Trong chưa đầy 1 ngày, nữ dược sĩ bị tê liệt từ chân đến đỉnh đầu, triệu chứng duy nhất là ngứa râm ran ở đầu ngón chân

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

"Thời gian một ngày dần qua cũng là lúc tôi dần bị tê liệt từ chân đến đỉnh đầu. Trước lúc được đặt nội khí quản, tôi đã yếu đến mức gần như không thể mở nổi mí mắt ra".

Anstey Campbell (New Zealand) chợt có cảm giác râm ran ở những ngón chân như có kiến bò vào một buổi sáng thức dậy chạy bộ. Ban đầu, cô chỉ cho rằng đó là do lỗi của đôi giày thể thao mới. Nhưng rốt cuộc, đó lại là triệu chứng của một chứng bệnh nguy hiểm, khiến Campbell nằm liệt giường suốt 30 ngày.

Anstey Campbell quyết định bắt đầu buổi sáng ngày 17 tháng 1 bằng một cuộc chạy bộ nhẹ nhàng trước khi đi làm. Cô bất ngờ có cảm giác râm ran như có gì châm chích vào đầu ngón chân và nó không hề giảm bớt cho tới giờ ăn trưa.

Trong chưa đầy 1 ngày, nữ dược sĩ bị tê liệt từ chân đến đỉnh đầu, triệu chứng duy nhất là ngứa râm ran ở đầu ngón chân - Ảnh 1.

"Tầm giữa buổi chiều, cảm giác nhột nhạt đó đã lan đến đầu ngón tay nên tôi đã đi gặp bác sĩ gia đình bởi tôi nghĩ cảm giác này hết sức kỳ lạ", cô gái 29 tuổi kể lại. "Bác sĩ cho rằng, đó là do tôi lo lắng thôi và khuyên tôi trở lại vào ngày hôm sau nếu tình hình không có gì tiến triển".

Nhưng Campbell đã không có cơ hội trở lại phòng khám của bác sĩ, vì cơ thể cô suy yếu rất nhanh chỉ sau một đêm. Nữ dược sĩ bị đau dữ dội ở ngực và bụng đến mức cô phải vội vã đến bệnh viện trong trạng thái hoảng loạn.

"Một cảm giác yếu ớt đang lan đến phần trên cơ thể và khuôn mặt tôi cho tới lúc đó", Campbell nhớ lại. "Trong vòng 15 phút, bác sĩ chẩn đoán tôi bị Hội chứng Guillain-Barre (GBS) và chuyển tôi đến khoa cấp cứu của bệnh viện lớn gần nhất".

GBS là một một chứng rối loạn do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần hệ thần kinh ngoại biên. Các triệu chứng đầu tiên thường là đau râm ran ở bàn chân hoặc bàn tay, giống như những gì mà Campbell đã trải nghiệm: "Thời gian một ngày dần qua cũng là lúc tôi dần bị tê liệt từ chân đến đỉnh đầu. Trước lúc được đặt nội khí quản, tôi đã yếu đến mức gần như không thể mở nổi mí mắt ra".

Và khi hơi thở của Campbell trở nên quá nông, các bác sĩ quyết định đưa cô Campbell vào tình trạng hôn mê nhân tạo để giúp bảo vệ phổi khỏi bị tổn thương thêm.

Vài ngày sau, cô Campbell được phẫu thuật mở khí quản – qua một vết rạch ở cổ - và đặt máy thở duy trì trong suốt 86 ngày.

"Sau khoảng một tuần, các bác sĩ bắt đầu giảm liều thuốc an thần của tôi và từ những gì họ quan sát được thì tôi hoàn toàn không phản ứng gì. Tôi thực sự bị khóa chặt trong chính cơ thể mình", Campbell chia sẻ. "Đó là điều đáng sợ nhất mà tôi có thể hình dung ra".

Hội chứng bị khóa trong chính cơ thể mình (LiS) liên quan đến ý thức và chức năng vỏ não của bệnh nhân vẫn bình thường nhưng họ hoàn toàn không có khả năng di chuyển hoặc thể hiện nhận thức.

"Tôi nhớ các bác sĩ đã thử tất cả các xét nghiệm để tôi có một vài phản ứng nào đó. Thật kinh hoàng khi nhận ra mình bị mắc kẹt bên trong chính mình. Tôi đã cố gắng làm những gì họ đang nói với tôi, nhưng không có gì xảy ra cả. Các bác sĩ đã ấn mạnh vào xương trán của tôi, cố gắng làm mắt tôi mở ra. Cảm giác vô cùng đau đớn và tiếng nói của tôi vang lên từ bên trong là "dừng lại". Nhưng tôi cũng không thể làm được gì".

Rất khó chịu thoải mái - và thường đi kèm cả đau đớn - nhưng Campbell lại không thể nói cho ai biết về điều đó.

Hai hàng mi cứ thế khép mãi, cách duy nhất để Campbell xác định xem đó là ngày hay đêm là cố gắng tìm hiểu xem có bao nhiêu vị khách trong phòng.

Sau 4 tuần, cử động đầu tiên mà Campbell có lại được là ở trong hàm. Cô bắt đầu co giật hàm 1 lần nghĩa là "có" và 2 lần nghĩa là "không".

"Khi thức dậy, tôi được thông báo rằng tôi đã bị bệnh nặng và trường hợp của tôi ở mức độ nghiêm trọng nên tôi sẽ phải một thời gian để rút máy thở và tự thở".

Hiện Campbell đã ở trong bệnh viện được 10 tháng kể từ buổi sáng định mệnh đó. Tuy nhiên, cô được phép về nhà mỗi cuối tuần để nghỉ ngơi. Cô đã lấy lại được một chút sức mạnh ở phần thân trên và hồi phục vận động kể từ khi tập vật lý trị liệu 2 lần/ngày trong 6 tháng qua.

"Một số bác sĩ phản ứng tích cực với tiến triển của tôi và nói rằng tôi sẽ hồi phục phần lớn, nếu không muốn nói là toàn bộ chức năng của mình trong khi những người khác nói rằng tôi sẽ ngồi xe lăn trong một thời gian dài. Nhưng họ đều thống nhất ở một điểm: Sự phục hồi của tôi sẽ mất nhiều thời gian".

Campbell vẫn chưa thể nắm lấy bất cứ thứ gì với đôi tay của mình cũng như không thể đứng mà không có người trợ giúp. Nhưng theo thời gian, cô gái trẻ hy vọng có thể tự mình cử động và di chuyển.

Kế hoạch điều trị chính cho bệnh GBS là truyền máu và vật lý trị liệu. "Tôi đã dành rất nhiều thời gian để hỏi tại sao điều này lại xảy ra với tôi, nhưng nó chẳng đưa tôi đến đâu ngoại trừ cảm giác bực bội đối với bàn tay mà tôi đang phải vật lộn [để điều khiển theo ý muốn]", Campbell tâm sự. "Nếu có điều gì đó bất ngờ xảy ra trong đời, hãy từ bỏ cuộc sống mà bạn đã lên kế hoạch từ trước và chấp nhận câu chuyện cuộc đời mới mà bạn sẽ viết nên".

Chia sẻ