Trokosi: Thứ hủ tục ám ảnh phá nát đời của những bé gái bị ép làm nô lệ tình dục, lao động khổ sai suốt kiếp để "trả nợ cho cha"

L.T,
Chia sẻ

Trokosi là một phong tục truyền thống của người Ewe, theo đó những bé gái còn trinh bị buộc phải phục vụ tại các đền thờ thần linh để bù đắp cho những hành động sai trái của các thành viên trong gia đình.

Vào năm 2016, nữ đạo diễn trẻ tài năng sinh năm 1981 Leila Djansi đã cho ra mắt bộ phim "Like Cotton Twines" để kể về tập tục Trokosi tại quê hương Ghana của cô. Bộ phim đã được đề cử cho "Phim viễn tưởng hay nhất thế giới" tại Liên hoan phim Los Angeles. 

Trong phim, nam diễn viên Jay Ellis thủ vai một giáo viên người Mỹ ở một ngôi làng hẻo lánh ở phía đông nam Ghana. Anh đặc biệt quan tâm đến một trong những học sinh đầy triển vọng của mình sau khi biết cô bé 14 tuổi sẽ phải nghỉ học để đi làm nô lệ cho một đền thờ ở địa phương. Tại sao cô bé lại phải làm vậy? Vì lỗi lầm gì ư? Câu trả lời là em chẳng có lỗi gì cả mà người gây ra tội ác là cha của em, nhưng cô bé ấy vẫn phải chịu tội thay vì thứ hủ tục gây tranh cãi gọi là Trokosi.

Con gái trả nợ thay cha, trở thành "nô lệ cho thần linh"

Ewe là dân tộc châu Phi, chủ yếu sống trong 2 quốc gia Ghana và Togo, sử dụng chung tiếng Eʋegbe. Trong tiếng Eʋegbe, Trokosi là từ ghép từ 2 chữ: "tro" là thần linh và "kosi" có nghĩa là nô lệ. Trokosi có thể hiểu là "nô lệ của thần linh". Tín ngưỡng truyền thống của người Ewe là Voodoo, thờ phụng linh hồn. Họ quan niệm mọi vật trên thế gian đều có hồn và vị thần tối cao cai quản mọi linh hồn chính là Nữ thần Mawu - một người phụ nữ được xem là người hiền từ, bao dung, đức độ.

Trokosi: Thứ hủ tục ám ảnh phá nát đời của những bé gái bị ép làm nô lệ tình dục, lao động khổ sai suốt kiếp để "trả nợ cho cha" - Ảnh 1.

Trokosi phải là một cô gái còn trinh nguyên, tốt nhất là còn trẻ để có thể sống đủ lâu và "trả nợ" cho hành vi sai trái của người thân trong gia đình, mà thông thường là nam giới.

Người Ewe quy định con gái từ 10 tuổi trở lên có nghĩa vụ thay cha ông đền tội. Ví dụ, nếu một người đàn ông Ewe phạm phải tội lỗi như trộm cắp, ngộ sát... anh ta sẽ phải hiến con gái mới lớn của mình vào đền thờ, làm "nô lệ cho thần linh". 

Bởi người ta tin rằng chỉ khi cống nộp thể xác một cô gái trinh nguyên trong gia đình cho thần linh thì tội lỗi mới có thể được gột rửa, tránh khỏi sự trừng phạt của các lời nguyền bí hiểm. Năm 2008, phong tục này vẫn còn được áp dụng tại ít nhất 12 ngôi đền ở Ghana và hàng chục ngôi đền khác tại Togo và Benin với số nạn nhân tế thần tổng cộng khoảng 10.000 Trokosi.

Điều quan trọng, nô lệ ấy phải là một cô gái còn trinh nguyên, tốt nhất là còn trẻ để cô ấy có thể sống đủ lâu để "trả nợ" cho hành vi sai trái của người thân trong gia đình, mà thông thường là nam giới. 

Bị ép làm nô lệ tình dục, lao động khổ sai suốt kiếp

Những người đứng đầu các đền thờ thần linh thường là đàn ông, được gọi nôm na là thầy tế. Họ quản lý mọi thứ trong đền, chỉ đạo các Trokosi làm việc và phục dịch. Vào đền rồi, các cô gái không chỉ lo nấu nướng, dọn dẹp mà bị bóc lột sức lao động đến cùng cực. Tàn nhẫn hơn cả chính là họ bị ép làm nô lệ tình dục với lý do "cao cả" là "sinh con cho thần linh". Thần linh ở đây chính là những thầy tế!

Trokosi: Thứ hủ tục ám ảnh phá nát đời của những bé gái bị ép làm nô lệ tình dục, lao động khổ sai suốt kiếp để "trả nợ cho cha" - Ảnh 2.

Có những bé gái được dâng cho thần linh khi chỉ mới 2 tuổi, đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên thì em bé ấy thực sự trở thành nô lệ tế thần đúng nghĩa.

Các Trokosi lao dịch không chỉ trên các cánh đồng, trang trại, đem thu nhập kinh tế về cho nơi thờ phụng mà còn bị các thầy tế vắt kiệt sức lực, không trả một xu. Thậm chí, một số người còn bị đánh đập tàn nhẫn, đối xử vô cùng tệ bạc.

Tuy có vài nét khác biệt ở từng nơi nhưng các Trokosi đều chịu nỗi thống khổ như nhau. Thậm chí có những bé gái được dâng cho thần linh khi mới chỉ 2 tuổi. Đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên, những em bé ấy thực sự trở thành nô lệ tế thần đúng nghĩa với buổi lễ công nhận chính thức. Sau đó như tập tục lâu đời, thầy tế (được xem là hiện thân của thần linh) bắt đầu "có quyền" ăn nằm với các bé gái bất cứ khi nào ông ta muốn.

Nếu Trokosi chết, thân nhân phải tự mang về lo ma chay và nhanh chóng dâng nộp một cô gái còn trinh nguyên khác trong gia đình mình để thay thế. 

Trokosi: Thứ hủ tục ám ảnh phá nát đời của những bé gái bị ép làm nô lệ tình dục, lao động khổ sai suốt kiếp để "trả nợ cho cha" - Ảnh 3.

Trokosi: Thứ hủ tục ám ảnh phá nát đời của những bé gái bị ép làm nô lệ tình dục, lao động khổ sai suốt kiếp để "trả nợ cho cha" - Ảnh 4.

Còn nếu Trokosi nào dám cả gan bỏ trốn mà bị bắt lại, sẽ phải hứng chịu những trận đòn kinh hoàng. Chính vì thế mà nhiều phụ nữ tế thần trong một số ngôi đền ở Ghana vẫn cắn răng chịu đựng và cống nạp thân xác để “trả giá” cho một sai lầm hay tội lỗi mà người thân trong gia đình đã phạm phải.

Dora Galley, 22 tuổi, một Trokosi có thời gian 7 năm phục vụ trong đền, kể lại câu chuyện của mình sau khi đã được trả tự do: “Ở trong đền, tôi phải làm việc từ sáng sớm tới tối mịt mà không được trả công. Cha mẹ tôi phải mang đồ ăn đến đền cho tôi. Tôi buộc phải có quan hệ với các thầy tế trong đền, nhưng may mắn là tôi không có thai”. 

Cô Patience Akope, 31 tuổi, một trokosi khác vừa được trả tự do, cho biết: “Trong 21 năm phục vụ thầy tế và có một đứa con 15 tuổi. Thầy tế không cho phép tôi tới bệnh viện hay các cơ sở y tế dù chỉ một lần. Mặc dù mang thai, tôi đã phải tự chăm sóc mình”.

Pháp luật can thiệp nhưng vẫn không có tác dụng

Khoảng Thế kỷ XIII, người Ewe rời khu vực phía Đông sông Niger di cư tới Ghana và Togo. Họ theo văn hóa phụ hệ, mỗi gia tộc thờ cúng một ông tổ. Người Ewe tin rằng đất đai là món quà quý báu nhất cha ông truyền lại nên tuyệt đối không bán. Ở Lục địa Đen, người Ewe nổi tiếng khó gần vì họ tự xây dựng các làng độc lập và không liên quan đến thế giới bên ngoài. Nhưng cũng chính vì lối sống vị kỷ này mà vào thời kỳ thuộc địa, họ đại bại dưới các cuộc chiến tranh xâm chiếm đất đai, đồng hóa của thực dân Châu Âu.

Trokosi: Thứ hủ tục ám ảnh phá nát đời của những bé gái bị ép làm nô lệ tình dục, lao động khổ sai suốt kiếp để "trả nợ cho cha" - Ảnh 5.

Năm 2015, vẫn còn khoảng 3.000 phụ nữ bị bắt làm nô lệ ở Ghana vì phong tục Trokosi.

Ngay khi thống trị Ghana vào Thế kỷ XIX, thực dân Anh đã biết đến hủ tục Trokosi. Nó được thực hành ở tất cả các ngôi đền, phơi bày thực tế bóc lột, lạm dụng phụ nữ, bé gái. Song, không có động thái giải cứu nào, bởi hủ tục này "cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế".

Thập niên 1980-1990, nhiều cha xứ châu Âu và các nhà báo Ghana liên tục lên án bản chất tàn bạo của Trokosi. Các tổ chức bảo vệ trẻ em Ghana cũng vào cuộc, gây sức ép đòi hỏi chính phủ phải đưa ra giải pháp chấm dứt triệt để.

Ông Benyam Mezmur, chủ tịch Ủy ban về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc, cho biết: “Năm 1998, chính quyền Ghana ban hành luật cấm Trokosi, phạt tù 3 năm những ai vi phạm, nhưng vẫn không có tiến triển đáng kể”. Ông Mezmur nói thêm rằng chính quyền Ghana không thể nói cho họ biết liệu có bất kỳ phiên tòa xét xử người vi phạm hay không, trong khi nhiều trẻ em vẫn đang là nạn nhân của Trokosi.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2015, vẫn còn khoảng 3.000 phụ nữ bị bắt làm nô lệ ở Ghana vì phong tục Trokosi. Ủy ban về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền Ghana tăng cường biện pháp nhằm giải cứu các nạn nhân.

(Nguồn: Face2face Africa, Medium)

Chia sẻ