Triết lý tinh giản trong công việc của người Nhật: Vô cùng nghiêm khắc và tàn nhẫn nhưng là con đường dẫn tới thành công
Thời gian là thứ của cải chung rất quý giá, chỉ cần một vài người làm chậm tiến độ là thành quả, nỗ lực của tập thể sẽ đổ bể. Học được cách tôn trọng thời gian đồng nghĩa với việc tôn trọng những giá trị của chính bản thân.
*Dựa trên những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó TGĐ VCCorp
Trên thị trường tuyển dụng, người lao động Việt Nam được đánh giá khá cao vì sự thông minh, khả năng học hỏi và thích ứng nhanh. Tuy nhiên, người Việt lại khá tùy tiện trong công việc cũng như cuộc sống và hầu như không tuân theo nguyên tắc nào cả.
Ví dụ, với người Việt thì chuyện đi làm muộn vài phút hay chậm deadline vài tiếng, vài ngày là thứ gì đó rất... bình thường. Bên cạnh đó, việc ráo hoảnh khi nhìn thấy sếp hoặc ăn mặc không đúng quy định của doanh nghiệp lại càng không có gì lạ lẫm.
Để so sánh trực quan, có thể ví các công ty với một cỗ máy - được tạo nên từ hàng trăm, hàng nghìn bánh răng. Chỉ cần một mắt xích nhỏ bé có vấn đề, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống, khiến nó không thể hoạt động trơn tru.
Thời gian là thứ của cải chung rất quý giá, chỉ cần một vài người làm chậm tiến độ là thành quả, nỗ lực của tập thể sẽ đổ bể. Học được cách tôn trọng thời gian đồng nghĩa với việc tôn trọng những giá trị của chính bản thân.
Để đảm bảo doanh nghiệp có thể tiến lên với những cá nhân tận tụy, người Nhật đã đặt ra nguyên tắc cắt giảm 3M rất khắc nghiệt nhưng vô cùng hiệu quả.
3M là từ viết tắt của:
- Muda: sự lãng phí, hiệu quả thấp mà chi phí cao
- Muri: sự bất hợp lý, không đúng quy luật, không bình thường
- Mura: sự không nhất quán, bất ổn định, kẻ xây người phá
Tóm lại, những gì vi phạm nguyên tắc 3M thì người Nhật đều cho triệt tiêu, không bao giờ để tồn tại lâu.
Để hiểu rõ hơn nguyên tắc này, hãy nghe câu chuyện về tên lửa phóng vệ tinh:
Ban đầu từ mặt đất, tên lửa rất to và dài, nó mang theo những khoang chứa nguyên liệu lớn để phục vụ cho quá trình đẩy vệ tinh lên quỹ đạo.
Nhưng càng lên cao, chiếc tên lửa càng ngắn và nhỏ dần, bởi lẽ những khoang đã đốt hết nhiên liệu được hệ thống tự động cắt bỏ để giảm trọng lượng, giúp cho tên lửa được lên cao hơn. Nếu không cắt thì cả tên lửa sẽ chịu thêm sức nặng của những khoang nhiên liệu rỗng không còn tác dụng. Người Nhật gọi đây là Triết lý Tên lửa.
Mặc dù giai đoạn đầu bạn có thể có công rất lớn như khoang nhiên liệu kia, nhưng đến thời điểm nào đó, bạn không còn giá trị đóng góp vào kết quả chung, bạn sẽ bị đào thải nếu không cả bộ máy sẽ không tiến lên được. Triết lý này có vẻ tàn nhẫn nhưng thực dụng và hiệu quả cao.
Những gì mà người Nhật làm được trong nhiều năm qua đã làm ta nhận thức rõ về ý chí cũng như sự quyết liệt của họ trong cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều ví dụ để chúng ta học tập, từ đó tự rút ra các nguyên tắc của riêng mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh.