Trị trẻ không vâng lời

,
Chia sẻ

Bạn đã giao hẹn bé phải dậy sớm, ăn sáng để kịp đến trường, nếu không sẽ phải bỏ bữa sáng. Nếu bé không thực hiện được, bạn nên thực hiện đúng giao ước là thu lại bữa sáng.

Tuy nhiên hầu hết cha mẹ không làm được điều này.

Đây là ví dụ điển hình về việc cha mẹ thất bại trong việc ứng xử khi trẻ không vâng lời, được đưa ra tại hội nghị tổng kết dự án Phòng chống trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em 2004-2008, diễn ra chiều 16/2 tại Hà Nội.
 
Dựa trên kết quả khảo sát thực trạng việc trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em tại 4 tỉnh: Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Gia Lai và Tiền Giang năm 2004, Viện khoa học Dân số, Gia đình và Trẻ em (Bộ Y tế) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển đã phối hợp biên soạn và thử nghiệm tài liệu tập huấn "Làm cha mẹ tốt".

Tài liệu gồm 12 bài học bao gồm: sự phát triển của trẻ, xung đột trong gia đình cách phân tích và giải quyết, kỹ năng giao tiếp với con, cách từ chối "không" với con, thiết lập nề nếp gia đình... Mỗi bài học đều có những ví dụ, những tình huống được phân tích cụ thể để cha mẹ có thể áp dụng trong cách giáo dục con cái.

Chẳng hạn, bình thường con bạn không giúp bạn nấu cơm, nhưng hôm nay khi đi học về, cháu đề nghị: "Mẹ ơi, hôm nay con sẽ nấu cơm giúp mẹ nhé". Trong trường hợp này, cha mẹ nên lắng nghe và phân tích xem động cơ của con sau lời đề nghị ấy là gì, quan sát sự biểu lộ cảm xúc của con, từ đó có những động viên, ứng xử phù hợp.

Chị Nguyễn Thị Thanh, thành viên dự án cho biết, sau hai năm thử nghiệm dự án tại Vĩnh Phúc, 99% cha mẹ cho rằng con cái của họ nghe lời bố mẹ hơn khi cha mẹ áp dụng những phương pháp tích cực. Đa số phụ huynh hiểu được tầm quan trọng khi nói chuyện với con nên đã dành thời gian nhiều hơn để trò chuyện với trẻ.

"Hầu hết các bậc cha mẹ đều cho biết điều thành công nhất của họ sau khi tham gia dự án là kiềm chế cơn nóng giận khi con mắc lỗi. Họ cũng biết kiềm chế nóng giận nên giảm hẳn xung đột gia đình", chị nói.

Tuy nhiên, kỹ năng thất bại nhiều nhất của các phụ huynh là "nói không với con" vì họ thường bị thay đổi quyết định "không" thành "có" khi con khóc hoặc không thể kiên nhẫn giải thích cho con hiểu.

Ông Trần Văn Chiến, Viện trưởng Viện Khoa học Dân số, Gia đình và Trẻ em cho biết, điều đặc biệt của tài liệu này chính là ở chỗ nó không chỉ là lý thuyết suông mà là những tình huống cụ thể hướng dẫn những kỹ năng dạy con cho cha mẹ, đặc biệt là cách ứng xử khi con mắc lỗi.

Ông cũng cho biết: "Một trong những nguyên nhân cha mẹ mắng, đánh trẻ khi con mắc lỗi là do họ không có kiến thức về cách kỷ luật tích cực cho trẻ. Vì thế mục đích của cuốn sách là nâng cao nhận thức cho cha mẹ, hướng dẫn họ cách dạy con tích cực".

Trong thời gian tới tài liệu này sẽ được in thành sách và đưa đến từng hộ gia đình, có thể bán hoặc phát miễn phí.
 
Theo Nam Phương
Vnexpress
Chia sẻ