Trẻ ngủ ít hơn 9 giờ mỗi đêm có trí nhớ, trí thông minh và sức khỏe kém so với bạn cùng lứa ngủ đủ giấc

San San,
Chia sẻ

Việc trẻ ngủ không đủ giấc sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của con.

Trẻ ngủ sâu phát triển não bộ cao gấp đôi so với lúc thức, hormone tăng trưởng nhiều hơn gấp ba lần thông thường

Giấc ngủ là hiện tượng sinh lý không thể thiếu đối với mỗi người. Trong suốt cuộc đời của chúng ta, ngủ chiếm gần 1/3 thời gian. Quá trình ngủ không chỉ để nghỉ ngơi mà còn thúc đẩy sự phát triển thể chất và những giai đoạn quan trọng của quá trình tăng trưởng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã từng thực hiện một cuộc khảo sát liên quan và kết quả cho thấy khi trẻ đang chìm trong giấc ngủ sâu, không chỉ tốc độ phát triển của não bộ cao gấp đôi so với trạng thái thức, mà hormone tăng trưởng trong cơ thể cũng nhiều hơn gấp ba lần tỷ lệ thông thường.

Trẻ ngủ ít hơn 9 giờ mỗi đêm có trí nhớ, trí thông minh và sức khỏe kém so với bạn cùng lứa ngủ đủ giấc - Ảnh 1.

Giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý của trẻ. Ảnh: Internet.

Nơi tiết ra hormone tăng trưởng chủ yếu là tuyến yên của con người, có thể thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển, tổng hợp protein và ảnh hưởng tích cực đến việc chuyển hóa chất khoáng và chất béo trong cơ thể.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều bậc cha mẹ luôn nghĩ rằng chỉ cần ngủ đủ 7-8 tiếng một ngày mà không để ý đến thời gian ngủ của con. Trong trường hợp bình thường, trẻ nên đi ngủ trước 10 giờ tối vì từ 10 giờ tối đến 1 giờ sáng là khung giờ quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.

Trẻ ngủ không đủ giấc, ít hơn 9 giờ mỗi đêm có ít chất xám hơn

Mới đây, kết quả trong một nghiên cứu mới được dẫn đầu bởi các nhà khoa học tại Trường Đại học Y khoa Maryland (UMSOM, Mỹ) cho thấy ngủ không đủ giấc cũng có liên quan đến những khó khăn về nhận thức, bao gồm: Trí nhớ, khả năng giải quyết vấn đề và ra quyết định. 

Học viện Y học Giấc ngủ Mỹ khuyến cáo, trẻ em từ 6 - 12 tuổi cần ngủ từ 9 - 12 giờ mỗi đêm để tăng cường sức khỏe tối ưu. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu được thu thập từ hơn 8.300 trẻ em từ 9 - 10 tuổi. Họ kiểm tra hình ảnh MRI, hồ sơ y tế và khảo sát những người tham gia cũng như phụ huynh. Quy trình được lặp lại khi trẻ 11 - 12 tuổi.

Trẻ ngủ ít hơn 9 giờ mỗi đêm có trí nhớ, trí thông minh và sức khỏe kém so với bạn cùng lứa ngủ đủ giấc - Ảnh 2.

Bố mẹ nên cố gắng khuyến khích con ngủ đủ giấc. Ảnh: Internet.

''Chúng tôi phát hiện, những trẻ ngủ không đủ giấc (ít hơn 9 giờ mỗi đêm) có ít chất xám hơn. So với bạn cùng lứa, khối lượng một số vùng não chịu trách nhiệm kiểm soát sự chú ý, trí nhớ ở những trẻ này cũng nhỏ hơn. Những khác biệt này vẫn tồn tại sau 2 năm'', tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Ze Wang - chuyên gia về X-quang chẩn đoán và Y học hạt nhân tại UMSOM, cho biết.

Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến khích các phụ huynh thúc đẩy thói quen ngủ tốt ở trẻ. Trong đó, việc ngủ đủ nên trở thành ưu tiên của gia đình. Đồng thời, trẻ cần tuân thủ thói quen ngủ đều đặn, tham gia hoạt động thể chất trong ngày, hạn chế thời gian sử dụng thiết bị công nghệ một giờ trước khi đi ngủ.

Thời gian ngủ đủ đối với trẻ

Thời gian ngủ của trẻ từ 1 – 3 tuổi

Trẻ từ 1-3 tuổi cần ngủ từ 12 – 14 tiếng mỗi ngày. Khi trẻ được 1 tuổi thì giấc ngủ buổi sáng sẽ dần mất đi, và thường chỉ có một giấc ngủ ngắn buổi trưa vào ban ngày. Khi trẻ biết đi, lý tưởng cần có 14 tiếng ngủ mỗi ngày, nhưng thực tế thì chúng chỉ được ngủ khoảng 10 tiếng. Ở phần lớn trẻ từ 21 – 36 tháng, vẫn cần ngủ trưa và thời gian kéo dài khoảng từ 30 phút tới một tiếng. Buổi tối trẻ thường bắt đầu ngủ từ 7 – 9 giờ tối và thức dậy từ khoảng 6 – 8 giờ sáng.

Thời gian ngủ của trẻ từ 3 – 6 tuổi

Trẻ từ 3 – 6 tuổi cần ngủ 10 – 12 tiếng mỗi ngày. Ở giai đoạn này, buổi tối trẻ thường bắt đầu ngủ từ khoảng 7 – 9 giờ tối và dậy khoảng từ 6 – 8 giờ sáng. Từ 3 tuổi trở đi, hầu hết trẻ vẫn còn ngủ trưa, tuy nhiên khi được 5 tuổi thì hầu như không còn ngủ trưa nhiều nữa. Thời gian ngủ trưa càng ngắn thì sẽ tốt cho trẻ. Từ 3 tuổi trở đi, phần lớn trẻ đã hình thành được thói quen ngủ của mình.

Trẻ ngủ ít hơn 9 giờ mỗi đêm có trí nhớ, trí thông minh và sức khỏe kém so với bạn cùng lứa ngủ đủ giấc - Ảnh 3.

Trẻ ngủ sâu vào ban đêm rất tốt cho sức khoẻ. Ảnh: Internet.

Thời gian ngủ của trẻ từ 6 – 12 tuổi

Trẻ từ 6 – 12 tuổi cần ngủ 9 – 12 tiếng mỗi ngày. Ở giai đoạn này, trẻ đã có những hoạt động ở trường, xã hội và gia đình, nên buổi tối trẻ thường bắt đầu ngủ sớm hơn. Buổi tối, chúng thường ngủ bắt đầu ngủ lúc 9 giờ tối và thức dậy từ khoảng 7 – 10 giờ sáng. Nếu mỗi ngày trẻ ngủ được trung bình khoảng 9 tiếng thì cũng vừa đủ.

Trẻ ngủ ít hơn 9 giờ mỗi đêm có trí nhớ, trí thông minh và sức khỏe kém so với bạn cùng lứa ngủ đủ giấc - Ảnh 4.

Chất lượng giấc ngủ của trẻ rất quan trọng. Ảnh: Internet.

Thời gian ngủ của trẻ từ 12 tuổi trở lên

Trẻ từ 12 tuổi cần ngủ 7 – 11 tiếng mỗi ngày. Ở giai đoạn này, các em có nhiều hoạt động hơn nên giấc ngủ rất quan trọng để lấy lại sức khỏe. Tuy nhiên, với áp lực học hành, nhiều em đã không ngủ đủ giấc mỗi ngày. Do đó, phụ huynh cần để ý nhiều hơn tới giấc ngủ của các em.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhất là trẻ nhỏ. Trẻ ngủ đủ, ngủ ngon, ngủ sâu sẽ phát triển tốt. Khoa học đã chứng minh vào thời điểm 11 giờ hàng đêm, lúc trẻ ngủ sâu, hormone tăng trưởng sẽ được phóng thích, trẻ phát triển chiều cao tốt hơn. Ngược lại nếu rối loạn giấc ngủ vào ban đêm trẻ không chỉ chậm lớn, mệt mỏi, hay quấy khóc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Chia sẻ