi, ngoằn ngoèo nhưng đã trở nên quá đỗi quen thuộc với vợ chồng già.

“Ngày trước đi xe chưa quen, cứ mỗi lần vào trại thăm con về là tôi lại nằm liệt giường suốt cả tuần lễ mới gượng dậy được. Cứ gặp cha mẹ là thằng Phi lại khóc, bảo cha mẹ đừng nên lặn lội vào thăm nó làm chi cho vất vả. Thế nhưng vất vả, khó nhọc mấy tôi không sợ, chỉ sợ một ngày nào đó không còn gặp lại con mình", bà Lợi trải lòng.

Kể từ ngày bị bắt, Phi và cô người yêu chỉ gặp nhau một lần trong phiên tòa sơ thẩm. Hai kẻ lầm lỗi chỉ biết nhìn nhau cho vơi nỗi nhớ. Từ đó đến nay, ngón nghét gần chục năm dài, họ chỉ biết tình hình sức khỏe của nhau thông qua vợ chồng ông Đảm. Dù Phi và Dung chưa cưới nhau nhưng gia đình ông Đảm đã xem Dung như dâu con trong gia đình. Cứ đến lịch, vợ chồng ông lại thăm Phi, kể cho con trai nghe về tình hình của con dâu tương lai và ngược lại. Thăm con, động viên con đó là việc làm duy nhất mà vợ chồng ông Đảm có thể làm cho con lúc này.

“Vào thăm con Dung, thấy nó khóc, nói rất nhớ thằng Phi mà tôi chảy nước mắt. Nó tự trách mình rằng trong bản án tử hình của thằng Phi có một phần lỗi là do nó. Nếu khi biết Phi dính vào ma túy, nó cố gắng can ngăn, trình báo với công an thì cái kết không đau đớn như thế này. Chung quy lại thì cả hai đều dại dột để rồi phải đánh đổi cả tuổi trẻ, tương lai và tính mạng của mình", ông Đảm chia sẻ.

Chia tay cặp vợ chồng bất hạnh, ngước nhìn lại vẫn thấy bóng dáng người phụ nữ gầy còn, da nhăn nheo, tay cầm lá đơn xin giảm tội chết cho con trai của mình. Bà Lợi cho biết sẽ cố gắng đi lấy chữ ký của người dân địa phương rồi trình đơn lên chủ tịch nước, hi vọng con trai bà sẽ có cơ hội sống, dù cả cuộc đời phải gắn bó với lao tù...


Chia sẻ