Trào lưu mới - "Cover" lời tây cho nhạc Việt

Bài và ảnh: Duy Khánh,
Chia sẻ

Qua rồi thời thịnh hành của thể loại nhạc Hoa lời Việt, nhạc Hàn lời Việt. Một xu hướng mới đang xuất hiện và đem lại những dấu hiệu đáng mừng cho nhạc trẻ Việt Nam.

Trào lưu cover nhạc ngoại lụi tàn

Nhạc trẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ sau những năm 1975. Thời đó các nhạc sỹ sáng tác cho mảng cho khúc tình yêu tuổi trẻ chưa nhiều, đa phần ca sỹ sử dụng các ca khúc nhạc ngoại và viết thêm lời Việt. Khoảng thời gian đó có thể nói là giai đoạn “thịnh vượng” của nhạc ngoại lời Việt. Đi đầu trong trào lưu này có nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện, nhiều ca khúc hay của quốc tế đã được anh đặt lại lời Việt và xuất hiện đều đặn trong nhiều chương trình biểu diễn thời bấy giờ.

Thời gian từ 1979 trở đi thì nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện bắt đầu có những sáng tác mới, là những ca khúc “made in Việt Nam” chứ không còn là những bản nhạc ngoại lời việt nữa. Này người yêu nhỏ xinh, Kỷ niệm mùa hè, Cô bé dỗi hờn, Cô bé u sầu, Trò chơi (Oẳn tù tì), Có biết không em, Cây điệp vàng, Người yêu nhé, Nếu em là người tình… là những sáng tác đầu tay của Nguyễn Ngọc Thiện được đông đảo bạn trẻ đón nhận.
 

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện từng rất nổi tiếng với những sáng tác trong thập niên trước

Cùng với những sáng tác mới của các nhạc sỹ Lê Hựu Hà, cố nhạc sỹ Từ Huy, nhạc sỹ Thanh Tùng, Bảo Chấn… đã làm nên một trào lưu mới cho âm nhạc bấy giờ, những ca khúc trong trẻo về cuộc sống viết cho tuổi trẻ được ra đời. Nhạc ngoại lời Việt không còn được thịnh hành như trước và dần mất khỏi dòng chảy của nhạc trẻ Việt Nam.

Tiếp đến có thể kể đến sự xuất hiện của một vài trào lưu cover mới là Nhạc hoa lời Việt với sản phẩm nổi bật là tuyển tập các Video Mưa bụi.

Sự xuất hiện của một thế hệ nhạc sỹ trẻ như Tường Văn, Việt Anh, Trần Minh Phi, Hoài An… cũng đánh dấu thời “nhạt nhòa” của thể loại nhạc hoa lời Việt.

Nhạc ta lời tây với những người tiên phong

Hướng đến thị trường âm nhạc quốc tế, giới thiệu văn hóa Việt qua âm nhạc là một điều nhiều người làm nghệ thuật trong nước mong muốn thực hiện được. Khi nói đến cụm từ nhạc ta lời tây thì có thể nhắc đến những sáng tác của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Nhiều ca khúc của ông đã được dịch sang tiếng anh và giới thiệu với đông đảo bạn bè thế giới: Đêm thấy ta là thác đổ - At night I feel like a waterfall, Hạ trắng – White summer, Biển nhớ - A Sea’s Yearning...
 

Trịnh Công Sơn với những ca khúc Việt đầu tiên được dịch sang Tiếng Anh

Nhưng “phiên bản” lời tiếng Anh của những sáng tác trên chủ yếu được phổ biến ở nước ngoài, công chúng trong nước hiếm khi được nghe những bản thu.
 
Người tiên phong chuyển hóa nhạc Việt sang lời Anh và phát triển rộng rãi trên thị trường Việt Nam là nhà nhiếp ảnh Lê Thanh Hải. Sau Album Bóng tối ly cà phê  với 2 ca khúc dịch sang tiếng Anh do ca sĩ Arlene Estrella trình bày với thử nghiệm về phong cách nhạc hi-end, danh tiếng của anh ngày càng vang xa. 
 
Tiếp sau đó, trong album Sun dance, Lê Thanh Hải cùng ekip của mình đã giới thiệu đến công chúng những bản hát tiếng Anh của các nhạc sỹ Phú Quang, Dương Thụ, Bảo Chấn như Vẫn hát lời tình yêu, Mặt trời dịu êm, Bóng tối ly cà phê, Nghe mưa…  Từ đây mở ra cuộc chơi của những người mê âm nhạc và muốn tiếp cận với những trào lưu âm nhạc đang thịnh hành trên quốc tế.

Ca sĩ trẻ và con đường mới

Hà Anh Tuấn, Đoan Trang, Nguyễn Xinh Xô và ngay cả Mai Khôi cũng nhập cuộc với xu hướng mới mẻ này: Hát lời tiếng Anh trên những ca khúc Việt.

Hà Anh Tuấn

Hà Anh Tuấn đã cộng tác với Dương Khắc Linh để viết riêng cho anh 7 ca khúc trong album Cocktail. 7 bài hát liên tục tạo thành một câu chuyện về anh chàng bartender yêu màu sắc, hương vị của cocktail cũng như những nhan sắc của những cô gái đẹp lắc lư trong âm nhạc RnB hiện đại và quyến rũ. 7 ca khúc trong album này hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Nhạc sỹ Dương Khắc Linh bắt đầu được công chúng biết đến với những bản nhạc RnB ở dự án cho Hồ Ngọc Hà, tiếp đến là những sản phẩm cho Thanh Bùi, Thảo Trang. Sinh trưởng và làm việc tại Hà Lan, sớm tiếp cận với những trào lưu mới của dòng nhạc Pop đương đại quốc tế đã giúp Dương Khắc Linh định hình được phong cách âm nhạc đậm chất RnB.
 
 
Những sáng tác viết cho Hà Anh Tuấn thu hút người nghe và mang đến phong cách mới lạ cho chàng ca sỹ này. Trước khi thực hiện dự án, Hà Anh Tuấn có vẻ hơi do dự và cho rằng mình đang khá liều lĩnh, thu âm một album với tất cả sáng tác mới bằng tiếng Anh. Nhưng chính sự mạnh dạn và táo bạo, dám thử nghiệm đã mang đến thành công cho cả Hà Anh Tuấn và Dương Khắc Linh. Hòa âm hay, phát âm chuẩn đặc biệt là ý tưởng độc đáo là những điểm đáng ghi nhận trong album Cocktail.

Nguyễn Xinh Xô cũng là một gương mặt trẻ và đã tung ra sản phẩm mang dấu ấn “quốc tế hóa” của mình. Một khát khao lạ được hóa bướm bay lên, phong cách âm nhạc “đậm đặc” chất elictropop. Anh tự sáng tác, viết lời anh và tự trình bày những ca khúc của mình. So với Album của Hà Anh Tuấn thì độ phổ biến không rộng rãi bằng nhưng sản phẩm âm nhạc của Nguyễn Xinh Xô cũng khá thú vị và mang đến một phong cách mới. Ở thời điểm này có thể gọi nôm na đây là phong cách “quốc tế hóa” ca khúc Việt, một xu hướng mới sẽ giúp nhạc trẻ Việt Nam tiếp cận gần hơn với sự phát triển của nhạc trẻ thế giới.

 
Đoan Trang
 
Sự thể nghiệm ở những bản thu tiếng Anh mang lại thành công cho Hà Anh Tuấn và Nguyễn Xinh Xô, còn với The Unmakeup của Đoan Trang thì chưa mấy ấn tượng lắm. Dự án tiêu tốn 3 năm trời của cô nàng này không thành công như những dự đoán ban đầu. Hòa âm, phối khí trong album không chê vào đâu bởi nó được đầu tư kỹ lưỡng và Đoan Trang đã biết “chọn mặt gửi vàng” khi cùng hợp tác với 1 ekip “thông thạo” và có sở trường với phong cách âm nhạc mộc mạc. Phần chọn bài dựa theo ý tưởng thu lại toàn bộ bản hit đã tạo nên tên tuổi Đoan Trang nên cũng không có gì mới mẻ.
 
 
Cái mới là cô đã thay lời tiếng Anh cho những bản hit đó. Điều đáng tiếc là phần phát âm không chuẩn của Đoan Trang trong The Unmakeup, chính vì thế album này cũng chưa đạt chuẩn của sự hoàn hảo. Nhưng xét trên khía cạnh ý tưởng và xu hướng âm nhạc thì Đoan Trang cũng là một cái tên đáng được khen ngợi với sự đóng góp của mình cho sự xuất hiện một trào lưu mới.
 
Mai Khôi

Trong khi Hà Anh Tuấn, Nguyễn Xinh Xô và Đoan Trang trình làng những sản phẩm “thuần chất” thì Mai Khôi lại chỉ thể nghiệm việc sáng tác và hát tiếng Anh ở một ca khúc. Vietnam là ca khúc tiếng Anh trong Album Made in Mai Khôi của cô. Ca khúc này cũng vừa được giải thưởng Bài hát Việt 2010 với phần dịch lời Việt. Đây cũng là khởi đầu may mắn cho chuỗi thành công kế tiếp trên con đường âm nhạc của Mai Khôi.

 

Âm nhạc cũng có những sắc thái gần với thời trang, nó cũng có những trào lưu và xu hướng. Hiện tại Hà Anh Tuấn, Dương Khắc Linh, Nguyễn Xinh Xô, Đoan Trang, Mai Khôi là những gương mặt trẻ đang mở ra xu hướng mới, xu hướng “quốc tế hóa” sản phẩm âm nhạc Việt Nam. Có thể nói những người tiên phong đã ghi được dấu ấn trong lòng công chúng và hứa hẹn mang đến những nhân tố tích cực để nền nhạc trẻ Việt Nam này càng phát triển mạnh mẽ hơn và hòa nhập với xu hướng phát triển của nhạc trẻ thế giới. 
Chia sẻ